Tư tưởng khuyến khích, nâng đỡ kinh doanh

(ĐTTCO) -  Doanh nhân là người lãnh đạo doanh nghiệp, do đó họ phải là những người đi đầu trong việc học hỏi, nghiên cứu để chèo lái, dẫn dắt doanh nghiệp. Hồ Chí Minh chính là một trong những doanh nhân có thể học tập được nhiều nhất.

(ĐTTCO) -  Doanh nhân là người lãnh đạo doanh nghiệp, do đó họ phải là những người đi đầu trong việc học hỏi, nghiên cứu để chèo lái, dẫn dắt doanh nghiệp. Hồ Chí Minh chính là một trong những doanh nhân có thể học tập được nhiều nhất.

Bằng các chính sách và giải pháp thực tiễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khuyến khích mọi người, mọi giai tầng xã hội ra sức làm giàu. Theo Người, toàn bộ chính sách của Đảng và Nhà nước là làm sao để “người nghèo đói trở nên đủ ăn, người đủ ăn trở nên khá, người khá trở nên giàu, người giàu thì giàu thêm”. Trên tinh thần Hồ Chí Minh, Nhà nước Việt Nam kiểu mới không triệt tiêu động lực làm giàu hợp lý, mở ra những khả năng không giới hạn để người dân tích lũy của cải cho đời sống của mình. Giàu có hợp lý trở thành một chuẩn mực của sự phát triển theo xu hướng tiến bộ.

Đại hội XII của Đảng đã xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, để đi đến một quan điểm như vậy là cả một quá trình. Thực tế tư tưởng Hồ Chí Minh được thể hiện ngay từ Cương lĩnh đầu tiên của Đảng năm 1930 mà Hồ Chí Minh là người chủ trì biên soạn.

Theo đó, Bác đã chỉ ra, “tư bản vừa và nhỏ” là đối tượng cần phải đi cùng cách mạng. Cách mạng còn cần phải tranh thủ cả “trung, tiểu địa chủ” đi theo cách mạng. Chỉ những đối tượng đại địa chủ, đại tư bản gắn với đế quốc mới phải đấu tranh. Đây chính là nền tảng đánh giá về vai trò kinh tế tư nhân cả trong nông nghiệp và công nghiệp cho giai đoạn sau này.

Như vậy, vai trò của doanh nghiệp tư nhân đã được ghi nhận một cách tích cực. Và tư tưởng Hồ Chí Minh đã khẳng định vai trò của giới doanh nhân từ rất sớm. Điều này được thể hiện rõ khi Cách mạng Tháng 8 thành công, chính sách của Bác và Chính phủ lâm thời lúc đó cũng đặc biệt chú trọng vai trò kinh tế tư nhân.

Ngay trong chiều 2-9-1945, phát biểu với quốc dân đồng bào, Người đã nhấn mạnh: “Ngày nay để phục hưng nền kinh tế, có người tưởng Chính phủ phải quốc hữu hóa tất cả các công cuộc kinh doanh. Nhưng Chính phủ không làm thế. Chính phủ sẽ kiến thiết nền quốc dân kinh tế để cho ai nấy được tự do kinh doanh. Và hơn nữa, Chính phủ còn khuyến khích, nâng đỡ tư nhân trong những công cuộc kinh doanh to tát”.

Đường lối đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Lâm thời đã tạo nên sức mạnh to lớn của toàn dân tộc, vượt qua mọi khó khăn buổi đầu xây dựng chính quyền mới. Trong lúc nền độc lập còn “trứng nước”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy rõ vai trò của một “nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng", điều kiện cần để chế độ chính trị non trẻ mới được thiết lập có cơ hội trụ lại giữa áp lực từ nhiều phía.

Bác Hồ đi thăm một xưởng cơ khí. Ảnh tư liệu.

Bác Hồ đi thăm một xưởng cơ khí. Ảnh tư liệu.

Từ bức thư gửi giới công thương ngày 13-10-1945 đến những tư tưởng về kháng chiến kiến quốc đều được Bác đặt vấn đề về vai trò quan trọng của giới công thương. Trong tác phẩm Thường thức Chính trị năm 1953, Hồ Chí Minh đã nêu ra những thành phần kinh tế có kinh tế tư bản tư nhân với những vấn đề rất thực tế và cơ bản như “chủ thợ đều có lợi, công tư đều có lợi”. Đây là những nguyên tắc tiến bộ còn nguyên giá trị đối với doanh nhân đến tận ngày hôm nay. Tư tưởng Hồ Chí Minh là một trong những tiền đề cơ bản cho chính sách đổi mới của Đại hội VI.

Đây được coi là giá trị quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh, một trong những di sản vô giá để những nhà kinh tế, doanh nhân hôm nay có thể tiếp thu và phát triển. Bởi nếu nói về hội nhập và mở cửa, doanh nhân có thể thấy được một con người Hồ Chí Minh ngay khi Bác ra đi tìm đường cứu nước năm 1911. Bác ra đi không chỉ tìm học cách để đất nước ta độc lập mà còn có mục đích học cách xây dựng và kiến thiết đất nước. Bác ra đi để tranh thủ sự giúp đỡ của các quốc gia bạn bè nhưng cũng là để học hỏi họ.

Một trong những tài liệu thể hiện tư tưởng hội nhập rất tiến bộ của Hồ Chí Minh là bức thư Bác gửi Tổng thống Hoa Kỳ Harry S. Truman đầu năm 1946, trong đó Bác viết: “Chính sách của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ”. Thậm chí, trước đó, Bác cũng đã có thư gửi sang phía Hoa Kỳ với mục đích muốn gửi 50 sinh viên của Việt Nam sang học khoa học công nghệ tiên tiến của Hoa Kỳ.

Một văn bản quan trọng khác là vào tháng 12-1946, Bác đã có thư gửi Liên hiệp quốc. Trong thư Bác nói rõ “chính sách của Việt Nam là mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực với các nước dân chủ”. Đặc biệt, đến đầu những năm 90 khi Hoa Kỳ bỏ cấm vận ngày 3-2-1994; năm 1995 Việt Nam và Hoa Kỳ thiết lập ngoại giao, trong năm đó Việt Nam gia nhập ASEAN, hội nhập mới thực sự được thể hiện rõ. Đây là những thành quả mang đậm tính kế thừa tư trưởng Hồ Chí Minh.

Từ nghiên cứu các chính sách pháp luật trong và ngoài nước đến chủ động trong hội nhập những doanh nhân, doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm với xã hội, với Nhà nước. Trong mọi hoàn cảnh, Bác Hồ luôn thể hiện một tư tưởng tự chủ rất cao. Trong tác phẩm Đường Cách mệnh năm 1927, Hồ Chí Minh đã viết “trước khi đợi người cứu thì mình phải tự cứu mình đã”. Sau đó, đến năm 1945 khi bác ra lời kêu gọi, Bác đã nói “toàn dân ta phải đem sức ta tự giải phóng cho ta”.

Các tin khác