Có nên mở thêm hãng hàng không?

(ĐTTCO) - Ngày càng nhiều doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam đổ tiền vào thành lập hãng bay mới sẽ tăng sức cạnh tranh về chất lượng và dịch vụ, đem đến nhiều lợi ích cho khách hàng.
Điển hình là vào tháng 1 vừa qua, hãng hàng không tư nhân non trẻ ở Việt Nam Bamboo Airways (thuộc Tập đoàn FLC) đã tổ chức khai trương 9 đường bay trong nước, gồm Hà Nội đi Quy Nhơn, Nha Trang, Đồng Hới, Buôn Ma Thuột, Phú Quốc, TPHCM; TPHCM đi Quy Nhơn, Vân Đồn, Thanh Hóa.
Dù mới đi vào hoạt động, hãng bay này đã có 6 chuyến bay mỗi ngày cho hành trình từ Hà Nội vào TPHCM dịp sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Đại diện thương mại của hãng này cho hay, dù mới bay chính thức nhưng các chuyến bay chặng Hà Nội - TPHCM của hãng luôn quá tải.
Sau Bamboo Airways, trong tháng 2-2019, CTCP Du lịch và tiếp thị giao thông Việt Nam (Vietravel) vừa gửi Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên - Huế đề án thành lập Công ty hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines). Dự kiến hãng hàng không của Vietravel sẽ đặt trụ sở tại tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Tuy nhiên, việc có thêm nhiều hãng bay mới ở đang đặt ra câu hỏi liệu hạ tầng sân bay nước ta có bị quá tải? Việt Nam hiện đang có 22 sân bay, nếu tính thêm các sân bay Long Thành, Phan Thiết, cả nước có tổng cộng 24 sân bay. Tổng công suất cả 22 sân bay đang khai thác chỉ khoảng 75 triệu khách/năm, chưa bằng công suất một sân bay chính ở Bangkok (Thái Lan), Singapore, Kuala Lumpur (Malaysia) với mức 100 triệu khách/năm. Trong khi đó, Thái Lan có tới 38 sân bay, dù dân số của quốc gia láng giềng này chỉ bằng 72% Việt Nam.
Điều này cho thấy, về vấn đề hạ tầng sân bay không phải nước ta có quá nhiều sân bay như một số người nhận xét, mà là mức độ xã hội hóa đầu tư, vận hành sân bay ở Việt Nam còn quá thấp.
Theo dự báo của Cục Hàng không Việt Nam, lượng hành khách hàng không sẽ đạt 142 triệu lượt vào năm 2020, tương đương tốc độ tăng trưởng bình quân 14% trong giai đoạn 2017-2020. Cho đến nay, Việt Nam với thị trường gần 100 triệu dân nhưng chỉ có 5 hãng hàng không, gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific, Vasco và Bamboo Airways.
Trong khi đó, các nước phát triển về du lịch như Thái Lan chỉ có 70 triệu dân nhưng có hơn 10 hãng hàng không. Còn theo dự báo của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam sẽ trở thành thị trường hàng không tăng trưởng mạnh thứ 5 trên thế giới về lượng khách quốc tế và hàng hóa được vận chuyển.
Với những dự báo như trên, trong tương lai gần, Việt Nam sẽ cần khoảng 10 hãng hàng không mới. Nhu cầu lớn như vậy, trong khi các hãng bay do Nhà nước quản lý không được lập mới, sự ra đời của các hãng bay tư nhân là điều tất yếu, để đáp ứng nhu cầu của thị trường và tạo ra nhiều thuận lợi hơn cho người dân trong việc lựa chọn các phương tiện di chuyển.
Thêm nữa, trong bối cảnh thị trường liên tục tăng trưởng ở mức 2 con số, việc thêm hãng hàng không mới sẽ tăng sức cạnh tranh về chất lượng và dịch vụ, đem đến nhiều lợi ích cho khách hàng.
Dân số Việt Nam đang tiếp tục tăng lên, đạt khoảng 105 triệu người vào năm 2030. Tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều, mức độ hội nhập, giao thương sâu rộng sẽ khiến hoạt động hàng không tăng lên.
Tuy nhiên, tỷ lệ chuyến bay trên đầu người của Việt Nam vẫn còn rất thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong bối cảnh thị trường hàng không Việt Nam vẫn còn rất hấp dẫn, việc mở thêm các hãng bay mới là điều tất yếu.

Các tin khác