TPHCM: Nỗ lực vươn tầm vượt qua thách thức

(ĐTTCO) -  LTS: TPHCM đang đóng vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước nhưng vẫn chưa vươn tới yêu cầu rút ngắn khoảng cách so với các đô thị lớn trong khu vực, theo tinh thần Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị (năm 2002) và vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức trong bài toán phát triển. Vậy TPHCM phải giải quyết các vấn đề gì đang đặt ra? Nhân dịp năm mới 2017, ĐTTC trích đăng ý kiến của TS. TRẦN DU LỊCH (ảnh), thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia.

(ĐTTCO) -  LTS: TPHCM đang đóng vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước nhưng vẫn chưa vươn tới yêu cầu rút ngắn khoảng cách so với các đô thị lớn trong khu vực, theo tinh thần Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị (năm 2002) và vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức trong bài toán phát triển. Vậy TPHCM phải giải quyết các vấn đề gì đang đặt ra? Nhân dịp năm mới 2017, ĐTTC trích đăng ý kiến của TS. TRẦN DU LỊCH (ảnh), thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia.

Xác định vị thế 

Năm 1986, khi bắt đầu thời kỳ đổi mới, TPHCM đóng góp  khoảng 13% trong cơ cấu kinh tế cả nước và hiện nay đóng góp khoảng 21%, nghĩa là TPHCM vẫn là động lực kinh tế chung của cả nước, chưa nơi nào thay thế được, và trong 15 năm tới cũng không nơi nào thay thế được.

 Hiện nay vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mở ra đến 8 địa phương, trong đó TPHCM là hạt nhân tăng trưởng của vùng. Các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương tận dụng được lợi thế phát triển về công nghiệp nhờ dựa vào hậu cần là TPHCM.

Đồng thời, các địa phương này phát triển đã giải quyết một vấn đề quan trọng cho TPHCM là áp lực nhập cư. Ngoài ra, TPHCM còn có mối quan hệ kinh tế gắn kết với cả vùng Tây nguyên, Đông Nam bộ và ĐBSCL.

Từ năm 2002, Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị về TPHCM đã bắt đầu thay đổi địa vị của TPHCM bởi 3 điểm nhấn. Thứ nhất, Nghị quyết 20 không đặt TPHCM trong sự cạnh tranh với các khu vực trong nước, mà đặt trong tầm cạnh tranh với các đô thị lớn trong khu vực Đông Nam Á như BangKok, Kuala Lumpur, Singapore, Jakarta, Manila. Thứ hai, Nghị quyết 20 quyết định vấn đề đột phá liên quan đến không gian đô thị.

Trong quá khứ, TPHCM với tên gọi Sài Gòn từng tự hào là trung tâm của cả khu vực, được tôn vinh là Hòn ngọc Viễn Đông. Ở đây không phải là vấn đề danh hiệu, danh xưng mà là lòng tự trọng và nỗ lực quốc gia. Vì thế thách thức rất lớn đối với mục tiêu xây dựng TPHCM trở thành thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Và càng thách thức lớn hơn đối với khát vọng của TP mong sớm trở lại ánh hào quang của Hòn ngọc Viễn Đông, đòi hỏi các cấp các ngành phải nỗ lực cố gắng hơn nữa để đạt được mục tiêu này.

Ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TPHCM

Đó là quyết định dời 3 cảng gồm Tân Cảng, Ba Son và Sài Gòn ra bên ngoài để mở rộng TP về phía Đông. Đây là vấn đề rất lớn của TPHCM, tạo điều kiện phát triển không gian đô thị, thay đổi bộ mặt của TP. Thứ ba, cho phép những vấn đề pháp luật chưa quy định hoặc có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn của TPHCM thì trình Chính phủ cho làm thí điểm. Đó là những tháo gỡ về thể chế rất lớn.

Năm 2012, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 16 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020 cũng nhắc lại vấn đề này và tiếp tục nhấn mạnh TPHCM là trung tâm kinh tế, công nghiệp, dịch vụ và thị trường tài chính của khu vực Đông Nam Á.

Tuy vậy thực tế đến nay, TPHCM chưa có thay đổi vị trí ở mức thu hẹp khoảng cách với đô thị lớn trong khu vực mà khoảng cách còn giãn ra. Chẳng hạn về phương diện chất lượng sống, theo xếp loại chất lượng sống các TP lớn trên thế giới bao gồm 230 TP do tổ chức Mercer thực hiện, TPHCM đứng thứ 152, trong khi đó các TP trong khu vực như Singapore  xếp 26; Kuala lumpur: 86; Manila: 136...

