Trông chờ hàng tốt, chất lượng niêm yết lên sàn

(ĐTTCO) - Năm 2017 hứa hẹn sẽ có nhiều hàng hóa chất lượng hơn được niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK), bởi lẽ sẽ có nhiều quy định có hiệu lực buộc doanh nghiệp (DN) phải nghiêm túc thực hiện. Cùng với đó việc cổ phần hóa (CPH) cũng được thúc đẩy mạnh mẽ hơn khi trách nhiệm người đứng đầu được đề cao.

(ĐTTCO) - Năm 2017 hứa hẹn sẽ có nhiều hàng hóa chất lượng hơn được niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK), bởi lẽ sẽ có nhiều quy định có hiệu lực buộc doanh nghiệp (DN) phải nghiêm túc thực hiện. Cùng với đó việc cổ phần hóa (CPH) cũng được thúc đẩy mạnh mẽ hơn khi trách nhiệm người đứng đầu được đề cao.

Áp lực công khai, minh bạch

Trước đây chủ yếu khuyến khích DN sau CPH phải niêm yết, song nhiều DN đã viện các lý do để trì hoãn. Vì thế, việc đưa ra các mốc thời gian, chế tài xử phạt là để thay đổi tình trạng này. Theo đó, trong năm 2017 sẽ nghiêm túc thực hiện cơ chế và quy định của pháp luật trong CPH, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát vốn, tài sản. Đồng thời, thực hiện niêm yết các tập đoàn, TCT, DNNN đã CPH trên TTCK.

Ông Đặng Quyết Tiến

Trong 3 tháng cuối năm 2016, hàng loạt tên tuổi lớn dồn dập lên sàn niêm yết/đăng ký giao dịch, như các tổng công ty (TCT) Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn (SAB), Rượu - Bia - Nước giải khát Hà Nội (BHN), Cảng hàng không Việt Nam (ACV), CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc NoVa (NVL)...

Còn trong tháng 1-2017, hàng loạt tên tuổi lớn khác cũng sẽ lên sàn UPCoM như TCT Hàng không Việt Nam (HVN), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VGT); các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) SeaBank, Quốc tế Việt Nam (VIB)... Cũng trong năm 2017, các cổ phiếu của một số tên tuổi đình đám khác như VietJet Air cũng sẽ tiến hành giao dịch trên sàn chứng khoán thay vì thị trường tự do như trước đây.

Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, chỉ trong 2 tháng cuối năm 2016, sàn UPCoM đã có hơn 50 DN tiến hành đăng ký giao dịch. Và tính đến thời điểm cuối năm 2016, HNX đã nhận được khoảng 100 bộ hồ sơ đăng ký giao dịch trên UPCoM, trong số đó có không ít tên tuổi lớn.

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành HNX, UPCoM đã ngày càng thu hút sự quan tâm của DN và được nhiều DN lớn chọn, nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) cũng đang quan tâm hơn đến những DN đăng ký giao dịch tại đây.

Bằng chứng khi NĐTNN bán ròng trên cả 2 sàn niêm yết, khối ngoại lại đổ vốn vào UPCoM rất nhiều. Sự xuất hiện của nhiều tên tuổi lớn trên UPCoM đã xóa đi những định kiến trước đây là sàn... bỏ đi và điều này cũng đặt ra thách thức trong việc công khai, minh bạch nhiều hơn. Do vậy trong năm 2017 HNX sẽ có những cảnh báo để NĐT cần thận trọng trước khi bỏ vốn nhằm tránh rủi ro.

Theo các chuyên gia, 2017 sẽ là năm của niêm yết, đăng ký giao dịch. Những DN đã IPO sẽ phải lên sàn, không thể tiếp tục chây ì. Bởi lẽ Thông tư 115/2016/TT-BTC (có hiệu lực 1-11-2016), sau khoảng 20 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn thanh toán tiền mua cổ phần qua đấu giá, NĐT mua cổ phần qua đấu giá đã có thể giao dịch cổ phần trên thị trường UPCoM. Như vậy, con đường từ hậu IPO đến sàn chứng khoán đã được rút ngắn rất nhiều so với mức 90 ngày như đã quy định trước đây tại Quyết định 51/2014/QĐ-TTg.

Cùng với việc cải tiến về thủ tục hành chính giúp DN rút ngắn thời gian lên sàn chứng khoán, các chế tài cưỡng chế đối với việc chây ì lên sàn hậu IPO đã được sửa đổi theo hướng nghiêm khắc hơn. Cụ thể, ngày 1-11-2016, Chính phủ ban hành Nghị định 145/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 108/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trên TTCK.

