Mạnh tay xử lý các tập đoàn “phễu rỗng”

Thanh tra Chính phủ vừa kết luận Tập đoàn Sông Đà sai phạm hơn 10.600 tỷ đồng. Sau những vụ thua lỗ, thất thoát hàng nghìn tỷ đồng của Vinashin, Tập đoàn Điện lực, Công ty cho thuê Tài chính II… thông tin trên một lần nữa khiến người dân bức xúc.

Thanh tra Chính phủ vừa kết luận Tập đoàn Sông Đà sai phạm hơn 10.600 tỷ đồng. Sau những vụ thua lỗ, thất thoát hàng nghìn tỷ đồng của Vinashin, Tập đoàn Điện lực, Công ty cho thuê Tài chính II… thông tin trên một lần nữa khiến người dân bức xúc.

Rõ ràng, đây là hiện tượng nghiêm trọng, rất đáng lo ngại. Nghiêm trọng vì 2 nguyên nhân: Thứ nhất, căn bệnh tiêu tốn tiền công đã trở nên phổ biến và không ai chịu trách nhiệm.

Thứ hai, điều này đi ngược lại với Nghị quyết Trung ương trong việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Thay vì phát triển tốt hơn, giảm tính độc quyền, tăng tính cạnh tranh và tăng cơ chế thị trường, nay các DNNN có vai trò gần như độc quyền quốc gia.

Dù việc thất thoát, thua lỗ tại Tập đoàn Sông Đà chưa phải là cao nhất và cũng chỉ là một trong những vụ thất thoát hàng nghìn tỷ đồng tại các DNNN, nhưng có thể coi đây là điển hình về việc xây dựng các tập đoàn theo kiểu “cơ học” hiện nay.

Theo nguyên lý chung, tập đoàn được phát triển từ những công ty nhỏ, có sự gắn kết chặt chẽ. Hay nói cách khác, tập đoàn giống như một cơ thể lớn phát triển từ những cơ thể nhỏ, phải tự lớn lên, tự sống. Tập đoàn cũng không phải là những mảnh ghép từ những công ty con độc lập mà phải có chất kết dính, có sự thống nhất xuyên suốt mới bền vững.

Tuy nhiên việc thành lập các tập đoàn ở nước ta lại không dưới dạng tự thân các tổng công ty lớn mạnh lên mà bằng các quyết định hành chính: gom nhiều tổng công ty lớn thành một tập đoàn. Một tập đoàn muốn phát triển lớn mạnh phải đi theo mô hình kim tự tháp: đáy to, ngọn nhỏ, được xây từ những viên gạch vững chắc nhất. Nhưng ở nước ta, các tập đoàn lại đi theo hướng ngược lại theo mô hình phễu rỗng: đáy nhỏ, rỗng, sự kết dính giữa các thành viên kém.

Điều này khiến việc điều hành của tập đoàn trở nên khó khăn, cả công ty mẹ lẫn con đều vươn ra đầu tư ngoài ngành, nhiều công ty con thua lỗ dẫn đến công ty mẹ thua lỗ… Chưa kể nhiều trường hợp nhiều công ty thua lỗ gộp lại với nhau thành tập đoàn, giao một công ty khỏe mạnh “gánh đỡ” công ty thua lỗ. Điều này thực chất chỉ gây lãng phí tiền của Nhà nước và nhân dân.

Trong ngành xây dựng, Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị và Tập đoàn Công nghiệp xây dựng (mà nòng cốt là Tập đoàn Sông Đà) có thể coi là “anh cả”, được thành lập với mục đích là nhân tố điều tiết và tăng tính minh bạch thị trường bất động sản, nhưng đến nay có thể coi đã không làm được.

Điều này càng chứng thực nhận định rằng việc điều tiết thị trường không thể giao vào tay một tập đoàn nào đó. Bài toán thị trường phải trả về cho thị trường điều tiết. Ngoài ra, sự dung hòa, hỗ trợ, phối hợp giữa các tổng công ty lớn khi vào tập đoàn để từ đó khiến cho tập đoàn lớn mạnh hơn chưa được nhìn thấy, chưa kể nhiều khi các tổng công ty này còn đối chọi nhau, mạnh ai nấy làm gây nên sự rối loạn.

Có thể làm một so sánh nhỏ nhân vụ việc mới nóng nhất là việc thu phí hạn chế phương tiện cá nhân. Nếu việc thu phí hạn chế giao thông được thực hiện đối với 600.000 ô tô thì mỗi năm sẽ thu được khoảng 12.000-15.000 tỷ đồng.

Số tiền tưởng chừng lớn, sẽ giải quyết được nhiều vấn đề nhưng ngẫm ra chỉ đủ cho một tập đoàn sai phạm. Như vậy, Nhà nước thu chỗ này nhưng lại “chảy” ra ở chỗ kia, chưa kể nhiều hệ lụy xã hội kéo theo. Trong trường hợp này, Nhà nước đã “lỗ”.

Để giải quyết tận gốc vấn đề này, Nhà nước cần mạnh tay chứ không thể chỉ nói tái cơ cấu là đủ. Dù có tái cơ cấu nhưng xây dựng mô hình tập đoàn theo cung cách cơ học như trên, sớm hay muộn cũng sẽ trở thành những tập đoàn “phễu rỗng”. Tiền của Nhà nước rót vào sẽ nhanh chóng thất thoát.

Cần phải chịu đau để cắt bỏ những chỗ thua lỗ và tập trung vào những tập đoàn, những công ty có phương án làm ăn tốt. Trong điều kiện kinh tế thị trường, công ty giải thể, phá sản là chuyện bình thường.

Doanh nghiệp tư nhân làm ăn thua lỗ phá sản thì DNNN làm ăn thua lỗ cũng phải phá sản. Không thể tiếp tục rót tiền của vào những tập đoàn đã thua lỗ đến hàng nghìn tỷ đồng như Tập đoàn Sông Đà. 

Một số sai phạm của Tập đoàn Sông Đà

 Phần lớn khoản đầu tư bên ngoài của Tập đoàn Sông Đà là cho các đơn vị thành viên vay lại. Trong khi đó, nhiều đơn vị thành viên lâm vào cảnh kinh doanh kém hiệu quả hoặc thua lỗ.

- Ngoài tập đoàn mẹ, nhiều đơn vị thành viên cũng đầu tư ra ngoài doanh nghiệp vượt vốn điều lệ cả ngàn tỷ đồng. Trong đó, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam trên 3.732 tỷ đồng; Tổng công ty Cơ khí xây dựng 264 tỷ đồng; Tổng công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng trên 62,4 tỷ đồng.

- Tập đoàn Sông Đà đã đầu tư vượt vốn điều lệ, vi phạm quy định của Bộ Tài chính trên 2.355 tỷ đồng. Tại thời điểm kiểm tra, tập đoàn dù đã có nghị quyết thoái vốn nhưng vẫn không thu hồi được, tiềm ẩn nguy cơ mất vốn của Nhà nước.

- Tổng hợp các vi phạm tại Tập đoàn Sông Đà và các đơn vị thành viên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao các cơ quan liên quan xử lý sai phạm về kinh tế với số tiền trên 10.600 tỷ đồng.

Nguồn: Kết luận của Thanh tra Chính phủ

Các tin khác