Chỉ tiêu không thể mão?

(ĐTTCO) - Nhiều năm qua khi nhắc đến bất cứ lĩnh vực nào từ kinh tế, xã hội đến giáo dục… Quốc hội cũng như các bộ ngành đều đưa ra những con số chỉ tiêu để phấn đấu hoàn thành. Điều này không sai, nhưng ở khá nhiều lĩnh vực các chỉ tiêu đưa ra nhằm đẹp báo cáo chứ rất xa vời thực tế, thậm chí chính các chuyên gia khi phân tích cũng phải ngạc nhiên về những chỉ tiêu này. Phải chăng hội chứng chỉ tiêu đang “lây lan” quá nhanh?

Mới đây, trên một vài phương tiên truyền thông có đưa thông tin chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người Quốc hội đặt ra đến năm 2020 đạt 3.200 – 3.500USD/người/năm.
Đánh giá về chỉ tiêu này, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, cho rằng rất khó khả thi vì khả năng năm nay thu nhập đầu người chỉ đạt 2.540USD. Với tốc độ tăng trưởng hiện nay, một năm thu nhập đầu người chỉ tăng thêm 140 – 150USD. Tức hai năm nữa cao nhất mức thu nhập đầu người cũng chỉ đạt mức 2.900USD/người/năm. Thậm chí một số chuyên gia khác còn cho rằng, nếu cố để đạt chỉ tiêu có thể gây ra nhiều hệ luỵ cho nền kinh tế. 
Vậy vì sao lại có cái chỉ tiêu phi lý ấy? Những người đã tính toán, tham mưu cho Quốc hội đặt ra chỉ tiêu ấy không nhẽ lại không biết mình đã quá tham vọng? Tại sao không nhìn vào thực tế để làm chỉ tiêu cho sát và hợp lý? Vì sao cứ phải đặt quá cao, rồi cố gắng bằng mọi cách để đạt được? Giả như không thể tới đích các bộ ngành từ trung ương đến địa phương lại thấp thỏm đứng ngồi không yên, để rồi tìm cách sửa các con số chỉ tiêu để khỏi bị phê bình. 
Chuyện sửa số để khỏi bị phê bình là có thật. Đó là chỉ tiêu lao động qua đào tạo, một chỉ số pháp lệnh được chốt trong các Nghị quyết của Quốc hội, giao nhiệm vụ cho Chính phủ thực hiện. TS. Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện khoa học lao động và xã hội (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội - LĐTBXH) nói mà thấy xót: “Có những chỉ tiêu là công cụ thôi, nhưng chúng ta đưa vào mục tiêu phấn đấu, phấn đấu không được chỉ bị phê bình, nên chẳng tội gì không bịa ra chỉ tiêu, mà chúng tôi bịa vì chẳng ai theo dõi cả. Đó là một lần chúng tôi bị Bộ trưởng mắng vì đáng lẽ phấn đấu đến năm 2015 phải đạt tỷ lệ 50% lao động qua đào tạo, nhưng tính ngược tính xuôi cũng chỉ được 49%. Và thế là bộ trưởng báo cáo 49% nên bị phê bình. Từ đó mới thấy không dại gì phết lên cho đủ 50%”
Theo kế hoạch 5 năm (2016 -2020) đã được thông qua, Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt mức 65-70%. Nếu thực sự có thể đạt được chỉ tiêu này, năng suất lao động của Việt Nam trong một vài năm nữa có lẽ sẽ không còn đáng báo động như hiện nay, và khả năng hội nhập của người lao động Việt Nam sẽ ngày càng tốt hơn, thu nhập cũng cao hơn nhiều. Song thực tế lại không đẹp như bức tranh đang được vẽ ra, bởi những phân tích của các chuyên gia về những khoá đào tạo ngắn hạn đầy tốn kém, nhưng không thu lại được giá trị thực tế ở nhiều tỉnh thành, nhất là ở những tỉnh xa, khu vực miền núi… mà người dân như chúng tôi mới thực sự giật mình: Từ hàng trăm tỷ đồng cho một tỉnh đến hàng ngàn tỷ đồng cho cả nước.
Nói như TS. Huỳnh Thế Du, Trường Đại học kinh tế Fulbright: “Khi chúng tôi làm việc cụ thể với tỉnh Hà Giang, một người dân Mèo Vạc (một huyện vùng cao đa phần là đồng bào dân tộc) trong một năm được dạy đạt 3 chứng chỉ: sửa chữa máy vi tính, sửa chữa xe máy và thợ nhiếp ảnh, mà cả 3 nghề này chẳng liên quan gì đến người được học cả. Thế mới thấy quá tiêu tốn chi phí cho đào tạo để có chỉ tiêu mà chẳng được gì”. 
Nhắc đến hội chứng chỉ tiêu trong giáo dục cũng khiến chúng ta phải nhìn lại. Cũng vì chỉ tiêu lớp có bao nhiêu học sinh giỏi, trường có bao nhiêu học sinh giỏi, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp là bao nhiêu… mà học sinh, phụ huynh lao đi vào các lớp học thêm, chạy đua vào trường chuyên, lớp chọn rồi bỏ mặc những tiêu cực, để những câu chuyện như ở Hà Giang khi lộ ra mới thấy quá nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Chẳng biết tự khi nào điểm số và bằng cấp trở thành thước đo duy nhất cho năng lực của học sinh, sinh viên, nên một bảng điểm đẹp, một tấm bằng khá giỏi chính là cái mà phụ huynh, nhà trường quan tâm. Đó là chưa muốn nói mỗi kỳ Bộ trưởng Bộ Giáo dục mới lại đưa ra những cải cách mới, những phương pháp mới được áp dụng sao đạt cho được chỉ tiêu mới. Nhưng bao năm qua cải cách đã bao lần nhưng đâu lại vẫn vào đó. 
Hai chữ “chỉ tiêu” vốn là một mục tiêu để phấn đấu hoàn thành, lại được vẽ ra thành những con số đầy tham vọng, đẩy nhiều người, nhiều cấp ngành vào cuộc đua hoàn thành chỉ tiêu. Trong cuộc đua ấy nếu nỗ lực hết sức không thể được thì người ta phải bịa, phải tìm mọi cách thức để đạt cho bằng được. Nhìn qua các nước khác, họ có đưa ra các con số chỉ tiêu hay không? Câu trả lời của ông Nguyễn Tiền Phong, chuyên gia Chương trình phát triển Liên Hiệp quốc là có, nhưng khác biệt ở chỗ đó chỉ là các con số điều hành, không phải chỉ tiêu pháp lệnh, buộc phải đạt được. Đó cũng là kinh nghiệm mà chúng ta cần học hỏi, sửa đổi chính mình cho phù hợp.  Cánh cửa hội nhập đang mở rộng hơn lúc nào hết, nếu không sống thật với mình, nhìn thẳng vào năng lực thực sự của mình để phấn đấu, chúng ta rất dễ bị loại khỏi cuộc chơi chung. 

Các tin khác