Minh bạch, thị trường hóa giá điện

Bất chấp những cố gắng của các cơ quan quản lý và của ngành điện, việc cung cấp đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng trong quá trình phát triển đất nước vẫn là vấn đề nan giải. Thậm chí, nguy cơ thiếu điện đang có xu hướng gia tăng, nhất là vào những dịp mùa khô và ngày lễ, tết trên phạm vi toàn quốc.

Bất chấp những cố gắng của các cơ quan quản lý và của ngành điện, việc cung cấp đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng trong quá trình phát triển đất nước vẫn là vấn đề nan giải. Thậm chí, nguy cơ thiếu điện đang có xu hướng gia tăng, nhất là vào những dịp mùa khô và ngày lễ, tết trên phạm vi toàn quốc.

7 nghịch lý ngành điện

Trong quản lý và phát triển ngành điện ở nước ta, có thể nhận thấy ít nhất 7 nghịch lý sau: Thứ nhất, giá điện chỉ tăng một chiều mà chưa bao giờ giảm, bất chấp những trồi sụt giá cả trên thị trường trong nước và quốc tế, trong khi chất lượng cung cấp điện còn nhiều bất cập, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Thứ hai, doanh nghiệp ngành điện đòi áp dụng giá thị trường khi chưa có sự cạnh tranh đầy đủ trên thị trường đối với điện năng. Đây là điển hình của việc áp quy trình ngược do ngộ nhận hoặc lạm dụng cơ chế thị trường…

Thực tế cho thấy, trước khi có cạnh tranh thị trường mà cho phép các doanh nghiệp tự định giá là biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp, cục bộ, mang lại lợi ích độc quyền kép cho doanh nghiệp, vì vừa không phải cạnh tranh thị trường, vừa được làm giá độc quyền.

Thứ ba, cả nước thiếu điện dùng, trong khi một số nhà sản xuất điện tư nhân lại không ký được hợp đồng bán điện với EVN với lý do ngành điện đưa ra là dây dẫn quá tải, không đủ sức tải lên mạng quốc gia nguồn điện từ nhà máy phát điện tư nhân.

Thứ tư, ngành điện luôn kêu lỗ và thiếu vốn đầu tư, trong khi thu nhập bình quân lao động của ngành điện cao so với trung bình xã hội. Đồng thời, ngành điện có vốn đầu tư đa ngành khá lớn và đầu tư thường không hiệu quả (thí dụ đầu tư sản xuất điện thoại bàn lỗ hàng ngàn tỷ đồng).

Thứ năm, các thông tin giải trình và phương án tăng giá điện mang tính áp đặt một chiều từ phía ngành điện, công tác kiểm toán và giám sát đầu tư ngành còn nhiều khoảng trống. Đặc biệt, lãng phí, thất thoát, thất thu trong sản xuất, phân phối và tiêu thụ điện năng của ngành điện ngày càng lớn trong khi cả nước thiếu điện.

Thứ sáu, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) thay vì là công cụ tập hợp sức mạnh xã hội và hỗ trợ Nhà nước giải quyết khó khăn trong ngành năng lượng, trong đó có ngành điện, thì lại trở thành công cụ để ép giá.

Thứ bảy, nghịch lý cao nhất và khó chấp nhận nhất là thị trường điện ngày càng mở rộng và có nhiều tiềm năng phát triển, trong khi các nguồn vốn tài chính và nhân lực xã hội bị tắc nghẽn khiến cả nước lâm vào tình trạng thiếu điện kéo dài do lỗi cơ chế.

Trong nền kinh tế thị trường, các hiệp hội ngành nghề và tổ chức xã hội-nghề nghiệp khác tương tự, là những định chế tiến bộ và cần thiết cho sự phát triển vì dân chủ và công bằng xã hội. Tùy theo lĩnh vực và tính chất, hiệp hội có mục tiêu tập hợp và bảo vệ quyền lợi, hỗ trợ và chia sẻ những kinh nghiệm nghề nghiệp và các kỹ năng khác của những nhà đầu tư, kinh doanh và người tiêu dùng, lao động.

Tuy nhiên, ở nước ta các hiệp hội có vai trò mờ nhạt, thậm chí bị hành chính hóa, hoạt động như một cơ quan hành chính nhà nước, chưa thu hút và thuyết phục các hội viên, cũng như người tiêu dùng.

Thậm chí, có lúc các hiệp hội được sử dụng như một công cụ hỗ trợ vận động chính sách, gây sức ép với các cơ quan chức năng quản lý nhà nước và người tiêu dùng nhằm áp đặt và duy trì lợi ích cục bộ, có tính độc quyền cao, bất chấp những tổn hại to lớn cho xã hội và môi trường kinh doanh.

