Ngành da giày

Thời cơ, thách thức đan xen

Việt Nam đang là nước cung cấp sản phẩm da giày đứng hàng thứ 4 và là 1 trong 10 nước sản xuất giày dép lớn nhất thế giới. Tuy nhiên nhiều thách thức lớn vẫn đang chờ giải pháp hóa giải.

Việt Nam đang là nước cung cấp sản phẩm da giày đứng hàng thứ 4 và là 1 trong 10 nước sản xuất giày dép lớn nhất thế giới. Tuy nhiên nhiều thách thức lớn vẫn đang chờ giải pháp hóa giải.

Cơ hội bứt phá
Đầu năm 2010, với tình hình khó khăn của kinh tế thế giới, nhiều chuyên gia đã dự đoán ngành da giày sẽ gặp nhiều khó khăn do thị trường nhập khẩu chính là EU và Hoa Kỳ còn bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, đặc biệt ngành vẫn còn bị áp thuế bán phá giá thêm 18 tháng. Trong khi đó, các thị trường mới như Argentina, Brazil đang dọa kiện ngành da giày Việt Nam bán phá giá. Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn và thách thức, tích cực ổn định thị trường xuất khẩu, năm 2010 tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành đã bứt phá, đạt 6,09 tỷ USD, tăng trưởng gần 20%. Điều này cho thấy ngành da giày Việt Nam có sức bật rất tốt. Kim ngạch xuất khẩu năm 2010 tăng mạnh nhờ đơn hàng của các thị trường chính như khối EU và khách hàng từ Hoa Kỳ cũng đã quay lại đặt hàng với số lượng lớn.

Khi thuế chống bán phá giá của Việt Nam và Trung Quốc cùng được dỡ bỏ, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn khi cạnh tranh với sản phẩm da giày của Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu như Việt Nam và EU ký kết FTA, ngành da giày Việt Nam sẽ hưởng được rất nhiều ưu đãi khi xuất khẩu sang thị trường các nước trong khối EU. Đây là cơ hội không thể bỏ qua.
Ông Vũ Bá Phú,
Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương

Từ những kết quả khả quan đạt được trong năm 2010, ngành da giày Việt Nam dự đoán sẽ phát triển hơn trong năm nay, bởi đến nay nhiều doanh nghiệp đã ký đơn hàng đến hết năm, đang ráo riết đẩy mạnh sản xuất.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu giày dép nước ta tháng 2-2011 đạt 310 triệu USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Hiệp hội Da giày Việt nam (Lefaso), hiện nay nhu cầu da giày thế giới rất cao, khoảng 17 tỷ USD/năm, đa số các mặt hàng được gia công ở các nước châu Á, trong đó sản phẩm da giày Việt Nam đã nhận được sự tín nhiệm của nhiều nhà nhập khẩu trên thế giới. Nhiều thị trường mới như Thổ Nhĩ Kỳ, Australia, Canada, Nam Mỹ, châu Phi… cũng được các doanh nghiệp tiếp cận, khai phá thành công.

Thị trường nội địa cũng đang mở ra rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp giày da. Hàng năm cả nước tiêu thụ giày dép các loại khoảng 130 triệu đôi, bình quân tăng khoảng 8%/năm. Dự kiến những năm tới, mỗi năm nhu cầu của người tiêu dùng trong nước tăng khoảng 10 triệu đôi; đến năm 2020 sẽ tăng đến mức 355 triệu đôi/năm. Hiện tại toàn ngành có khoảng 650.000 lao động, theo đánh giá đủ sức cạnh tranh tốt đến năm 2025, thậm chí đến 2030. Mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 6209/QĐ-BCT phê duyệt chiến lược quy hoạch tổng thể phát triển ngành da giày Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Điểm nổi bật của quyết định này là tập trung nâng cao khả năng thiết kế mẫu mã sản phẩm, phát triển nguồn nhân lực, đầu tư công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường. Ngoài các mặt hàng chủ lực là giày dép, chiến lược quy hoạch này tập trung phát triển giày dép da thời trang và cặp, túi, ví chất lượng cao để thâm nhập những thị trường cao cấp trên thế giới và thị trường nội địa.

Tập trung cải tiến chất lượng

Việc Ủy ban châu Âu (EC) bãi bỏ áp thuế chống bán phá giá các mặt hàng giày mũ da của Việt Nam đang mở ra nhiều cơ hội cho ngành trong việc tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu. Bởi theo Bộ Công Thương, mặc dù sản lượng giày mũ da xuất khẩu chỉ chiếm hơn 10% tổng số các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU, nhưng khi bị áp thuế chống bán phá giá, đã có tác động lớn đến các mặt hàng xuất khẩu khác, khiến tổng kim ngạch xuất khẩu của các ngành hàng nước ta vào EU giảm 47%.

