Cải cách không phải là phong trào

(ĐTTCO) - Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 7 cả nước có 11.262 doanh nghiệp (DN) thành lập mới. 
Tính chung 7 tháng, cả nước có 75.793 DN đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 771.100 tỷ đồng, tăng 3,9% về số DN và tăng 11,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Nếu tính 18.696 DN quay trở lại hoạt động (tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước), tổng số DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 7 tháng qua lên gần 94.500 DN.
Bên cạnh đó, số DN tạm ngừng hoạt động trong 7 tháng là 59.910 DN (tăng 38,4% so với cùng kỳ năm trước), bao gồm 19.994 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 26%) và 39.916 DN tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể (tăng 45,6%).
Dù môi trường kinh doanh được nhìn nhận đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn, song nếu nhìn vào con số DN tạm ngừng hoạt động, chờ giải thể và tỷ lệ tăng so với cùng kỳ năm 2017, cho thấy DN vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn. Những lĩnh vực tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể tập trung nhiều ở lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 7.800 DN (tăng 24,9%); lĩnh vực xây dựng có 3.000 DN (tăng 26,5%)…
Tình hình này tương tự 6 tháng đầu năm khi số đăng ký DN mới là 64.531 (tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2017) nhưng số DN ngừng hoạt động lên tới 52.803 (tăng tới 34,7%). Điều này cho thấy những khó khăn, ngoài những lý giải do thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc, thì môi trường kinh doanh đang “đóng góp” tới 50% sự sống còn của DN.
Các Nghị quyết 19 được Chính phủ ban hành những năm gần đây hướng đến mục tiêu đưa môi trường kinh doanh của Việt Nam vươn lên hàng đầu các nước ASEAN. Nghị quyết 35 của Chính phủ (về hỗ trợ phát triển DN đến năm 2020) cũng đã đưa ra chương trình hành động để tạo thuận lợi cho hoạt động DN.
Tuy nhiên, 2 năm qua, kể từ nhiệm kỳ Chính phủ mới, gia tốc cải cách chưa đạt được yêu cầu. Độ trễ trong thực hiện chính sách bắt nguồn từ chính sự chủ động của các bộ ngành. Đó là sự “lạnh lẽo” ở vụ, cục, chuyên viên đã cản trở xây dựng thể chế tốt hơn, bên cạnh sự thờ ơ trong triển khai ở các địa phương. Điều này dẫn tới hô hào cải cách rầm rộ nhiều năm nay nhưng chuyển động trên thực tế rất chậm, thậm chí “cởi chỗ này, đóng chặt chỗ khác”. 
Dư địa cải cách hiện vẫn còn rất lớn cải cách và đừng biến cải cách thành phong trào. Dưới thời Thủ tướng Phan Văn Khải, cải cách được tiến hành mạnh mẽ nhưng sau đó lại trỗi dậy điều kiện kinh doanh. Không lẽ cải cách hành chính cũng có chu kỳ? Chúng ta làm sao để cải cách phải liên tục và điều quan trọng hơn cả là kiểm soát sự gia tăng thủ tục. Tăng thêm thủ tục nào cần phải được giải trình và giám sát chặt chẽ của xã hội.

Các tin khác