Lập lại trật tự khai thác khoáng sản

Theo thống kê đến tháng 6-2011, cả nước có 203 giấy phép thăm dò, 4.100 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực và đang thực hiện. Trong đó, Bộ Tài nguyên - Môi trường cấp 82 giấy phép thăm dò, 218 giấy phép khai thác. Còn lại do UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp.

Theo thống kê đến tháng 6-2011, cả nước có 203 giấy phép thăm dò, 4.100 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực và đang thực hiện. Trong đó, Bộ Tài nguyên - Môi trường cấp 82 giấy phép thăm dò, 218 giấy phép khai thác. Còn lại do UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp.

Sự xuất hiện hàng nghìn đơn vị, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế được phép thăm dò trữ lượng, khai thác tài nguyên, khoáng sản, vật liệu xây dựng… đã tạo công ăn việc làm cho một lượng lao động lớn trên địa bàn nông thôn, thành thị; đồng thời trực tiếp làm ra của cải vật chất, góp phần cân đối cung cầu hàng hóa, tăng nguồn thu cho ngân sách quốc gia và địa phương.

Tuy nhiên, hoạt động khai thác tài nguyên vẫn còn nhiều điều bất cập, sai phạm ảnh hưởng tới hiệu quả kinh tế - xã hội, đời sống người dân và môi trường sống tự nhiên. Trong vài năm trở lại đây, qua thanh tra, kiểm tra, các ngành chức năng đã xử phạt hơn 12 tỷ đồng, giải tỏa và thu giữ nhiều tài sản, phương tiện tại các điểm khai thác khoáng sản trái phép.

Thí dụ, Quảng Ninh phạt 43 trường hợp vi phạm pháp luật về khoáng sản, tổng số tiền 1,3 tỷ đồng; Tuyên Quang phạt gần 2,46 tỷ đồng; Nghệ An thu giữ 60 tấn thiếc thỏi, 2.500 tấn quặng thiếc và hàng trăm máy móc, phương tiện chuyên dùng…

Theo Thanh tra Chính phủ, các vụ việc sai phạm bao gồm cấp phép tận thu khoáng sản sai quy hoạch, thậm chí chưa có trong quy hoạch vẫn được cấp phép, không bảo đảm trình tự thủ tục, không thẩm định thiết kế cơ sở về năng lực chuyên môn và tài chính.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng không thực hiện đầy đủ về quy chế quản lý, giám sát và các điều kiện bắt buộc phải có trong quá trình khai thác mỏ, cam kết bảo vệ môi trường… dẫn đến hậu quả cháy nổ, sập lò, tai nạn chết người. Có địa phương có hơn 60% số mỏ được cấp phép và đang khai thác nhưng chưa có văn bản, thủ tục thuê đất, quyền lợi của nhân dân địa phương cố tình bị bỏ quên.

Về mặt cơ chế chính sách quản lý, khai thác tài nguyên cũng còn nhiều sơ hở dẫn đến doanh nghiệp tìm cách lách luật, vận dụng méo mó thu lợi riêng, hoặc địa phương tìm cách chia nhỏ dự án để cấp phép cho nhiều doanh nghiệp cùng hoạt động tại một mỏ. Như trong Thông tư 05/2007/TT-BCT ngày 22-10-2007 của Bộ Công Thương về hướng dẫn xuất khẩu than lại khẳng định than không phải mặt hàng cấm, chỉ là mặt hàng kinh doanh có điều kiện nên nhiều doanh nghiệp được cấp phép một các dễ dàng, khai thác bừa bãi, lãng phí, hủy hoại môi trường.

Hiện tại, có 8/16 tỉnh, thành phố vẫn còn các điểm khai thác trái phép không quản lý được, gây hủy hoại môi trường, thất thoát tài nguyên và nguồn thu ngân sách. Điển hình như khai thác cát ở các hồ Dầu Tiếng, Núi Cốc, trên dòng sông Hương, sông Mã, sông Hồng…

Như vậy việc quản lý khai thác tài nguyên, khoáng sản quốc gia hiện nay còn nhiều vấn đề nóng đặt ra, nhất là ở các doanh nghiệp, công ty tư nhân, quy mô nhỏ do tỉnh, thành phố cấp giấy phép hoạt động.

Đây là một vấn đề lớn cần sớm có giải pháp chấn chỉnh, khắc phục, đòi hỏi cả cộng đồng vào cuộc lập lại trật tự, kỷ cương phù hợp với các quy định của Luật Khoáng sản (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa 12 thông qua, có hiệu lực từ ngày 1-7-2011.

Các tin khác