Tìm kiếm giám đốc tài chính trong trường học

(ĐTTCO)- Giám đốc tài chính (CFO) ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát triển doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp đã hình thành và doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt trong xu thế hội nhập cạnh tranh gay gắt. Do vậy, việc tìm kiếm một CFO không chỉ là nhu cầu hiện tại mà cả trong tương lai. Đây chính là yêu cầu đặt ra cho các trường đại học, cao đẳng trong việc nắm bắt nhu cầu tuyển dụng và đào tạo, tìm kiếm nhân tố phục vụ cho nền kinh tế.

(ĐTTCO)- Giám đốc tài chính (CFO) ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát triển doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp đã hình thành và doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt trong xu thế hội nhập cạnh tranh gay gắt. Do vậy, việc tìm kiếm một CFO không chỉ là nhu cầu hiện tại mà cả trong tương lai. Đây chính là yêu cầu đặt ra cho các trường đại học, cao đẳng trong việc nắm bắt nhu cầu tuyển dụng và đào tạo, tìm kiếm nhân tố phục vụ cho nền kinh tế.

Vai trò CFO ngày càng được khẳng định

Thời gian qua, Chính phủ và các ban ngành, địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển DN khởi nghiệp. Tuy nhiên, nguy cơ thất bại của các DN startup cao hơn so với số thành công. Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thất bại nói trên, sự thiếu hụt về năng lực tài chính để hoạch định cho ý tưởng kinh doanh khi khởi nghiệp là yếu tố quan trọng nhất. Một CFO trong những dự án startup không chỉ làm những công việc như các CFO của DN bình thường mà đòi hỏi phải là người kiến tạo nền tảng cho DN. Khác với một DN đã đi vào hoạt động, các quy trình HR, IT, thu mua, các hệ thống kế toán… đã sẵn có nên các nhà quản lý có thể vận hành và chuyên tâm vào các nghiệp vụ. Tuy nhiên, startup là quá trình khởi lập nên đòi hỏi một CFO phải tham gia vào nhiều công việc khác để thiết lập DN. Do vậy, các CFO startup thường được ví von như nhà huấn luyện cá nhân.

 Đại diện Ban tổ chức trao giải cho các thí sinh trong cuộc thi Bản lĩnh Giám đốc Tài chính – CFO lần VI

Đại diện Ban tổ chức trao giải cho các thí sinh trong cuộc thi Bản lĩnh
Giám đốc Tài chính – CFO lần VI 

Ông Tridivesh Kidambi, CFO của CallFire – công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ - chia sẻ trên tạp chí Forbes: “Có một sự chuyển dịch dần dần về vai trò của tài chính trong DN. Cách đây khoảng 10 năm, đối với hầu hết công ty, tài chính được xem như một rào cản, là bộ phận đơn thuần thực hiện chức năng kiểm tra. Ngày nay, theo kinh nghiệm của tôi, có một sự hòa nhập giữa tài chính và chiến lược kinh doanh. Bạn phải hiểu quan điểm của các nhà kinh doanh. Một khi hiểu các nhà kinh doanh nhìn thế giới như thế nào, bạn có thể cho họ thấy rằng, tài chính có tác động to lớn đến hoạt động kinh doanh. Tài chính không đơn thuần chỉ là tìm cách cắt giảm chi phí, điều khiển các phòng ban khác, mà cần phải biết việc cắt giảm chi phí này khiến hoạt động kinh doanh bị tác động như thế nào. Có nên cắt giảm chi phí hay không và phải tìm phương án chi tiêu khác khi chi phí được cắt giảm. Nói chung, cần sự hòa nhập của nhà tài chính và nhà kinh doanh thành một đội.”

Ngày nay, các CFO startup thường chịu trách nhiệm lớn về tăng trưởng của công ty. Họ có thể huy động tiền từ nhà đầu tư và sẽ tiến hành bước cuối cùng là trở thành công ty đại chúng. Đây chính là lý do CFO startup được đánh giá là một thử thách lớn đối với những người trong nghề tài chính. Do đó, để tìm kiếm một CFO đủ năng lực, nhất là CFO trẻ tuổi đảm nhiệm vai trò này không phải chuyện đơn giản. Nhất là khi Việt Nam đang trên đường mở rộng quan hệ hợp tác và ký kết nhiều hiệp định thương mại, tạo làn sóng cạnh tranh gay gắt.

Điều này càng khẳng định vai trò quan trọng của một CFO trong việc dẫn dắt DN phát triển, cạnh tranh trên thị trường. Đây chính là thực tế đặt ra cho nước nhà trong việc tăng cường đào tạo, tìm kiếm các nhân tố CFO cho tương lai.

