Thị trường BĐS: Nhiều tín hiệu tích cực

(ĐTTCO) - GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, cho rằng năm 2017 thị trường bất động sản (BĐS) sẽ sôi động hơn khi hàng loạt tín hiệu tích cực được phát đi từ Chính phủ, nhà đầu tư và từ chính thị trường. Nguồn cung trên thị trường sẽ bớt chênh lệch khi gói tín dụng hỗ trợ nhà ở  giá rẻ được triển khai. Nguồn cung nhà ở giá rẻ sẽ tăng nhưng dẫn dắt thị trường sẽ là phân khúc nhà ở giá trung bình. Đồng thời phân khúc nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục phát triển, là cơ hội để nhà đầu tư rót vốn kinh doanh BĐS cho thuê.

(ĐTTCO) - GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, cho rằng năm 2017 thị trường bất động sản (BĐS) sẽ sôi động hơn khi hàng loạt tín hiệu tích cực được phát đi từ Chính phủ, nhà đầu tư và từ chính thị trường. Nguồn cung trên thị trường sẽ bớt chênh lệch khi gói tín dụng hỗ trợ nhà ở  giá rẻ được triển khai. Nguồn cung nhà ở giá rẻ sẽ tăng nhưng dẫn dắt thị trường sẽ là phân khúc nhà ở giá trung bình. Đồng thời phân khúc nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục phát triển, là cơ hội để nhà đầu tư rót vốn kinh doanh BĐS cho thuê.

PHÓNG VIÊN: - Cuối năm 2016, Chính phủ cho biết sẽ cung cấp gói tín dụng 50.000-60.000 tỷ đồng hỗ trợ phát triển nhà ở giá thấp trong năm 2017. Theo ông, ngoài giải pháp về tài chính có cần thêm chính sách nào khác để phát triển phân khúc nhà ở này, cung cấp cho đại bộ phận người dân thu nhập thấp tại đô thị hiện nay?

Năm 2017 BĐS du lịch, nghỉ dưỡng với hình thức đầu tư phi truyền thống vẫn là phân khúc có khả năng phát triển mạnh với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nhỏ, lẻ. Đây sẽ là phương thức mang lại hiệu suất và hiệu quả đầu tư cao và ổn định. Tiền trong dân, kiều hối sẽ được động viên khá mạnh để đầu tư vào phân khúc này. Bên cạnh đó nhà ở cũng vẫn là phân khúc quan trọng của thị trường BĐS, luôn có cơ hội phát triển mạnh do cầu lớn và cung luôn không đủ.

GS. ĐẶNG HÙNG VÕ: - Việc Chính phủ đưa ra gói hỗ trợ tài chính tiếp theo cho nhà ở xã hội (NoXH), nhà ở thương mại (NoTM) giá thấp sẽ là giải pháp tốt cho phân khúc nhà ở giá rẻ trong năm 2017. Nhưng thực tế việc huy động nguồn lực từ ngân sách nhà nước (NSNN) với quy mô hàng chục ngàn tỷ đồng là khó khăn, đòi hỏi Chính phủ phải nỗ lực mới giải quyết được trong bối cảnh ngân sách hiện nay.

Vì thế, để triển khai gói hỗ trợ này cho thị trường BĐS trong năm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết sẽ giao Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện, với mức lãi suất cho vay khoảng 4,5%/năm. Đây là mức lãi suất hấp dẫn để phát triển nhà ở giá rẻ. Nếu giải quyết được vấn đề vốn, thị trường BĐS 2017 và các năm tiếp theo mới có cơ hội để phát triển NoXH, nhà ở giá rẻ.

Về phía nhà đầu tư, cuối năm 2016, Tập đoàn Vingroup đã tuyên bố sẽ xây dựng 300.000 căn hộ thương mại giá khoảng 700 triệu đồng/căn trong 5 năm tới tại Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Hưng Yên, Thanh Hóa, Hà Tĩnh và Nha Trang.

Ngay sau đó Tập đoàn Mường Thanh cũng đưa ra thông điệp sẽ phát triển NoTM giá còn thấp hơn, khoảng 500 triệu đồng/căn. Ở phía Nam, Công ty Him Lam, Novaland, Hưng Thịnh và nhiều nhà đầu tư khác cũng đẩy mạnh đầu tư nhà ở giá thấp để tận dụng cầu lớn trên thị trường.

Đây là những tín hiệu rất tốt, rất tích cực với thị trường khi chúng ta tăng được nguồn cung phân khúc NoTM giá rẻ và đây sẽ là điểm nhấn của thị trường BĐS 2017. Tôi tin rằng với sự hỗ trợ từ chính sách, sự vào cuộc của các nhà đầu tư chuyên nghiệp, năm 2017 thị trường sẽ tăng đáng kể nguồn cung nhà ở giá rẻ, đáp ứng được nhu cầu rất lớn tại các đô thị hiện nay.