Xét tương quan trong nước, TPHCM đóng góp hơn 30% ngân sách, nhưng đóng góp xuất khẩu đã giảm từ 30% còn 18% vì các nơi phát triển công nghiệp rất mạnh. TP vẫn giữ tốc độ tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước khoảng 1,5 lần. Tuy nhiên, tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu tỷ trọng chung về công nghiệp của cả nước cũng giảm, trước đây khoảng 28-30% nhưng bây giờ chỉ khoảng 20%.

Riêng dịch vụ vẫn giữ được vì tốc độ tăng doanh thu bán lẻ và dịch vụ hàng năm đều cao hơn mức chung của cả nước. Như vậy, TPHCM vẫn giữ vị trí đầu tàu trong nước nhưng lại chưa vươn tới được tinh thần Nghị quyết 20, là rút ngắn khoảng cách so với các đô thị trong khu vực.

 Giải mã bài toán phát triển

Có 4 vấn đề đối với việc phát triển của TPHCM. Một là chất lượng tăng trưởng. Nếu nhìn vào sản phẩm tạo ra trên địa bàn TPHCM sẽ thấy không có gì hơn các địa phương khác. 15 năm trước, TPHCM muốn xây dựng 100 sản phẩm đặc trưng, nhưng khi doanh nghiệp đăng ký để được hỗ trợ lại không có một sản phẩm nào đặc thù, không có sản phẩm đáng tự hào về công nghiệp, dịch vụ.

Năm 1996, cứ trong 1 đồng giá trị công nghiệp tạo ra trên địa bàn TPHCM, phần giá trị mới chiếm 41%, đến năm 2015 chỉ còn 29%. Giá trị mới tạo ra mới đóng góp vào GDP, sự tụt hậu có nghĩa là tính chất một nền công nghiệp gia công không thay đổi đáng kể.

Thứ hai là nhóm công nghiệp điện tử viễn thông và đầu tư phát triển khu công nghệ cao. Thứ ba, là nhóm ngành tinh chế các loại lương thực thực phẩm thông qua việc ứng dụng công nghệ sinh học. Thứ tư, là nghiên cứu phát triển các loại vật liệu mới. Tức là tập trung những ngành có hàm lượng khoa học kỹ thuật cao, không phát triển đại trà và giảm thâm dụng lao động.

Hạ tầng giao thông đô thị TPHCM đang phát triển rất lớn, nhưng vẫn không theo kịp sự phát triển của quy mô nền kinh tế.

Hạ tầng giao thông đô thị TPHCM đang phát triển rất lớn,
nhưng vẫn không theo kịp sự phát triển của quy mô nền kinh tế.

Trong các nhóm ngành dịch vụ, đầu tiên về thương mại, TPHCM phải phát triển thương mại quốc tế, trở thành trung tâm giao lưu thương mại quốc tế, hình thành thị trường giao dịch hàng hóa quốc tế... Nhóm ngành đáng lưu ý thứ hai là TPHCM phải phát huy vai trò cảng biển, mở rộng không gian cảng, phát triển dịch vụ logistics. Thứ ba là công nghệ thông tin và xây dựng công viên phần mềm Quang Trung để làm nòng cốt nhưng hiệu quả vẫn còn hạn chế.

Từ năm 2001, TPHCM cũng đã xác định không phát triển mọi lĩnh vực mà lựa chọn công nghiệp để tập trung phát triển. Còn về nông nghiệp, tập trung vào 2 vấn đề chính là trung tâm giống ứng dụng công nghệ sinh học để tạo giống cây giống con cung cấp cho cả vùng và phát triển các loại cây cảnh, cá cảnh dùng khoa học công nghệ chất lượng cao, nông nghiệp sinh thái.

Nếu phát triển theo hướng đó, kinh tế TPHCM không trùng lắp với các địa phương khác. Những nỗ lực đó sau 15 năm có chuyển biến, nhưng rất chậm, chất lượng chưa thay đổi đáng kể. Chính vì vậy, năm 2010, đại hội Đảng bộ TPHCM đưa ra mục tiêu: Về kinh tế tập trung vào chất lượng tăng trưởng, về đô thị tập trung xây dựng đồng bộ kết cấu cơ sở hạ tầng.

