Mặt trái thương mại điện tử

(ĐTTCO) - Sự kiện một gói dữ liệu thông tin được một cá nhân đăng tải công khai trên RaidForums và khẳng định rằng đó là dữ liệu của hơn 5 triệu khách hàng của CTCP Thế giới Di động (MWG).
Gồm hàng triệu email và hàng chục ngàn thông tin thẻ thanh toán như VISA, thẻ tín dụng... dù MWG cho biết hệ thống thông tin của mình vẫn hoạt động bình thường với độ bảo mật cao và không bị ảnh hưởng, mọi thông tin của khách hàng vẫn được bảo mật, song vẫn không đủ sức trấn an khách hàng và dư luận lo ngại về sự an toàn khi thực hiện các giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) và thanh toán trực tuyến (TTTT) đang ngày càng hiện hữu.
Chưa hết, mới đây một thành viên khác của diễn đàn RaidForums lại tung dữ liệu cá nhân được cho đánh cắp của “Concung. com”. Hacker này còn đe dọa đã có dữ liệu của hệ thống bán lẻ lớn khác là FPT Shop, và cho biết sẽ giao dịch trao đổi hoặc bán khi được giá. Theo đánh giá của các chuyên gia an ninh mạng, nhiều khả năng hệ thống dữ liệu của các doanh nghiệp đã bị xâm nhập…
Mặt trái thương mại điện tử ảnh 1
Cho tới thời điểm hiện tại, dù chưa xác định khách hàng hay đơn vị nào bị thiệt hại bởi vụ lộ thông tin cá nhân, và cơ quan chức năng cũng chưa xác định chắc chắn tính chính xác của dữ liệu bị rò rỉ, nhưng những thông tin bất lợi trên đã khiến MWG thiệt hại nặng với con số sơ bộ lên tới hàng ngàn tỷ đồng, khi liên tục bị mất điểm trên thị trường chứng khoán. Đó cũng là một phần của mặt trái TMĐT các doanh nghiệp phải đối mặt. 
Theo thống kê của Công ty An ninh mạng Panda Security, tài chính là mục tiêu hàng đầu tin tặc nhắm đến. Chỉ riêng trong năm 2017 đã có 73% các cuộc tấn công mạng nhắm đến lĩnh vực này, tiếp đến là chính trị và tình báo với 21% các cuộc tấn công. Bình quân, mỗi ngày xuất hiện khoảng 285.000 mã độc khiến thế giới chao đảo.
Chỉ tính riêng đầu tháng 5-2017, mã độc tống tiền WannaCry gây khuynh đảo, ảnh hưởng tới 10.000 tổ chức và 200.000 cá nhân của 150 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Còn theo số liệu công bố kết quả sau khảo sát của Tập đoàn Bkav, có 40% website tại Việt Nam tồn tại lỗ hổng và mỗi tháng có hơn 300 website bị tấn công. Riêng lĩnh vực ngân hàng (NH) có khoảng 30% website các NH ở Việt Nam có lỗ hổng. 
Thực trạng trên đã đặt an ninh mạng nói chung và an ninh trong lĩnh vực giao dịch TMĐT ở Việt Nam ở mức đáng báo động. Đặc biệt, các NH đang phải đối mặt với vấn đề an ninh trong các giao dịch điện tử và TTTT, khi tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi hơn, có tính chất phức tạp và xuyên quốc gia. Do đó, ngoài việc xây dựng hệ thống bảo mật chặt chẽ, còn phải tính đến yếu tố con người.
Theo đó, các NH cần phát triển áp dụng các giải pháp đồng bộ từ nâng cao an toàn bảo mật hệ thống cho đến công tác truyền thông hướng dẫn khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ đảm bảo an toàn. Đặc biệt, NH nên tăng cường triển khai các giải pháp cảnh báo, nhận diện sớm những giao dịch nghi ngờ gian lận. Ngoài ra, người dân tuyệt đối không mở tài khoản và đăng ký sử dụng dịch vụ NH điện tử cho người khác sử dụng, tuân thủ nguyên tắc sử dụng dịch vụ an toàn để đăng nhập dịch vụ chỉ truy cập vào website chính thức của NH.

Các tin khác