Chống chuyển giá nhìn từ các nước

Chuyển giá là một vấn đề phức tạp diễn ra trên phạm vi toàn cầu, dù vậy hiện nay các nước đã đưa ra rất nhiều quy định và có nhiều biện pháp chống chuyển gia, giúp kiểm soát tình hình một cách hiệu quả.

Chuyển giá là một vấn đề phức tạp diễn ra trên phạm vi toàn cầu, dù vậy hiện nay các nước đã đưa ra rất nhiều quy định và có nhiều biện pháp chống chuyển gia, giúp kiểm soát tình hình một cách hiệu quả.

Luật chống chuyển giá

Chuyển giá là vấn đề phức tạp đối với hầu hết quốc gia trên thế giới, do đó các nước đều quan sát lẫn nhau để học tập kinh nghiệm, xây dựng hệ thống luật quản lý. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã có luật về chống chuyển giá và có hội đồng quốc gia về quản lý chống chuyển giá để ngăn chặn các hành vi chuyển giá.

Ở khu vực Đông Nam Á, 2 nước Thái Lan và Malaysia đã xây dựng và thực hiện Luật Chống chuyển giá cách đây 10 năm. Đây cũng là 2 quốc gia nơi hoạt động chuyển giá diễn ra rất phổ biến và tinh vi.

Những quy định chống chuyển giá ở 2 nước này cũng giống Việt Nam là mô phỏng lại quy định của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và áp dụng cho cả công ty trong nước và nước ngoài. Song song các bộ luật đã được ban hành, gần đây Malaysia ban hành 2 tờ khai về chuyển giá, 1 tờ khai dành cho các doanh nghiệp (DN) nước ngoài và 1 tờ khai dành cho các DN trong nước.

2 tờ khai này được phát cho những đối tượng nộp thuế được chọn, sau khi khai đầy đủ, các DN này sẽ nộp tờ khai lại cho Cục Thuế Malaysia. Sau đó, cục thuế sẽ xem xét, rà soát liệu có nên thanh tra DN này hay không.

Điều chủ yếu cục thuế muốn thấy ở tờ khai này là cấu trúc của tập đoàn, những chi phí mà công ty phải trả như chi phí bản quyền, chi phí quản lý DN, những bằng chứng chứng minh DN có hưởng những dịch vụ đó và trả đúng với những dịch vụ mà DN đã hưởng hay không. Cơ quan thuế ở Malaysia sẽ dùng các tờ khai này để thanh tra thuế và thanh tra chuyển giá đối với các công ty.

Ở Thái Lan, cục thuế thường xem xét những công ty được ưu đãi về thuế và so sánh lợi nhuận của các công ty này với những công ty không được ưu đãi về thuế xem lợi nhuận của 2 nhóm công ty này có giống nhau hay không và thực hiện bước thanh tra tiếp theo.

Vì đã thực hiện Luật Chống chuyển giá 10 năm nay nên cơ quan thuế Thái Lan có cơ sở dữ liệu riêng và từ đó có thể dễ dàng đối chiếu được DN nào giao dịch theo hoặc không theo giá thị trường. Đặc biệt, cơ quan thuế ở Thái Lan thanh tra rất kỹ, kiểm tra kỹ các chi phí trong nội bộ tập đoàn chẳng hạn như chi phí quản lý, chi phí bản quyền.

Họ không chỉ xem công ty có hợp đồng nghiêm túc hoặc hóa đơn hợp lệ, mà còn nhìn vào bản chất giao dịch xem có giao dịch đó diễn ra hay không hoặc đối với chi phí quản lý chung thì đó là chi phí thật sự hay chi phí chia ra cho những người nắm giữ hợp đồng đó.

Cơ chế APA

Hiện nay, nhiều quốc gia cũng đã thực hiện cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá theo nguyên tắc giá thị trường (APA) để chống chuyển giá, một biện pháp hiệu quả cho quản lý chống chuyển giá bên cạnh việc thanh tra, kiểm tra vì đây là một cách thỏa thuận giữa cơ quan thuế và người nộp thuế về phương pháp xác định giá giao dịch, chỉ cần DN giao dịch dưới giá thỏa thuận, cục thuế sẽ phát hiện ngay.

APA thường được xác định trước khi diễn ra giao dịch giữa các bên liên kết và là một dạng cam kết từ 3 đến 5 năm của nhà đầu tư về giá để làm cơ sở xác định nghĩa vụ thuế và cơ quan thuế thực hiện vai trò người giám sát quá trình thực hiện cam kết này.