Hiện nay, TPHCM đặt mục tiêu năng suất tổng hợp trong 5 năm tới đạt 35% trong cơ cấu tăng trưởng (cả nước hiện nay khoảng 29-30%). Tức là nếu tăng trưởng 1%, phần năng suất tổng hợp chiếm 35%, còn 65% là yếu tố vốn, nguyên liệu. Mục tiêu 35% đã khó thực hiện nhưng đó lại là một tỷ lệ còn rất thấp vì các nước khác đã đạt khoảng 50-60%. Nếu tăng trưởng tiếp tục dựa vào vốn mà không dựa trên năng suất thì không biết bao nhiêu vốn là đủ.

Như vậy, bài toán chất lượng tăng trưởng của TPHCM vẫn là bài toán lớn nhất. Đại hội Đảng bộ lần thứ 10 vừa rồi tiếp tục xác định lại vấn đề này, đặt các chỉ tiêu chất lượng tăng trưởng như năng suất tổng hợp đạt 35%, cải cách nâng cao năng lực cạnh tranh lên top 5 của các địa phương trên cả nước nhưng cần đặt mục tiêu bao giờ bằng các TP lớn trong khu vực về phương diện năng lực cạnh tranh.

Tính từ 1986-2015, quy mô kinh tế TPHCM tăng 8 lần nhưng không gian đô thị, hạ tầng giao thông chỉ tăng khoảng 2-3 lần. Điều này gây quá tải, đặc biệt xuất hiện vấn đề tắc nghẽn giao thông, ngập nước. Khu trung tâm hiện giờ không tính hạ tầng để giải quyết bài toán giao thông, người ta đang trông chờ vào tuyến metro nhưng không có TP nào trên thế giới mà giao thông  công cộng chỉ dựa vào metro.

Trong quản lý đô thị, quy hoạch đã có, quy hoạch 20 năm trước đặt vấn đề TPHCM phát triển đa trung tâm nhưng bây giờ phát triển vẫn còn hướng tâm… Cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, nhà chung cư cao tầng đều đổ vào khu trung tâm. Điều này làm cho TP hiện nay rất ngổn ngang, không có không gian công cộng, đây là bài toán hiện nay chưa có lời giải.

Tiến bước và triển vọng

TPHCM tự thân có ưu thế, nhưng cũng không thể vì vậy mà chủ quan. Bài toán về hạ tầng, nhất là giao thông đô thị đang là trở lực rất lớn cho hoạt động kinh tế và cải thiện dân sinh. Năm 2017, cả nước nói chung có thể gặp khó khăn do tác động của kinh tế thế giới, thí dụ USD có thể lên giá, VNĐ có thể mất giá, thương mại thế giới thay đổi và tăng trưởng chậm lại…

Song những thay đổi đó của thế giới có ảnh hưởng nhưng không ảnh hưởng quá lớn đối với xuất khẩu của Việt Nam, vì tỷ trọng của chúng ta so với thế giới quá nhỏ (Việt Nam xuất khẩu 176 tỷ USD chiếm khoảng 0,8% nhập khẩu của thế giới). Vấn đề của chúng ta hiện nay là có tham gia được chuỗi phân phối toàn cầu hay không, vì hiện nay chỉ tham gia thông qua trung gian.

Trong điều kiện như vậy, TPHCM đặt mục tiêu tăng trưởng  GRDP 8% trong  các năm tới sẽ có khó khăn song vẫn có thể đạt được, nhờ tiềm lực hiện có.

Nhưng nếu TPHCM không giải quyết các vấn đề căn cơ đang đặt ra, đặc biệt là 7 chương trình đột phá liên quan đến các vấn đề tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường, ngập nước… Những cản ngại này không giải quyết được trong 5 năm tới, tôi dự báo, từ năm 2021 trở đi, TPHCM sẽ bước vào giai đoạn khó khăn nhất so với các địa phương khác, do bất cập của cơ sở hạ tầng so với tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Lúc đó, kinh tế TPHCM sẽ chững lại, môi trường đầu tư kinh doanh, hoạt động kinh tế sẽ khó khăn, do chi phí sẽ tăng mạnh… Với nỗ lực của lãnh đạo TP hiện nay, chúng ta hy vọng điều đó không xảy ra.

Các tin khác