Hướng nông dân đến nông nghiệp 4.0

(ĐTTCO) - Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản của cả nước đạt 36,37 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, là mức kỷ lục mới trong xuất khẩu. Còn 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt gần 20 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2017. 
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) dự báo kết quả xuất khẩu toàn ngành năm 2018 sẽ đạt 41 tỷ USD, một chỉ số đẹp như mơ.
Một thực tế không thể bàn cãi là trong thời gian qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đã có sự tăng trưởng nhất định, giá trị sản xuất và giá trị gia tăng đã tăng liên tục trong thời gian dài; sản lượng hàng hóa đang ngày càng lớn, xuất khẩu tăng trưởng với mức độ cao, thu nhập và đời sống của người nông dân ngày được cải  thiện. Tuy nhiên, sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp mấy năm qua chủ yếu vẫn  theo chiều rộng, nhờ tăng diện tích, tăng vụ và nhờ vào các yếu tố đầu vào truyền thống như lao động, vốn, vật tư, nguồn lực tự nhiên... Việc ứng dụng các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến dựa trên số hóa và kết nối tạo ra các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh còn rất ít. Vì thế, mô hình tăng trưởng nông nghiệp như hiện nay mới chỉ tạo ra được khối lượng nhiều nhưng giá trị thấp, hiệu quả sự dụng đất đai và tài nguyên chưa cao. 
Theo thống kê, cả nước hiện có 13,8 triệu hộ nông dân với 78 triệu mảnh ruộng nhỏ lẻ. Như vậy muốn phát triển nông nghiệp thành công, phải tái cơ cấu lại nền nông nghiệp, và một trong các giải pháp đó là đẩy mạnh phát triển theo hướng ứng dụng nông nghiệp vào cuộc cách mạng 4.0. 
Khác với nông nghiệp công nghệ cao là tập trung thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang hiện đại, nông nghiệp 4.0 còn làm thay đổi phương thức quản lý nông nghiệp. Theo đó, nông nghiệp 4.0 sẽ mở đường cho những hoạt động sản xuất chính xác - tự động hóa, mà người lao động, người quản lý không nhất thiết phải có mặt trực tiếp ở nông trại, đồng ruộng. Thực tiễn đã cho thấy, nông nghiệp 4.0 giúp nền nông nghiệp của nhiều quốc gia phát triển và đạt những thành tựu quan trọng, đã và đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất nông nghiệp.
Tại Hoa Kỳ, Brazil, Argentina, nông nghiệp 4.0 đã giúp giảm tới 50% giá thành sản xuất bắp và đậu tương. Tại Nhật Bản, chỉ với 2 triệu nông dân (trong tổng số 127 triệu dân), canh tác trên 1,5 triệu hécta đất nông nghiệp, nhưng xứ Phù Tang không phải nhập khẩu gạo, mà còn xuất khẩu thịt bò, rau quả. Gần với nước ta là Malaysia, nhờ ứng dụng nông nghiệp thông minh, có thể giúp nông dân trồng ớt thu nhập tăng 129%.
Còn ở nước ta, quyền kiểm soát hệ thống bán lẻ nằm trong tay các doanh nghiệp FDI và đại gia trong nước. Do vậy để phát triển nông nghiệp 4.0, Nhà nước nên tạo nhiều thuận lợi cho người nông dân tham gia hợp tác xã kiểu mới, gắn kết sản xuất với chế biến, tiêu thụ, dìu nhau cùng tồn tại. Ở bình diện rộng hơn, ngành nông nghiệp Việt Nam phải có một quy hoạch về các loại hình sản xuất, trong đó xác định đại bộ phận nông dân không thể với tới được 4.0. Từ đó các cơ quan hữu quan cần hỗ trợ để nông dân tự tìm kiếm thông tin phục vụ sản xuất, theo kịp xu thế thay đổi của thị trường, biết cách tiếp cận công nghệ, đó chính là cách hỗ trợ thiết thực. Tri thức hóa nông dân, hình thành đội ngũ nông dân tiên tiến cho một nền nông nghiệp tiên tiến, đó là cách rút ngắn nhanh nhất khoảng cách giữa nông dân Việt Nam và nông dân các nước.  

Các tin khác