Đánh thuế túi nylon

Chưa thể hạn chế người sử dụng

Theo mục tiêu chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đã được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2015 giảm 40% lượng túi nylon sử dụng ở Việt Nam so với năm 2010. Để thực hiện mục tiêu này, Luật Thuế bảo vệ môi trường đã quy định, từ ngày 1-1-2012, túi nylon sẽ vào diện chịu thuế với mức 30.000-50.000 đồng/kg. Khi đó, giá túi nylon sẽ tăng cao, tác động vào ý thức sử dụng của người dân.

Theo mục tiêu chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đã được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2015 giảm 40% lượng túi nylon sử dụng ở Việt Nam so với năm 2010. Để thực hiện mục tiêu này, Luật Thuế bảo vệ môi trường đã quy định, từ ngày 1-1-2012, túi nylon sẽ vào diện chịu thuế với mức 30.000-50.000 đồng/kg. Khi đó, giá túi nylon sẽ tăng cao, tác động vào ý thức sử dụng của người dân.

Được biết năm 2010, người tiêu dùng cả nước đã sử dụng hơn 12.000 tấn túi nylon và dự báo mỗi năm nhu cầu sử dụng tăng lên khoảng 10%. Nếu thu thuế 30.000 đồng/kg, tối thiểu mỗi năm sẽ thu được hơn 360 tỷ đồng tiền thuế. Nhìn về góc độ quản lý, việc đánh thuế túi nylon dường như là phương cách khả quan, hợp lý, mang lại nhiều lợi ích cả về môi trường lẫn nguồn thu.

Tuy nhiên, nhìn từ phía người tiêu dùng, khi xây dựng mức thuế này các cơ quan chức năng mới chỉ tìm cách để giải quyết đầu ra, gây tác động đến nhà sản xuất mà chưa nghĩ đến nhu cầu và thiệt hại của người dân. Ở nước ta, mua sắm được chia ra 2 khu vực chính: các chợ truyền thống và các siêu thị, trung tâm thương mại. Trước đây, những bà nội trợ khi đi chợ mua sắm đều mang theo một chiếc giỏ lớn có thể chứa được nhiều vật dụng, thức ăn cần thiết.

Nhưng cuộc sống hiện đại đang ngày càng tiết giảm những vật cồng kềnh, túi nylon nhanh chóng “lên ngôi”. Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của túi nylon trong cuộc sống hàng ngày, vì dù có mang theo giỏ, từng món vật dụng hay thức ăn vẫn phải để riêng trong túi nylon, như thịt, cá… Nói như vậy để thấy rằng dù túi nylon có tăng giá người tiêu dùng buộc phải sử dụng.

Thời gian qua, tại nhiều siêu thị, trung tâm thương mại đã có loại túi sử dụng nhiều lần, tuy nhiên giá loại túi này không hề rẻ. Nếu mỗi lần đi mua sắm quên mang túi, người tiêu dùng phải mất thêm khoản tiền để mua túi mới. Thậm chí nếu có mang theo túi sử dụng riêng biệt từng túi đựng thức ăn tươi sống khác nhau cũng không ổn vì chi phí cao (các loại thức ăn tươi sống có mùi, nếu sử dụng túi vải hay túi sử dụng nhiều lần sẽ bị thấm và chảy nước gây mất vệ sinh).

Bàn về việc này, có người cho rằng có thể nghĩ đến phương án sử dụng hộp đóng gói những loại thức ăn như cá, thịt… Phương án này cũng chỉ thích hợp với các siêu thị, chứ với chợ truyền thống thì không thể. Vả lại, cũng không ai muốn mỗi lần đi siêu thị lại mang theo túi, hộp chứa, hoặc mỗi lần muốn mua một loại thức ăn lại phải trả thêm tiền hộp nhựa.

Nói những điều trên để thấy rằng nhu cầu sử dụng túi nylon là một nhu cầu rất cần thiết và rất khó thay đổi nếu chưa có biện pháp hữu hiệu. Trong khi đó, người dân Việt Nam đã thuộc quy luật “nước lên thuyền lên” của thị trường. Khi đánh thuế túi nylon, có thể cơ quan quản lý nghĩ rằng sẽ hạn chế việc sản xuất loại sản phẩm này. Trong khi bị đánh thuế nhưng người tiêu dùng vẫn tiếp tục sử dụng túi nylon. chắc chắn doanh nghiệp sản xuất túi nylon sẽ phải tăng giá để cân đối lợi nhuận.

Nghĩa là phần tăng giá thêm này sẽ “chuyển” sang người tiêu dùng. Tức đối tượng chịu thiệt đầu tiên và duy nhất cũng lại là người tiêu dùng. Và điều quan trọng là mục tiêu bảo vệ môi trường sẽ không có tác dụng.

Như trên đã đề cập, tiền thuế dự kiến thu được qua việc đánh thuế túi nylon được coi như một tín hiệu đáng mừng khi tăng thu cho ngân sách. Tuy nhiên, số tiền thuế tăng này lại chính từ tiền thu thêm gián tiếp từ người tiêu dùng. Trong bối cảnh giá cả đang tăng lên từng ngày, việc thu thuế này đánh trực tiếp vào thu nhập của người dân, liệu có hợp tình, hợp lý? Đặc biệt hiện tại chúng ta đang quyết liệt thực hiện bình ổn giá để kiềm chế lạm phát. Nếu đánh thuế túi nylon, chắc chắn từ năm 2012, giá cả hàng hóa lại có cớ để tăng lên, gây ảnh hưởng chung đến nền kinh tế nước nhà.

Tìm ra phương án hạn chế sử dụng túi nylon là rất cần thiết. Nhưng để có được phương án khả thi nhất, cần dựa trên lợi ích chung của toàn xã hội. Cá nhân tôi cho rằng, túi nylon thực sự là một sản phẩm tiện lợi trong việc mua sắm hàng ngày. Nếu muốn hạn chế, cần nhất là các nhà quản lý phải đưa ra được một sản phẩm thay thế tối ưu để giải quyết thật sự hiệu quả.

Còn như chỉ đưa ra thuế mà không dự đoán trước những tình huống trên, không đặt mình vào vị trí người tiêu dùng, sẽ gây ra tình trạng mất công bằng. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp cũng đã bắt đầu hướng đến việc sản xuất túi nylon tự hủy, nhưng giá bán còn quá cao nên chưa được người tiêu dùng trong nước sử dụng, cơ quan chức năng cần có biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư phát triển dòng sản phẩm thân thiện với môi trường này để giảm giá thành, chắc chắn sẽ mang lại lợi ích thiết thực hơn cho doanh nghiệp, người dân và cả xã hội. Bên cạnh đó cũng góp phần tích cực gìn giữ, bảo vệ môi trường sống.

Các tin khác