Định hướng trong trường học

Thực tế này đặt ra yêu cầu cho nhiều trường Đại học, Cao đẳng và trung tâm dạy nghề trong việc đào tạo và định hướng cho sinh viên trong tương lai cũng như tìm kiếm nhân tài trẻ có tiềm năng đảm đương được vai trò trên. Thời gian qua, không ít trường đại học, cao đẳng và trung tâm mở rộng quy mô đào tạo, đồng thời tổ chức nhiều chương trình bổ ích giúp sinh viên có thể vận dụng nhuần nhuyễn kiến thức học ở trường và kỹ năng mềm.

Có thể chứng minh được điều này qua cuộc thi Bản lĩnh giám đốc tài chính -  CFO lần VI với chủ đề CFO - hành trình khởi nghiệp, do khoa Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TPHCM kết hợp với Công ty HD Saigon tổ chức mới đây. Đây là mùa thứ 6 cuộc thi diễn ra và đón nhận sự ủng hộ nhiệt tình của hơn 3.000 thí sinh ngay từ những ngày đầu khai mạc (13-9).

Trải qua 2 tháng với 3 chặng thi, bao gồm trắc nghiệm tiếng Việt về kiến thức kinh tế, tài chính mà một CFO cần có; trắc nghiệm tiếng Anh về tài chính chuyên sâu mà một CFO đẳng cấp thế giới cần có và lập dự án khởi nghiệp cùng với 2 cộng sự khác để thuyết phục tính khả thi của ý tưởng kinh doanh, ban tổ chức đã chọn được 5 thí sinh tiêu biểu nhất vào vòng thi chung kết – thể hiện bản lĩnh CFO để kêu gọi đầu tư từ các cổ đông vào dự án khởi nghiệp, vừa diễn ra vào tối 12-11.

Tại vòng thi chung kết, mỗi thí sinh đều đưa ra một dự án riêng với đa dạng lĩnh vực kinh doanh. Có thể kể đến như dự án Chương trình cố vấn chuyên nghiệp (PMP) Mentoring của bạn Nguyễn Ngọc Đăng Khoa nhằm giúp những sinh viên có khát khao khởi nghiệp nhưng chưa biết phải làm gì tìm ra được phương pháp cho mình. Dự án Bếp chay thực dưỡng ngũ hành của bạn Ngô Bích Nhung, cung cấp bữa ăn chay giàu dinh dưỡng và giúp trị được một số bệnh cho người tiêu dùng. Dự án Nền tảng trợ lý thể thao HETO của bạn Lương Kim Long, với mục tiêu giúp những người chưa có động lực tập thể thao có thể rèn luyện hằng ngày. Trong đó, dự án Nền tảng trợ lý thể thao HETO của Lương Kim Long là Dự án Triển vọng. Bên cạnh đó, thí sinh này cũng đạt giải CFO Triển vọng và được khán giả bình chọn nhiều nhất.

Đánh giá về các dự án năm nay, ông Nguyễn Thanh Tâm – Giám đốc Công ty TNHH Thuế và Tư vấn KPMG, ban giám khảo cho rằng: “Các dự án đều có ý tưởng tốt và có thể áp dụng vào thực tiễn, tuy nhiên cần trang bị nhiều hơn về trình bày để có thể kêu gọi được nhiều nhà đầu tư”.

 So với những mùa trước, bản lĩnh giám đốc tài chính năm nay được cải thiện nhiều hơn về cách tổ chức, tạo điều kiện cho thí sinh thể hiện được hết khả năng của mình. “Cuộc thi năm nay có điểm mới hơn với những năm trước là thí sinh phải xây dựng dự án và thuyết phục nhà đầu tư chứ không đơn thuần chỉ là phần kiến thức như những mùa trước” - bạn Huỳnh Nguyễn Phước Tiến – thí sinh tham gia chia sẻ thêm.

Về phía ban tổ chức cuộc thi, TS. Lê Đạt Chí – Phó trưởng khoa Tài chính, trường ĐH Kinh tế TPHCM cho biết sẽ tiếp tục tổ chức cuộc thi CFO vào mùa sau với nhiều chủ đề và hình thức phong phú, phù hợp với thực tế để giúp sinh viên có thể hoạch định được những góc nhìn mới về thị trường tài chính, nắm bắt kịp xu hướng tài chính toàn cầu cũng như thúc đẩy hơn nữa tinh thần khởi nghiệp trong sinh viên.

Bản lĩnh Giám đốc tài chính – CFO là một trọng những cuộc thi điển hình cho thấy, các đơn vị trường học cũng không ngừng nắm bắt nhu cầu thị trường để áp dụng trong chương trình giảng dạy, đồng thời tạo thêm sân chơi cho sinh viên, qua đó phát hiện và tìm kiếm nhiều nhân tài CFO cho tương lai. 

Các tin khác