Giảm chi phí phải từ lợi ích thiết thân

Trong số ra ngày 23-2-2012, trên mục Chủ điểm - Sự kiện, báo ĐTTC có bài "Tái cấu trúc tập đoàn, tổng công ty - Vòng "kim cô" bắt đầu siết", đặt ra vấn đề cốt lõi là phải khẩn trương nâng cao năng lực quản trị của các tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) và doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nói chung.

Bài báo cho biết trong những ngày cuối tháng 2, hàng loạt thành viên của TĐ, TCT nhà nước đã ký kết cắt giảm chi phí kinh doanh, thấp từ hơn 100 tỷ đồng, cao lên tới cả ngàn tỷ đồng (Tập đoàn Điện lực Việt Nam cam kết cắt giảm chi phí kinh doanh hơn 1.800 tỷ đồng).

Đây là việc làm hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay khi lạm phát, lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao. Việc cắt giảm chi phí của các TĐ, TCT bắt nguồn từ Nghị quyết 01 của Chính phủ. Tuy nhiên, cam kết cắt giảm chi phí này khiến dư luận đặt câu hỏi về tính trách nhiệm của các TĐ, TCT trong bối cảnh khó khăn.

Chí phí có 2 loại, trực tiếp hay còn gọi chi phí cơ bản, là chi phí cấu thành giá thành hàng hóa dịch vụ, đây phần lớn là biến phí. Loại thứ hai là chi phí gián tiếp, gồm chi phí quản lý, tiếp khách, hội nghị, liên quan đến định mức chi tiêu.

Yêu cầu lần này của Chính phủ không chỉ tiết giảm chi phí quản lý mà còn phải nâng cao năng suất lao động, thực hiện tốt các định mức hao phí về nguyên liệu, vật tư, lao động, nâng cao năng suất lao động. Tuy nhiên, có những khoản chi cắt giảm được ngay mà không ảnh hưởng đến giá trị sản phẩm, nhất là các chi phí liên quan đến tiếp tân, hội nghị, tiếp khách...

Trên thực tế và đòi hỏi khách quan, hoạt động sản xuất kinh doanh của phần lớn DNNN phụ thuộc vào nguồn vay tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên với mức tăng trưởng tín dụng thấp và mức lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại ở mức cao như hiện nay, khả năng tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng đối với nhiều doanh nghiệp rất khó khăn.

Để đối phó với tình trạng này, các doanh nghiệp không còn cách nào khác phải thực hiện cắt giảm các khoản chi phí không hợp lý, như chi phí lưu thông hàng hóa; chi phí tiêu hao năng lượng như điện, xăng; chi phí hội họp giấy tờ; chi phí dành cho các chuyến công tác xúc tiến đầu tư nước ngoài...

Chính vì vậy, việc cắt giảm chi phí kinh doanh tại các TĐ, TCT trong giai đoạn hiện nay có ý nghĩa quan trọng, là thích nghi để tồn tại, phát huy những yếu tố tích cực tại đơn vị để chung vai san sẻ khó khăn trong bối cảnh chung. Điều này còn nhằm nâng cao hoạt động của các TĐ, TCT và phát huy vai trò nòng cốt, trụ cột trong nền kinh tế đất nước, tăng sức cạnh tranh trong giai đoạn khó khăn này để các TĐ, TCT sử dụng đồng vốn nhà nước đạt hiệu quả cao hơn.

Cách đây gần 4 năm, trong bối cảnh giá cả, nguyên vật liệu tăng cao, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các TĐ, TCT nhà nước phải thực hành tiết kiệm, cắt giảm chi phí, đồng thời rà soát cắt giảm các dự án kém hiệu quả để dồn vốn cho các công trình, dự án sắp hoàn thành.

Thủ tướng Chính phủ cũng nhắc nhở các TĐ, TCT tập trung đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và xuất khẩu, cố gắng hoàn thành kế hoạch đã đề ra. Tuy nhiên, từ đó, đến nay, câu chuyện về cắt giảm chi phí dường như vẫn chỉ nằm trên… giấy. Việc thực hiện bao nhiêu, thực hiện đến đâu không có cơ quan nào giám sát và chủ yếu nhờ vào tính tự giác của các TĐ, TCT.

Từ hơn 2 năm nay nền kinh tế nước ta luôn ở trong bối cảnh khó khăn, đã tác động mạnh đến hoạt động của các doanh nghiệp. Vốn thiếu, lãi suất vay ngân hàng cao ngất ngưởng… đã khiến nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản. Vì thế, việc doanh nghiệp cắt giảm các chi phí để tiết kiệm là hết sức cần thiết.

Thực tế, khác với khối DNNN, nhiều doanh nghiệp ngoài quốc doanh đã áp dụng triệt để tiết kiệm từ năm 2009. Tuy nhiên, đến thời điểm này, đứng trước yêu cầu cấp thiết phải tái cấu trúc, các DNNN nhất là các TĐ, TCT buộc phải đặt ra các mục tiêu tiết giảm chi phí, dù họ cũng đang gặp rất nhiều khó khăn.

Bên cạnh sức ép từ Nghị quyết 01 của Chính phủ, “bị động” trong việc cắt giảm chi phí có lẽ xuất phát từ vấn đề quyền lợi của những người đứng đầu và cơ quan chủ quản các doanh nghiệp đó.

Để giải quyết bài toán cắt giảm chi phí nhiều hay ít, cắt giảm vào thời điểm nào, theo các chuyên gia, cần kiên quyết thay đổi cơ chế giao vốn, cấp vốn bằng cơ chế đầu tư vốn nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng, tăng cường trách nhiệm trong quản lý, bảo toàn và phát triển vốn.

Theo các chuyên gia, việc cắt giảm chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh là tự bản thân doanh nghiệp phải ý thức vì sự tồn vong, phát triển của chính họ. Còn nếu việc cắt giảm này phần nhiều do mệnh lệnh hành chính, chắc chắn hiệu quả của việc cắt giảm, tiết kiệm chi phí sẽ không cao và sẽ còn mang nặng tính đối phó.

Các tin khác