Khi hàng Việt Nam chất lượng cao rơi rụng

(ĐTTCO) - Giữa cơn bão hàng Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, tôi vẫn giữ cho mình thói quen chọn nhiều sản phẩm “made in Vietnam”. 
Khi hàng Việt Nam chất lượng cao rơi rụng
Và khi lựa chọn tôi luôn ưu tiên cho những mặt hàng có dán logo HVNCLC (Hàng Việt Nam chất lượng cao). Với tôi, đó như một bằng chứng đáng tin cậy cho một sản phẩm chất lượng và nhiều người tiêu dùng khác trong suốt nhiều năm liền.
Thế nhưng, thời gian gần đây, khi tìm mua những mặt hàng tiêu dùng quen thuộc hàng ngày như bánh kẹo của Kinh Đô hay thực phẩm Cầu Tre, bất giác tôi thấy cái gì đó bất ổn cho hàng Việt. Bánh mang thương hiệu Kinh Đô đã không còn dán logo HVNCLC, hay thực phẩm thương hiệu Cầu Tre cái thì đã đề thêm logo của CJ, cái thì bỏ hẳn logo HVNCLC.
Thậm chí trong hội chợ HVNCLC được tổ chức cách đây không lâu ở TPHCM tôi cũng không còn thấy gian hàng quen thuộc của Cầu Tre. Những thương hiệu Việt đình đám một thời ấy đã bán lại cho những ông lớn, tên thương hiệu giữ lại nhưng ruột đã không còn là hàng Việt Nam, họ là những doanh nghiệp (DN) nước ngoài. 
Nhưng đó chưa phải là tất cả, bởi nhìn rộng ra còn khá nhiều thương hiệu Việt đang và sẽ tiếp tục được sở hữu bởi các ông chủ ngoại như nhựa Bình Minh hay bia Sài Gòn… Các chuyên gia vẫn thường nói, thương hiệu vốn là công dân toàn cầu, việc mua bán DN là chuyện bình thường trong bối cảnh kinh tế hội nhập sâu rộng như hiện nay. Thậm chí, nay bán nhưng biết đâu sau đó ông chủ Việt mua lại.
Ngay cả những ông chủ DN khi bán đi “đứa con” của mình cũng bảo rằng, bán đi để nó có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn. Hẳn nhiên, khi vào tay các nhà kinh doanh chuyên nghiệp sẽ có thêm nhiều sản phẩm chất lượng với giá thành cạnh tranh. Song là người tiêu dùng, chúng tôi vẫn cảm thấy có gì đó mất mát. Vì sao DN Việt cứ vừa có chỗ đứng lại vội vàng bán đi?
Đến khi nào chúng ta mới có một thương hiệu thực lớn mạnh để khi nhắc đến không chỉ người tiêu dùng trong nước, mà cả khu vực, thậm chí thế giới cũng biết ngay đó là thương hiệu Việt Nam. Chúng ta vẫn có những ngày tôn vinh các thương hiệu Việt Nam, nhưng nếu cứ lớn lên lại bán không biết sau này còn có thể duy trì mục đích thực sự của nó hay không. 
Tất nhiên, cũng phải nhìn nhận khi danh sách HVNCLC rơi rụng một vài DN thì lại có những DN mới bước chân vào. Song  những DN rơi rụng là những cái tên lớn, còn những DN mới lại quá nhỏ, thậm chí nhiều người tiêu dùng còn xa lạ. Đơn vị tổ chức chương trình HVNCLC đang nỗ lực đổi mới từng ngày, chăm chút từng chi tiết, điều này có thể cảm nhận rõ trong các kỳ hội chợ dù ở TP lớn hay về các tỉnh xa hơn. Thế nhưng, khi thiếu vắng những DN lớn chắc chắn sức hút của các hội chợ cũng bị giảm đi phần nào.
Cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vẫn đang được truyền thông tích cực. Song khi những thương hiệu lớn đã bán mình người tiêu dùng cũng không còn biết “ủng hộ” như thế nào. Trách nhiệm xây dựng những thương hiệu Việt lớn mạnh có lẽ không chỉ của riêng các DN. Từng có nhiều ý kiến cho rằng để các DN yên tâm kinh doanh, không nhanh chóng bán mình cần có một môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng. Và đó chính là trách nhiệm của các cơ quan chức năng. 

Các tin khác