Ngày 9-8-2010, VEA đã gây sức ép tập thể lên Chính phủ đòi tăng giá điện, sau khi cảm thấy kiến nghị ở từng cơ quan hội viên không có trọng lượng. Để tăng sức ép, hiệp hội các nhà năng lượng độc quyền này đưa ra 2 tiền đề tự khẳng định là “Không có giá điện thị trường sẽ không có nhà đầu tư, không có vốn đầu tư nhờ tăng giá điện chúng ta sẽ không bao giờ đủ điện”.

Nói cách khác, để có giá thị trường về điện chỉ cần tăng giá điện theo giá thị trường quốc tế, bất chấp chưa và không cần có cơ chế cạnh tranh thị trường trên thị trường năng lượng nói chung và từng thị trường dạng năng lượng nói riêng ở Việt Nam.

Đặc biệt, dường như do quán tính lập tổng công ty, nên VEA và EVN đã đưa ra ý tưởng mới lạ gọi là “Tổng công ty quản lý giá điện cho 2 nhóm đối tượng”. Không rõ hình hài và cơ chế của tổng công ty này ra sao, tổng công ty kinh doanh thương mại hay là cơ quan quản lý hành chính nhà nước thay cho Cục Giá của Bộ Tài chính?

Một khi đã cạnh tranh thị trường đúng nghĩa giá sẽ do thị trường quy định, còn hiện nay chưa có cơ chế thị trường trong ngành điện, định chế này không khác gì “vừa đá bóng vừa thổi còi”?

Tăng tính minh bạch và thị trường

Để góp phần giải bài toán điện theo nguyên tắc thị trường trong thời gian tới, theo tôi cần chú ý những nguyên tắc sau: Thứ nhất, xuất phát từ lợi ích quốc gia tổng thể và dài hạn, cũng như từ sự tuân thủ các quy luật, nguyên tắc, quy trình thị trường, các cam kết hội nhập quốc tế và thông lệ thế giới để giải quyết các bài toán đặt ra trong ngành điện.Đặc biệt, cần căn cứ vào lý do cụ thể của từng vấn đề để tháo gỡ cụ thể, thấu đáo.

Thứ hai, cần đa dạng hóa các nguồn vốn và hình thức đầu tư, cũng như đa dạng hóa các dạng năng lượng điện cung cấp cho phát triển đất nước. Trên cơ sở các quy hoạch phát triển ngành điện và năng lượng chung của đất nước được xây dựng có chất lượng, cần thiết kế các chính sách tạo thuận lợi cao nhất cho đầu tư phát triển ngành điện từ các nguồn vốn nhà nước, ngoài nhà nước, vốn đầu tư nước ngoài và cả sự phối hợp các nguồn vốn theo các hình thức đầu tư công-tư kết hợp khác.

Quan tâm phát triển các dạng năng lượng điện sạch từ nguồn tài nguyên tái tạo, lợi dụng sức gió, ánh sáng mặt trời, sóng biển, địa nhiệt, thủy điện và các nguồn năng lượng hạt nhân trong cơ cấu cân đối và có tính an toàn cao cho cả cung cấp điện và môi trường.

Thứ ba, bảo đảm an ninh năng lượng và môi trường trong sản xuất và phần phối điện. Đặc biệt, cần tránh sản xuất điện bất chấp mọi giá, không tính đến những hệ quả môi trường và sinh thái do các dự án điện gây ra. Cũng cần tránh “bẫy giá điện rẻ" do các chủ thầu nước ngoài, nhất là Trung Quốc, đưa ra trong quá trình đấu thầu.

Không nên coi giá rẻ là chỉ tiêu duy nhất chọn thầu dựa án, bất chấp những chi phí tài chính và môi trường phát sinh do chậm triển khai và kéo dài dự án ngoài hợp đồng, cũng như sự tập trung vào các nhà sản xuất nước ngoài, tạo nguy cơ mất an ninh năng lượng cho ngành điện Việt Nam.

Thứ tư, tăng cường năng lực và hiệu lực quản lý nhà nước, cần có những quy định mới và nâng cấp những quy định cũ liên quan đến kiểm toán và công khai các chỉ tiêu kỹ thuật, chi phí hoạt động của ngành điện.

Bên cạnh đó, cung cấp rộng rãi thông tin và khuyến khích phản biện khoa học, phản biện xã hội về cung-cầu, thuận lợi-khó khăn, các kế hoạch và dự án phát triển trong ngành điện để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đồng thời tăng cường sự giám sát, kiểm tra chủ động của Nhà nước và các tổ chức xã hội, báo chí, xử lý kịp thời và nghiêm khắc các sai phạm của bất kỳ cá nhân và tổ chức nào.

Đã đến lúc không thể để sự độc quyền, sự bất lực và những bất cập về năng lực và trách nhiệm bắt cả xã hội làm con tin của mình trong quá trình bảo đảm điện năng cho phát triển đất nước.

Các tin khác