Khai thác nước ngầm gây hệ lụy lớn

(ĐTTCO) - Trong giai đoạn 2013 - 2018, TPHCM đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng để hoàn thành mạng lưới cấp nước đến từng hộ dân. 
Khai thác nước ngầm gây hệ lụy lớn
Tuy nhiên, có một nghịch lý là mặc dù nước sạch được đưa đến tận nhà, nhưng nhiều hộ dân không sử dụng. Tại huyện Hóc Môn, để có thể cấp nước sạch cho toàn bộ gần 90.000 hộ dân, chính quyền địa phương đã huy động nhiều nguồn lực và áp dụng nhiều giải pháp. Ấy vậy mà khi có nước máy dẫn đến tận nơi, mỗi hộ có một đồng hồ riêng thì người dân vẫn không sử dụng. Thói quen sử dụng nước giếng khoan nhiễm phèn để tắm giặt, ăn, uống như trước đây vẫn chưa thay đổi.
Trên địa bàn xã Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn), mặc dù nguồn nước máy của Công ty cấp nước Trung An kéo về đây đã gần 2 năm qua nhưng nhiều hộ dân vẫn duy trì hệ thống giếng khoan để lấy nước sử dụng trong sinh hoạt. Người dân trong xã trả lời tỉnh bơ: “Những năm qua, bà con tụi tôi ai cũng khoan giếng để lấy nước xài, thấy có bị sao đâu. Nước máy đã kéo về xã mấy năm rồi, nhưng chúng tôi vẫn sử dụng nước giếng khoan để tiết kiệm kinh phí. Nhà tôi bán hàng lặt vặt, nếu xài nhiều nước máy tiền đâu mà trả”.
Tình trạng có nước đến tận nhà nhưng người dân không sử dụng cũng đang phổ biến tại quận 12. Quận này có tới hơn 17.600 hộ dân không sử dụng nước sạch trong tổng số 38.480 hộ được gắn đồng hồ nước. Một chủ cơ sở sản xuất nước đá ở đường Hà Huy Giáp, phường Thạnh Lộc (quận 12) cho biết, cơ sở mỗi ngày sản xuất hơn 30 bao nước đá với nguồn nước lấy từ giếng khoan công nghiệp của cơ sở. Ngay cả quận Gò Vấp, được xem là văn minh hơn, nhưng gần 20% hộ dân vẫn không sử dụng nước sạch. Không chỉ tại các hộ gia đình, nhiều điểm rửa xe ở khu vực các quận 7, 9, Gò Vấp, Tân Phú và thậm chí ở khu vực quận 1, 3… cũng khai thác và tiêu thụ một khối lượng lớn nước ngầm để kinh doanh dịch vụ này.
Trong khi đó, kết quả giám sát chất lượng nước ngầm định kỳ của Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho thấy, trong nước ngầm chứa hàm lượng một số chất độc hại khá cao gây nguy hại đến sức khỏe người sử dụng. Theo đó, các mẫu nước giếng hộ dân hầu như có độ pH thấp, tỷ lệ mẫu không đạt có tỷ lệ rất cao; hàm lượng Amoni trong nước giếng cao vượt giới hạn cho phép.
Rõ ràng, nguồn nước ngầm tự khai thác có chi phí rẻ hơn so với nước máy là một trong những lý do dẫn đến việc các hộ gia đình, các khu công nghiệp, khu chế xuất của TP sử dụng nguồn nước máy rất hạn chế. Song, hậu quả của việc khai thác nước ngầm không kiểm soát và sử dụng nước ngầm không bảo đảm vệ sinh thì người dân chưa lường hết được.
Để công tác cấp nước sạch cho người dân đạt hiệu quả cao, các ban ngành, địa phương của TP cần phối hợp và đổi mới phương pháp tuyên truyền, vận động người dân bằng nhiều hình thức; đồng thời triển khai ngay các giải pháp hạn chế, tiến đến cấm khai thác sử dụng nước ngầm - nguồn tài nguyên hữu hạn này.

Các tin khác