Chống tham nhũng khu vực tư nhân

(ĐTTCO) - Trong 9 luật vừa được Chủ tịch nước ký lệnh ban hành, có Luật Phòng chống tham nhũng được nhiều giới, nhiều ngành đặc biệt quan tâm. Bởi lẽ, Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi lần này có những quy định tác động trực tiếp đến khối doanh nghiệp (DN) tư nhân. Trước đây, nói đến tham nhũng thường đề cập đến những đối tượng hành chính công, nhưng nay khối tư nhân cũng phải xây dựng bộ quy tắc ứng xử và cơ chế kiểm soát nội bộ để ngăn ngừa tệ nạn tham nhũng.

Chống tham nhũng ở khu vực tư nhân đối với nền kinh tế nước ta còn tương đối xa lạ, nhưng trong Công ước Liên hiệp quốc về phòng chống tham nhũng - UNCAC đã có những điều khoản rất rõ ràng. UNCAC, đặt ra nghĩa vụ cho các quốc gia thành viên phải hình sự hóa các hành vi quy định từ Điều 15 đến Điều 25 của Công ước, gồm: Hối lộ công chức quốc gia; hối lộ công chức nước ngoài hoặc của tổ chức quốc tế công; tham ô, biển thủ hoặc các dạng chiếm đoạt tài sản khác bởi công chức; lạm dụng ảnh hưởng để trục lợi; lạm dụng chức năng; hối lộ trong khu vực tư; biển thủ tài sản trong khu vực tư; che dấu tài sản; cản trở hoạt động tư pháp. Điều 22 Công ước UNCAC yêu cầu các quốc gia thành viên xem xét hình sự hóa hành vi của người điều hành hay làm việc, ở bất kỳ cương vị nào, cho tổ chức thuộc khu vực tư biển thủ tài sản, quỹ tư hoặc chứng khoán, hoặc bất kỳ thứ gì khác có giá trị mà người này được giao quản lý, nếu hành vi biển thủ đó được thực hiện một cách cố ý trong quá trình hoạt động kinh tế, tài chính hoặc thương mại.
Đặc điểm của khu vực ngoài Nhà nước ở Việt Nam là tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các hoạt động thuộc phạm vi của DN kinh doanh. Bởi vậy, lợi ích mà tội phạm tham nhũng trong khu vực ngoài Nhà nước xâm phạm thuộc lợi ích tư, nhưng cũng xâm phạm đến quyền con người, trật tự pháp luật, hiệu lực quản lý nhà nước. Như vậy, Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi đã không để khối DN tư nhân thản nhiên ngoài vòng pháp luật tại Việt Nam. Ngoài những công ty niêm yết trên sàn chứng khoán và các tổ chức tín dụng phải chịu sự chế tài như khu vực công, thì các DN tư nhân cũng cần lưu ý 3 hành vi tham nhũng: tham ô tài sản, nhận và đưa hối lộ, môi giới hối lộ. Tuy nhiên, với 3 hành vi trên, nếu chỉ xử lý người trực tiếp thực hiện mà không xử lý DN thì rất khó triệt tiêu động cơ thấp hèn trong quan hệ quan chức và thương gia, vốn luôn được tính toán tỉ mỉ và khôn khéo. Thí dụ, lái xe của một DN tư nhân bị bắt quả tang đưa hối lộ, thì giám đốc có vô can không? 
Nếu không ngăn chặn được tham nhũng trong khu vực tư nhân, thì đời sống kinh tế sẽ phải đối diện với nhiều nhiễu nhương. Giảng viên khoa Luật, Đại học An Ninh - Lưu Thanh Hùng phân tích: “Trong lĩnh vực tư, tham nhũng không chỉ có trong mối quan hệ giữa DN với khu vực nhà nước, mà giữa các DN với nhau cũng xảy ra hiện tượng này. Trong nội bộ DN ngoài nhà nước, cũng xảy ra hiện tượng một số người nắm giữ quyền hạn trong việc quản lý tiền và tài sản của DN, đã lợi dụng quyền hạn được giao chiếm đoạt tài sản đó; hay sự thiếu minh bạch và lành mạnh trong hoạt động của các ngân hàng, các loại quỹ có huy động các khoản đóng góp của nhân dân… đã gây ra những tác động tiêu cực cho nền kinh tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân. Dưới góc độ kinh tế, tham nhũng trong lĩnh vực tư sẽ làm tăng chi phí và giảm đáng kể lợi nhuận của DN, làm hình thành những thói quen kinh doanh thiếu lành mạnh, làm méo mó bản chất các quan hệ kinh tế”. 
