Bộ ngành lúng túng, người dân lãnh đủ

(ĐTTCO) - Thời gian gần đây, việc cảnh sát giao thông (CSGT) kiểm tra, xử phạt các chủ phương tiện không mang giấy đăng ký xe bản chính khi tham gia giao thông đang khiến người dân, doanh nghiệp lo lắng. 

Bởi khi mua xe trả góp, người dân thế chấp tại ngân hàng (NH) bằng chính giấy tờ xe bản gốc. Và trong khi người dân, doanh nghiệp lo lắng, các cơ quan chức năng cũng lúng túng khi giải quyết vấn đề này.

Theo Bộ Công an, việc CSGT xử phạt người điều khiển phương tiện không mang theo bản chính giấy đăng ký xe căn cứ theo Luật Giao thông đường bộ và Nghị định 46/2016 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Bên cạnh đó, quy định về giao dịch bảo đảm cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) khi cho vay thế chấp không được giữ giấy đăng ký xe bản chính. Theo đó, Bộ Công an ký Công văn 2916 (ngày 31-5-2017) khẳng định lại việc xử phạt vi phạm hành chính với những tài xế không xuất trình được bản gốc giấy đăng ký xe là chính xác, và không chấp nhận dùng bản sao giấy đăng ký xe có công chứng/chứng thực và xác nhận của NH (đây là quy định vốn có từ lâu).

Về phía NHNN cho rằng thực hiện Nghị định 163/2006/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 11/2012/NĐ-CP) về bên thế chấp giữ bản chính giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đã nảy sinh những khó khăn, vướng mắc, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với bên nhận thế chấp, tức NH. Điều này có thể khiến các TCTD phải ngừng cho vay có thế chấp bằng phương tiện giao thông vận tải. Khi đó, người dân, doanh nghiệp sẽ không còn có cơ hội để vay vốn; bị giảm khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng NH, ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của họ. Chính vì thế, nhiều NH cho vay đã lách bằng cách để người thế chấp làm đơn đề nghị NH giữ bản chính giấy đăng ký xe. 

Giải thích việc này, phía NH cho vay cho rằng nếu không giữ bản chính giấy đăng ký xe sẽ gặp nhiều rủi ro, vì không loại trừ người vay mang xe đi cầm cố. Và thực tế, nếu có thỏa thuận với người thế chấp cũng căn cứ theo Điều 323 của Bộ luật Dân sự năm 2015, khẳng định quyền của bên nhận thế chấp: “Giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp luật có quy định khác”. Có nghĩa đây là hình thức cho vay thế chấp, NH không giữ xe phải giữ giấy tờ. Trường hợp NH giao giấy tờ chính cho người vay, lúc đó NH cho vay tín chấp thì chính sách đối với sản phẩm này sẽ phải thay đổi toàn bộ từ thẩm định cho vay, đối tượng vay đến lãi suất sẽ phải cao hơn. 

Ngay sau khi Bộ Công an có Công văn 2916, NHNN cũng ra Văn bản 3851 (ngày 24-5-2017) gửi các TCTD, yêu cầu thực hiện nghiêm túc quy định bên thế chấp (người vay tiền NH) được giữ bản chính giấy chứng nhận đăng ký xe trong thời hạn hợp đồng có hiệu lực. Có nghĩa là người vay tiền mua ô tô được giữ bản chính. Thực tế, 2 công văn trên của NHNN và Cục CSGT Bộ Công an chỉ là 2 văn bản thông tin nội bộ, không phải là văn bản quy phạm pháp luật nên không bắt buộc phải thực hiện. Song việc 2 cơ quan này ban hành văn bản trái chiều liên quan đến việc sử dụng bản chính giấy chứng nhận đăng ký xe khiến người dân hoang mang. 

Theo suy nghĩ của chúng tôi, việc CSGT yêu cầu xuất trình đăng ký xe đã thế chấp đang làm khó dân. Trước tiên có thể nói, người sử dụng phương tiện lưu thông ngoài đường nếu không có tranh chấp về quyền sở hữu không thể buộc phải trưng giấy đăng ký xe bản gốc. Bởi quản lý giấy đăng ký xe có mục tiêu để xem họ có phải là chủ sở hữu của chiếc xe đó hay không. Đó là thuộc về lĩnh vực quản lý quyền sở hữu. Ở đây người dân đi xe ngoài đường, CSGT chỉ cần kiểm tra xem chiếc xe đó có bảo đảm các điều kiện về an toàn kỹ thuật lưu hành xe như còi, đèn, phanh hay có bằng lái xe hay không. Nếu quy định chủ phương tiện phải trưng giấy đăng ký xe bản gốc chỉ tiện cho lực lượng CSGT nhưng lại làm khó người dân. 

Đối với vấn đề xe trả góp thế chấp giấy đăng ký xe tại NH, đương nhiên NH phải giữ đằng chuôi, họ phải giữ cái gì đó để đảm bảo người vay tiền phải có nghĩa vụ trả tiền, và việc giữ giấy đăng ký xe bản gốc là một cách. Hơn nữa, khi NH giữ bản chính giấy tờ xe đều có xác nhận rõ ràng trong bản sao. Vì thế việc xử phạt là một cách hiểu hời hợt, hình thức và cứng nhắc. Thực tế, từ trước đến nay các loại giấy tờ công chứng sao y bản chính được coi có giá trị như bản gốc. Giấy phôtô sao y bản chính cũng là một hình thức để chứng minh việc sở hữu của chủ phương tiện. 

Hiện cả nước có gần 1,3 triệu phương tiện giao thông đang thế chấp tại các NH và đang sử dụng giấy đăng ký phôtô để lưu thông. Để giải quyết được xung đột, chắc chắn sẽ phải sửa đổi về hệ thống văn bản pháp luật. Thế nhưng, trước mắt cần thiết phải có sự thống nhất giữa các bộ, ngành để gỡ vướng cho người dân. Không nên vì những quy định chưa hợp lý, thậm chí mâu thuẫn nhau gây ra thiệt thòi cho người dân. Theo tôi, Bộ Tư pháp cần nhanh chóng xem xét, đối chiếu, rà soát các văn bản xem có sự mâu thuẫn ở đây không. Và nếu các quy định không đảm bảo lợi ích hợp pháp đã được hiến định của người dân cần phải có kiến nghị sửa đổi. 

Được biết, hiện Luật Giao thông Đường bộ - Đường sắt và Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định lái xe khi điều khiển phương tiện phải có giấy tờ xe, nhưng không yêu cầu phải xuất trình bản chính. Chính vì thế, lực lượng CSGT chưa nên xử lý chủ phương tiện vi phạm hành chính không mang theo giấy tờ bản gốc, chờ có quy định chính thức về vấn đề này để tránh gây phiền hà cho người dân khi tham gia giao thông.

(TPHCM)

Các tin khác