Một trong những nội dung được chú ý nhất tại Nghị định 145 là việc sửa đổi khung phạt đối với hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông, đến tính minh bạch trong hoạt động và quản trị của công ty đại chúng. Các mức phạt tiền, tương ứng với tính chất, mức độ vi phạm, trong đó cao nhất phạt tiền 400 triệu đồng đối với hành vi chậm lên sàn trên 12 tháng. Những DN muốn huy động vốn để phát triển, tạo sự tin tưởng cho NĐT sẽ buộc phải công khai, minh bạch.

2017 nếu VietJet Air lên sàn sẽ tạo thêm sức nóng cho TTCK.
2017 nếu VietJet Air lên sàn sẽ tạo thêm sức nóng cho TTCK.

Quy trách nhiệm CPH

Để đáp ứng yêu cầu CPH DNNN trong giai đoạn tới, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo thay thế Nghị định 59/2011/NĐ-CP, Nghị định 189/2013/NĐ-CP và Nghị định 116/2015/NĐ-CP. Trong đó, điểm đáng chú ý là việc bán cổ phần cho NĐT chiến lược được điều chỉnh theo hướng quy định rõ trách nhiệm bồi thường khi vi phạm các cam kết của NĐT; điều chỉnh việc bán cổ phần cho NĐT chiến lược thực hiện sau cuộc bán đấu giá công khai, bỏ hình thức bán thỏa thuận trước; thay đổi thời gian hạn chế chuyển nhượng cổ phần của NĐT chiến lược là 3 năm (thay cho 5 năm) để phù hợp với quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều 119 Luật DN (xác định như cổ đông sáng lập).

Về vấn đề đất đai trong quá trình CPH, dự thảo điều chỉnh quy định yêu cầu DN CPH phải lập phương án sử dụng đất, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và hoàn thành trước thời điểm xác định giá trị DN. Khi đó, diện tích đất DN sử dụng chưa đúng mục đích, chưa phù hợp với quy hoạch, chưa phù hợp với ngành nghề kinh doanh sẽ được các địa phương xem xét, quyết định để thu hồi. DN CPH chỉ được giao đất theo quy định của Luật Đất đai để sử dụng vào mục đích xây dựng nhà để bán, xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê.

Về các phương thức bán cổ phần lần đầu, ngoài 3 phương thức bán cổ phần hiện hành (đấu giá công khai, bảo lãnh phát hành, thỏa thuận trực tiếp), dự thảo bổ sung thêm phương pháp dựng sổ (book building). Phương thức mới này đang phổ biến trên thế giới, là quá trình tạo lập, tiếp nhận và ghi lại cầu cổ phiếu của NĐT, tổ chức phát hành sẽ thực hiện chào bán ra công chúng thông qua bảo lãnh phát hành.

Theo đó, tổ chức bảo lãnh phát hành phối hợp với tổ chức phát hành xác định khoảng giá dự kiến, dựa vào nhu cầu của thị trường trên cơ sở dựng sổ lệnh về nhu cầu NĐT, để xác định mức giá cuối cùng. Đồng thời quy định rõ số lượng cổ phần bán đấu giá công khai ra công chúng tối thiểu bằng 10% vốn điều lệ.

Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), cho biết: “Dự thảo sẽ tháo gỡ những bất cập, lỗ hổng nhiều DN thường lấy lý do để chây ì CPH, IPO. Đi cùng với đó, một danh sách các DN phải CPH sẽ được công bố công khai, cụ thể đến tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ và số cổ phần sẽ bán ra. Các tỷ lệ này sẽ là con số cứng, không có chuyện đã phê duyệt rồi lại xin điều chỉnh”.

Nhấn mạnh tại hội nghị sắp xếp, đổi mới DNNN cuối năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cần phải CPH DNNN đúng lộ trình, đúng cách làm để thay đổi quản trị DN, môi trường lành mạnh minh bạch, công bằng và tạo điều kiện cho DN tư nhân cùng phát triển mạnh mẽ.

Chủ tịch HĐTV, chủ tịch công ty, tổng giám đốc, giám đốc tập đoàn kinh tế, TCT nhà nước và DNNN phải xây dựng kế hoạch, lộ trình tổ chức triển khai thực hiện sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Định kỳ hàng quý, báo cáo tình hình thực hiện về Bộ Tài chính và Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN, đến các cơ quan chức năng về những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện. Đồng thời, Thủ tướng cũng khẳng định, bộ nào, chủ tịch, tổng giám đốc tập đoàn nào không làm, làm chậm và làm thất thoát phải xử lý.

Các tin khác