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ - Nguyễn Tuấn Anh khẳng định: "Về hậu quả, nếu không chống được tham nhũng trong lĩnh vực tư, sẽ khiến môi trường đầu tư kinh doanh suy giảm. Khi các hành vi có dấu hiệu tham nhũng mang tính phổ biến, các nhà đầu tư sẽ rất dè dặt đưa ra các quyết định đầu tư, do họ không thể dự báo được những chi phí không chính thức có thể phát sinh trong hoạt động kinh doanh, mức độ thành công khi các đối tác kinh doanh ở nước sở tại cũng áp dụng những phương thức kinh doanh thiếu liêm chính như vậy”.
Theo những chuyên gia pháp luật và những chuyên gia kinh tế, môi trường cạnh tranh ở Việt Nam hiện nay chưa lành mạnh, nhiều quy định không khả thi nên DN nào cũng nghĩ những hành vi “bôi trơn” là bình thường. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam, băn khoăn: “Tình trạng lưỡng nan của DN kinh doanh tại Việt Nam chính là ai sẽ sợ đèn đỏ khi tất cả đều vượt đèn đỏ”. Như vậy, “luật” sẽ ra sao khi vẫn tồn tại “lệ” quà cáp biếu xén để tranh thủ tình cảm để tìm kiếm cơ hội nào đó?
Tham nhũng trong khu vực tư nhân tồn tại 3 mối quan hệ, đó là: Giữa chính quyền với DN, giữa DN, với DN và quan hệ nội bộ nội bộ DN. Phòng chống tham nhũng khu vực này sẽ vững chắc, hiệu quả nếu được đứng trên 3 chân đó. Điều đó có nghĩa là không để cơ quan quản lý, cán bộ công chức nhũng nhiễu DN, và ngược lại cũng không thể để DN chi phối cán bộ nhà nước; bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các DN và tăng cường kiểm soát nội bộ, xây dựng môi trường liêm chính trong nội bộ DN.
Một yếu tố tích cực khi Luật Phòng chống tham nhũng hướng vào DN tư nhân, đó là cơ sở để dẹp loạn công ty “sân sau”. Luật Phòng chống tham nhũng quy định người có chức vụ trong khu vực công không được thành lập DN, không được góp vốn mua cổ phần, cũng không được để người nhà mua cổ phần trong lĩnh vực mình quản lý. Đồng thời, Luật Phòng chống tham nhũng cũng quy định những người có chức vụ không được thành lập DN trong khu vực mình quản lý trong một thời gian nhất định sau khi nghỉ hưu. Ông Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, chia sẻ: “Trước đây chúng ta nghĩ rằng luật chỉ cần cấm người thân thích là được. Song DN sân sau đâu cần người thân thích như vợ, con, hoặc anh em, chỉ cần bạn bè góp vốn, cổ đông cổ phần vào đó là xong”. 
Để hỗ trợ phòng chống tham nhũng khu vực tư nhân, cần phải xóa bỏ các giấy phép, điều kiện thành lập, kinh doanh không cần thiết. Xác định phạm vi thanh tra, kiểm tra hợp lý đối với DN; đảm bảo tự chủ cho DN, ngăn ngừa sự can thiệp trái pháp luật vào hoạt động của DN. Đồng thời, phải có những giải pháp quản lý, điều hành để lãnh đạo DN không có hành vi thương lượng với nhau sau lưng các cổ đông, thành viên DN để trục lợi cá nhân… Đặc biệt, để các biện pháp phòng chống tham nhũng trong khu vực tư có hiệu quả, thì yếu tố cốt lõi vẫn là tăng cường giám sát khu vực công. Đôi khi hành vi cấu kết của quan chức và DN chỉ thông qua một cú điện thoại, để rỉ tai về thông tin quy hoạch hoặc thông tin đấu thầu, cũng đủ gây nên những xáo động bất minh cho đời sống xã hội.

Các tin khác