Việt Nam bị áp thuế 10%, Trung Quốc bị áp thuế 16,5%. Mức chênh lệch 6,5% là một lợi thế lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam. Hiện nay, mặt hàng da giày Việt Nam có giá thành cao hơn Trung Quốc 20% do nước này có sẵn nguồn nguyên phụ liệu với giá cả hợp lý, trong khi nước ta phải nhập đến 80% nguyên phụ liệu để sản xuất. Vì thế, doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung vào chất lượng và hướng đến những phân khúc thị trường phù hợp để đẩy mạnh sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh.
Bà Huỳnh Thúy Minh, Giám đốc Công ty TNHH Giày Lê Phát

Tuy nhiên, dù đã được cởi bỏ thuế chống bán phá giá vào EU nhưng doanh nghiệp da giày nước ta sẽ phải cạnh tranh khốc liệt hơn với các sản phẩm da giày Trung Quốc. Hiện nay, dù bị áp thuế nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày Trung Quốc sang thị trường EU vẫn chiếm đến 21%, trong khi Việt Nam chỉ khoảng 8%. Một đại diện của Lefaso chia sẻ, dù đang có nhiều triển vọng phát triển nhưng ngành da vẫn còn tiềm ẩn vấn đề như thiếu nguyên liệu, nguồn nhân lực không ổn định và sự cạnh tranh gay gắt của các nước xuất khẩu da giày. Khi được dỡ bỏ thuế chống bán phá giá, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải thận trọng vì EC tiếp tục giám sát chặt chẽ đối với các mặt hàng da giày Việt Nam nhập vào EU.

Cũng cần nhắc lại, lợi thế ngành da giày Việt Nam bị giảm sút trong thời gian qua do sự hiểu biết của doanh nghiệp nước ta về thị trường châu Âu quá ít, đã để nhiều đơn hàng lớn rơi vào tay doanh nghiệp Trung Quốc. Thí dụ, hiện nay nhiều tổ chức tại EU hỗ trợ cung cấp thông tin miễn phí cho doanh nghiệp về các chính sách, thủ tục xuất nhập khẩu vào EU. Thế nhưng rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam không hề biết đến việc này, dẫn đến luôn gặp khó khăn, trở ngại không đáng có khi xuất sản phẩm vào EU trong khi doanh nghiệp Trung Quốc tận dụng rất tốt lợi thế này để đẩy mạnh xuất khẩu. Vì vậy, vấn đề quan tâm là trong thời gian tới khi Việt Nam ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với EU và Hiệp định Thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP) với Hoa Kỳ, ngành da giày Việt Nam phải tận dụng lợi thế để bứt phá. Bởi khi đó việc kiểm tra theo quy tắc xuất xứ nguồn nguyên liệu sẽ thông thoáng hơn, đồng thời các doanh nghiệp cũng được hưởng nhiều ưu đãi về thuế, có thể giảm đến 0%. Một thuận lợi khác để doanh nghiệp da giày tiếp cận sâu các thị trường này là do EU và Hoa Kỳ không ký kết FTA và TPP với Trung Quốc.

Trụ đỡ từ Nhà nước

EC bãi bỏ áp thuế chống bán phá giá hàng giày mũ da của Việt Nam mở ra nhiều cơ hội cho ngành da giày. Ảnh: LÃ ANH

EC bãi bỏ áp thuế chống bán phá giá hàng giày mũ da của Việt Nam
mở ra nhiều cơ hội cho ngành da giày. Ảnh: LÃ ANH

Theo Cục Quản lý cạnh tranh, từ năm 1994 đến nay, ngành da giày đứng thứ 2 trong 10 ngành hàng xuất khẩu của nước ta bị kiện bán phá giá. Các vụ kiện này đã tác động xấu đến doanh nghiệp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến kim ngạch xuất khẩu chung của ngành và lợi nhuận của doanh nghiệp. Trong khi đó, việc tiếp cận các thị trường mới cũng gặp nhiều khó khăn, cụ thể là nhiều nước dọa sẽ kiện nước ta về việc bán phá giá. Ngoài ra, công nghệ sản xuất lạc hậu cũng là một yếu tố gây ra nhiều bất lợi cho doanh nghiệp nước ta, trong khi nhiều doanh nghiệp muốn được sự hỗ trợ để đầu tư vào công nghệ sản xuất nhưng không biết tiếp cận như thế nào. Ở một góc độ khác, dù đơn hàng năm nay rất dồi dào nhưng ngành da giày vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn, nhất là nguyên liệu da cho sản xuất. Việc phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu đã góp phần làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp, giảm lợi nhuận, kéo theo tình trạng nguồn lao động phục vụ cho ngành không ổn định, thậm chí có lúc rơi vào tình trạng thiếu nhân công trầm trọng. Nếu chủ động được nguồn nguyên phụ liệu, ngành da giày sẽ thuận lợi và dễ dàng hơn trong tạo dựng vị thế ổn định cả trên thị trường trong nước và quốc tế.

Một vấn đề nữa được đặt ra là để phát triển bền vững, doanh nghiệp da giày Việt Nam phải đẩy mạnh xây dựng và quảng bá thương hiệu, cả với nước ngoài và thị trường nội địa. Doanh nghiệp da giày cũng cần khắc phục những yếu kém trong khâu thiết kế mẫu mã, đa số doanh nghiệp trong ngành hiện nay vẫn làm gia công cho các doanh nghiệp nước ngoài. Lefaso đang kiến nghị Bộ Công Thương nghiên cứu biện pháp hỗ trợ để ngành da giày tháo gỡ khó khăn, gia tăng sức cạnh tranh, đồng thời có chính sách đào tạo nhân lực. Hiện nay, toàn ngành đang nỗ lực tìm hướng điều chỉnh cơ cấu ngành hàng, đổi mới trang thiết bị, chú trọng vào phân khúc thị trường trung và cao cấp để tạo được những bước đột phá mới trong năm 2011. Tuy nhiên để làm được điều này cần có những chính sách hỗ trợ phù hợp, kịp thời của Nhà nước.

Các tin khác