Cần hình thành văn hóa quảng cáo

Nếu có một cuộc khảo sát đầy đủ và nghiêm túc, có lẽ quảng cáo là lĩnh vực phát triển nhanh nhất trong tất cả các ngành tại nước ta thập niên đầu tiên của thế kỷ 21. Với sự xuất hiện của hàng loạt công ty quảng cáo cùng sức hấp dẫn của công việc viết kịch bản quảng cáo đã thu hút không ít bạn trẻ tham gia vào thị trường lao động mới mẻ này.

Nếu có một cuộc khảo sát đầy đủ và nghiêm túc, có lẽ quảng cáo là lĩnh vực phát triển nhanh nhất trong tất cả các ngành tại nước ta thập niên đầu tiên của thế kỷ 21. Với sự xuất hiện của hàng loạt công ty quảng cáo cùng sức hấp dẫn của công việc viết kịch bản quảng cáo đã thu hút không ít bạn trẻ tham gia vào thị trường lao động mới mẻ này.

Tuy nhiên, dù Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam đã được thành lập nhưng đến nay đây cũng chỉ là bước đệm cho lộ trình chuyên nghiệp hóa nghề quảng cáo.

Như một bộ phận không thể tách rời của hoạt động kinh tế - thương mại, mỗi năm các doanh nghiệp chi một khoản tiền không nhỏ cho quảng cáo. Thế nhưng, những nội dung, hình ảnh và ngôn ngữ trong quảng cáo ở Việt Nam nhiều năm qua vẫn chưa tương xứng với sự kỳ vọng của công chúng.

Quảng cáo sản phẩm tại nước ta hầu hết dựa trên 2 phương pháp “ăn to nói lớn” và “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. Người tiêu dùng không được tiếp nhận thông điệp quảng cáo một cách hứng thú, mà luôn phải tiếp nhận một cách cưỡng bức.

Một thí dụ điển hình là cách đây hơn 1 tháng, xen giữa trận Champions League 2011, khán giả Việt Nam đã phải chịu “tra tấn” khi xem đoạn quảng cáo máy lọc nước Kangaroo phát đi phát lại liên tục tới 54 lần với âm thanh chát chúa. Ngay sau đó, đoạn quảng cáo trên đã bị mọi người bình chọn là phản cảm và gây bức xúc nhất, là “thảm họa quảng cáo của Việt Nam”.

Hiện nay, nhiều người quan niệm lệch lạc khi cho rằng quảng cáo có quyền nói quá sự thật. Do đó sản phẩm nào tung ra cũng khẳng định mình là vị trí số một và không ngần ngại chê bai đối thủ cạnh tranh. Thường gặp nhất là các khẩu hiệu “bột giặt X hơn hẳn mọi bột giặt thường” hoặc “nước uống Y khác biệt hoàn toàn với những sản phẩm bạn từng sử dụng”.

Thái độ cạnh tranh không lành mạnh này rất dễ gây xung đột. Mới nhất, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã chính thức yêu cầu CTCP Masan phải chỉnh sửa nội dung quảng cáo nhằm tránh gây hiểu nhầm cho khách hàng. Kiểu quảng cáo lập lờ của Masan đang rất phổ biến và đó chỉ là phần nổi của tảng băng trong "cuộc chiến" quảng cáo hiện nay.

Bao giờ Việt Nam có văn hóa quảng cáo? Câu hỏi thật nan giải. Bởi lẽ, có những điều tuy luật không cấm, nhưng khi quảng cáo thì cực kỳ phản cảm. Chưa hết, cũng vì luật không cấm, nên nhiều sản phẩm tranh thủ sử dụng hình ảnh danh nhân để quảng cáo.

Từ Napoleon cho đến Beethoven đều bị đưa vào quảng cáo một cách vô tội vạ. Balzac có sự nghiệp văn chương đồ sộ nhờ tài năng thiên phú và sự sáng tạo miệt mài chứ có liên quan đến loại thực phẩm nào đâu.

Ngành quảng cáo nước ta đang tồn tại nhiều bất cập. Doanh nghiệp lớn dựa vào nguồn lực tài chính mạnh cứ chiếm lĩnh phương tiện truyền thông mà quảng cáo kiểu “Tăng Sâm giết người” (gia tăng liều lượng để tạo niềm tin), còn doanh nghiệp nhỏ cũng không ngần ngại trình diễn sự đắc ý kiểu “Kẹo dừa Bến Tre - Thương hiệu thắng kiện của bà Hai Tỏ”.

 Không lẽ ngành quảng cáo ở nước ta không cần ý tưởng độc đáo và tính cần thẩm mỹ chăng? Câu hỏi đó dành cho các ngành chức năng và những người có tâm với nghề đưa sản phẩm đến công chúng giải đáp.

Các tin khác