APA có nhiều lợi ích cho DN vì DN sẽ được bảo đảm hơn về phương pháp xác định giá theo giá thị trường. Hiện có 2 loại APA thường được áp dụng, là APA đơn phương và APA song phương. APA đơn phương là thỏa thuận giữa cơ quan thuế và DN, cung cấp sự bảo đảm cơ quan thuế sẽ không thanh tra các giao dịch áp dụng phương pháp được quy định trong APA.

APA song phương là thỏa thuận giữa các cơ quan thuế ở các nước khác nhau để chống chuyển giá vì chuyển giá thực hiện trên toàn cầu chứ không chỉ trong 1 nước. APA song phương sẽ bảo đảm cho cả 2 bên đối tượng nộp thuế vì cả 2 cơ quan thuế ở 2 nước đều đồng ý với giá đã thỏa thuận trước theo APA.

Song, APA song phương chỉ có thể áp dụng cho các giao dịch giữa các bên có quan hệ liên kết đối với người nộp thuế, cơ quan thuế các nước, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đã ký kết Hiệp định Tránh đánh thuế 2 lần. Có một loại khác là APA đa phương giữa các cơ quan thuế và giữa nhiều người nộp thuế.

APA đa phương rất phức tạp nhưng đang ngày càng phổ biến hơn. Nếu thực hiện APA, cơ quan thuế giảm bớt áp lực thanh tra và đồng thời có thể sử dụng dữ liệu trong APA để thực hiện các cuộc thanh tra thuế chống chuyển giá.

Hiện nay, Thái Lan đã kết luận được 3 APA song phương với Nhật Bản với thời gian 2-3 năm.  Tuy APA chưa được áp dụng ở Việt Nam nhưng nếu dự thảo luật sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế được thông qua thì APA sẽ được áp dụng từ năm 2014 và ngành thuế sẽ có cơ sở để chống chuyển giá hiệu quả hơn.

Việt Nam nỗ lực chống chuyển giá

Theo Tổng cục Thuế Việt Nam, đến nay ngành thuế đã rà soát, thống kê, quản lý được 3.144 DN kê khai thông tin giao dịch liên kết theo hướng dẫn tại Thông tư 66/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính. Trong đó, hơn 2.070 DN đã thực hiện nghĩa vụ kê khai.

Tính hết năm 2011, ngành thuế tổ chức thanh tra tại 921 DN kê khai lỗ và có dấu hiệu chuyển giá, qua đó đã xử lý giảm lỗ 6.617 tỷ đồng, truy thu và phạt 1.669 tỷ đồng. Những con số này cho thấy ngành thuế Việt Nam đang rất nỗ lực trong việc đấu tranh chống chuyển giá.

Chống chuyển giá ở Việt Nam qua Thông tư 66/2010/TT-BTC chủ yếu mô phỏng lại các luật về chống chuyển giá trên thế giới. Tuy nhiên, khi mô phỏng lại, Việt Nam đã linh hoạt điều chỉnh một số điều phù hợp với bối cảnh riêng.

Thí dụ, về bên liên kết, Thông tư 66 định nghĩa thêm về 2 bên liên kết rộng hơn là: nếu cả 2 công ty cùng sở hữu quá 20% vốn của 1 công khác thì trở thành 2 bên liên kết; hoặc nếu các bên giao dịch với nhau và lượng giao dịch chiếm quá 50% tổng số lượng hàng bán ra của công ty hoặc tổng chi phí mua vào của công ty thì 2 bên có thể bị xem là bên liên kết mặc dù không có chung về quan hệ sở hữu.

Chống chuyển giá của Việt Nam không chỉ áp dụng với các DN trong nước mà còn áp dụng với các DN nước ngoài. Ở Anh, Luật Chống chuyển giá chỉ áp dụng với các giao dịch giữa công ty trong nước và công ty nước ngoài.

Ngành thuế ở Anh không thanh tra các giao dịch giữa các công ty trong nước vì nếu công ty này tăng chi phí lên để tăng lỗ thì ngược lại công ty kia phải giảm chi phí để tăng lợi nhuận của mình, chung quy lại, mức thu nhập về thuế và mức ngân sách nhà nước vẫn không có gì thay đổi.

Các tin khác