Áp lực tăng giá cuối năm

Lạm phát trong 11 tháng năm nay tăng 17,5% so với cuối năm ngoái. Để đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát 18% trong cả năm 2011, thời gian tới cần tiếp tục có các giải pháp mạnh mẽ hơn nữa, bởi theo quy luật giai đoạn cuối năm bao giờ cũng có áp lực rất lớn tới giá cả.

Lạm phát trong 11 tháng năm nay tăng 17,5% so với cuối năm ngoái. Để đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát 18% trong cả năm 2011, thời gian tới cần tiếp tục có các giải pháp mạnh mẽ hơn nữa, bởi theo quy luật giai đoạn cuối năm bao giờ cũng có áp lực rất lớn tới giá cả.

Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), những tháng gần Tết Nguyên đán, dự kiến nhu cầu tiêu dùng cả nước sẽ tăng khoảng 20-22%. Bởi trong tháng 12 sẽ diễn ra lễ Noel, chuẩn bị Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, trong khi giá lương thực, thực phẩm đang có xu hướng nhích lên.

Hơn nữa, đây là tháng có lượng giải ngân lớn để hoàn thành kế hoạch sản xuất - kinh doanh, bên cạnh đó, lương thưởng của các doanh nghiệp, tiền dân cư đưa ra dịp tết… sẽ là những nhân tố tác động đẩy mặt bằng giá cả lên cao.

Thông tin từ Tổ điều hành thị trường trong nước cho biết trong tháng 11 thị trường hàng hóa bắt đầu sôi động hơn với việc chuẩn bị nguyên liệu, hàng hóa cho dịp Tết Nhâm Thìn với các chương trình khuyến mại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội đã tăng gần 2% so với tháng 10.

Cung cầu hầu hết các mặt hàng bảo đảm, giá nhiều mặt hàng thiết yếu tiếp tục ổn định (điện, xăng dầu, gas, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thép xây dựng, xi măng…). Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: hiện nay hầu hết địa phương đều lo lắng nguồn lương thực, thực phẩm, nhất là nguồn thịt lợn và rau củ trong dịp trước và sau tết, vì hai mặt hàng này ảnh hưởng rất lớn đến thị trường.

Có 30 địa phương dự kiến sẽ triển khai chương trình bình ổn giá, trong đó 17/30 địa phương đã báo cáo kế hoạch cụ thể. Tuy nhiên, một số mặt hàng như lương thực, thực phẩm do ảnh hưởng của mưa lũ, do nhu cầu tăng vào dịp cuối năm trong khi nguồn cung chưa dồi dào nên giá cả có xu hướng nhích tăng trở lại.

Theo dự báo của Bộ NN-PTNT, năm nay cả nước sẽ đạt sản lượng trên 41 triệu tấn lúa, đáp ứng xuất khẩu 7,1 triệu tấn gạo và bảo đảm nhu cầu tiêu dùng trong nước. Vì thế, nguồn lúa gạo không đáng lo ngại.

Theo thống kê của Bộ NN-PTNT đến hết tháng 11 tổng đàn lợn trên cả nước tăng 4,4% so với tháng 10, nên nguồn cung thịt lợn trong dịp tết cơ bản được bảo đảm. Trong khi đó, lượng gia cầm đang tăng mạnh, khoảng 335 triệu con, tăng 4,7% so với tháng trước do người nuôi đã có lãi.

Tại cuộc họp mới đây của Tổ điều hành thị trường trong nước, nhiều ý kiến cho rằng cần tiếp tục phát huy hiệu quả các chương trình bình ổn giá ở địa phương. Đây là những chương trình có ý nghĩa bình ổn thị trường, bảo đảm nguồn cung chứ không chỉ là chương trình giảm giá.

Chương trình mang lại lợi ích cho cả người cung cấp và người tiêu dùng. Từ chương trình này nhiều doanh nghiệp tại TPHCM và Hà Nội đã ký được hợp đồng dài hạn. Vì thế, cần tiếp tục phát huy, triển khai chương trình này, nhất là trong dịp trước và sau Tết Nguyên đán.

Hiện nay Cục trưởng Cục Quản lý giá đã lên phương án: bên cạnh các biện pháp kiểm soát thị trường, giá cả, sẽ áp dụng giải pháp giãn thời gian tăng giá một số mặt hàng quan trọng như điện, xăng dầu, than để ổn định giá đầu vào các sản phẩm, hàng hóa trong nước.

Hy vọng với những nỗ lực trên, áp lực giá cuối năm nay sẽ giảm, thị trường lương thực, thực phẩm và hàng hóa dịp tết sẽ ổn định hơn, góp phần mang lại cái tết vui tươi cho người dân.

Các tin khác