Bệnh viện khách sạn, bao giờ?

Bộ Y tế đang đề xuất tăng giá 350 loại phí dịch vụ y tế. Tuy nhiên, vấn đề mọi người quan tâm là chất lượng dịch vụ của hệ thống y tế có được cải thiện song hành cùng giá các loại phí hay không.   Đặc biệt, đối với người dùng bảo hiểm y tế (BHYT) có hưởng dịch vụ tốt như lẽ ra phải được hay không? Hay tiếp tục bị xem là “ăn mày” khi đi khám chữa bệnh.

Bộ Y tế đang đề xuất tăng giá 350 loại phí dịch vụ y tế. Tuy nhiên, vấn đề mọi người quan tâm là chất lượng dịch vụ của hệ thống y tế có được cải thiện song hành cùng giá các loại phí hay không.

Đặc biệt, đối với người dùng bảo hiểm y tế (BHYT) có hưởng dịch vụ tốt như lẽ ra phải được hay không? Hay tiếp tục bị xem là “ăn mày” khi đi khám chữa bệnh.

Ngày 27-9, tôi chở con đi khám ở bệnh viện Bình Tân (đúng tuyến BHYT). Bác sĩ khám bệnh và kê toa thuốc cho con tôi chỉ chưa đầy 5 phút. Nhưng đến khi chờ đóng dấu BHYT để lấy thuốc, tôi chờ gần 1 tiếng rưỡi vẫn chưa đến lượt, dù sổ của con tôi được nộp theo nhóm ưu tiên (người già, trẻ em và phụ nữ mang thai).

Tới gần trưa vẫn chưa đến lượt, tôi yêu cầu lấy lại sổ để tự ra ngoài mua thuốc. Tuy nhiên, nhân viên ở đây nói tôi phải nhờ điều dưỡng (nơi bác sĩ khám bệnh) ra lấy. Khi tôi nhờ điều dưỡng lấy sổ giúp lại nhận lời giải thích đầy bực dọc là không có quy định nào buộc điều dưỡng phải lấy sổ cho bệnh nhân.

Trong số những người chờ khám theo diện BHYT, tôi thấy có một thanh niên nằm ôm bụng quằn quại. Người nhà cho biết anh đau từ đêm hôm trước, nhưng phải cố chờ tới sáng đến khám. Mọi người ái ngại yêu cầu y tá thu xếp cho anh được vào khám trước.

Tuy nhiên, người y tá nói rằng đã nộp sổ cho bác sĩ nên phải chờ thứ tự tới lượt mới được vào khám. Nhiều người khám bệnh theo diện BHYT đi từ 5-6 giờ sáng tới xếp hàng nộp sổ chờ khám. Đó là chưa kể những loại thuốc kê cho người mua BHYT thường rẻ tiền, công hiệu thấp.

Bệnh viện là một ngành dịch vụ, nhưng những người làm trong ngành này, đặc biệt là làm công việc văn phòng (như nhận sổ và đóng dấu), có lẽ chưa được học những kỹ năng phục vụ khách hàng bao giờ. Thái độ phục vụ của họ đối với người thụ hưởng dịch vụ cứ như mẹ ghẻ với con chồng: ăn nói trịch thượng, không chịu lắng nghe.

Không biết đến bao giờ khối nhân viên văn phòng ở các bệnh viện mới có thái độ ân cần và tôn trọng người bệnh như lễ tân trong ngành khách sạn? Sự so sánh này có lẽ khập khiễng nhưng về bản chất, họ đều làm một công việc giống nhau là phục vụ khách hàng.

Những người làm trong ngành y tế nên bỏ tư tưởng đang “chữa bệnh cho dân” mà phải xác định đây là phục vụ những người mang lại thu nhập cho mình để khách hàng cảm thấy hài lòng khi được thụ hưởng những dịch vụ tốt nhất. Liệu đề xuất tăng hơn 350 loại phí của ngành y tế có giải quyết được bất cập này?

Thiết nghĩ, với số tiền thu được từ việc tăng viện phí, các bệnh viện cần đầu tư nâng cấp chất lượng cơ sở và trang thiết bị cũng như “nâng cấp” cả về nhân sự, đặc biệt là những nhân viên dịch vụ khách hàng chuyên nghiệp.

Nên chăng ngành y tế đưa ra các tiêu chuẩn cho các đơn vị hướng đến khách sạn bệnh viện, nơi người khám chữa bệnh được cảm thấy là “thượng đế” cả trong điều trị, chăm sóc.

Các tin khác