- Có ý kiến cho rằng năm 2017 phân khúc nhà ở giá rẻ, giá thấp sẽ dẫn dắt thị trường BĐS, quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

- Theo tôi trong năm 2017 khả năng này chưa xảy ra, mà phân khúc nhà ở giá trung bình sẽ dẫn dắt thị trường. Bởi lẽ, bên cạnh việc giải quyết nhà để ở, còn có vấn đề nâng cao cung các phân khúc phục vụ nhu cầu kinh doanh BĐS, tức nhà đầu tư mua BĐS để cho thuê, kinh doanh. Kết hợp cả 2 xu hướng phát triển này, tôi cho rằng BĐS giá trung bình sẽ là phân khúc chủ đạo của thị trường năm 2017.

Một góc khu Sunrise City của Tập đoàn Novaland. Ảnh: LONG THANH

Một góc khu Sunrise City của Tập đoàn Novaland. Ảnh: LONG THANH

Năm qua cũng cần ghi nhận sự phát triển rất sôi động của phân khúc du lịch, nghỉ dưỡng với hàng loạt dự án lớn được phát triển từ Bắc vào Nam. Theo tôi năm 2017 phân khúc này sẽ phát triển sôi động vì cầu của du lịch Việt Nam vẫn trong xu hướng tăng nhanh, trong khi nguồn cung chưa đủ để đáp ứng.

Bên cạnh đó, những dự án BĐS nghỉ dưỡng chỉ tập trung một số nơi như Đà Nẵng, Nha Trang. Như vậy tiềm năng cho phân khúc này còn rất lớn, do ngành du lịch tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2017 và những năm tiếp theo, tạo một lượng cầu lớn về BĐS du lịch nghỉ dưỡng.

- Một vấn đề của thị trường BĐS hiện nay là tín dụng cho thị trường, như năm 2016 khoảng 70% tín dụng cho BĐS được huy động từ hệ thống ngân hàng (NH). Nhưng theo xu hướng điều chỉnh tín dụng của NHNN, năm 2017 và 2018 tín dụng cho BĐS sẽ thu hẹp dần. Vậy theo ông trong năm 2017 cần giải pháp gì để đảm bảo nguồn tín dụng cho thị trường BĐS phát triển?

- Với Thông tư 06/2016/TT-NHNN quy định về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh NH nước ngoài, tín dụng NH cho thị trường BĐS 2017 sẽ hẹp hơn. Theo đó, từ ngày 1-1 đến 31-12-2017 các TCTD, chi nhánh NH nước ngoài được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn, theo tỷ lệ tối đa thấp hơn 6 tháng cuối năm 2016 khoảng 10% với từng loại hình.

Chẳng hạn, NHTM 50%, chi nhánh NH nước ngoài 50%, TCTD phi NH 90%, quỹ tín dụng 50%. Và từ ngày 1-1-2018 tỷ lệ này sẽ giảm thêm 10% với từng loại hình NH, TCTD phi NH và chi nhánh NH nước ngoài tương ứng. Hệ số rủi ro cho vay BĐS ở mức 200% đã giảm so với thời điểm 2014 là 250%. Nhìn chung NHNN đã có những điều chỉnh nhằm hài hòa hệ số rủi ro cho vay và tỷ lệ huy động ngắn hạn cho vay BĐS.

Nhưng theo tôi có một luồng vốn tích cực cho thị trường BĐS là vốn trong dân. Thời gian vừa qua thị trường BĐS chưa huy động được nhiều vốn từ dân nên cơ cấu tín dụng cho thị trường 70% là tín dụng NH, 30% từ dân.

Nếu chúng ta huy động được nguồn vốn từ dân, tín dụng cung ứng cho thị trường BĐS sẽ cân bằng hơn theo tỷ lệ 50% từ tín dụng NH, 50% huy động từ dân. Vì thế, dù Thông tư 06/2016/TT-NHNN thu hẹp cửa vốn từ các NHTM chảy vào BĐS, thị trường năm 2017 sẽ tăng được nguồn vốn từ dân nếu chúng ta làm cho họ tin tưởng vào lợi ích khi đầu tư vào BĐS.

- Như ông đã nhận định, thị trường BĐS 2017 sẽ phát triển sôi động hơn 2016, nhưng liệu có phát triển quá nóng như giai đoạn trước đây?

- Tôi cho rằng thị trường BĐS nóng lên, hoạt động đầu tư, mua đi bán lại nhằm mục đích kinh doanh cũng tăng lên, và có khả năng một số người sẽ nhảy vào đầu cơ. Đó là nguy cơ có thể xảy ra trên thị trường BĐS. Xu hướng này sẽ từng bước tăng lên trong năm 2017 và nếu không xử lý tốt sẽ xảy ra bong bóng vào cuối năm.

Còn nếu các cơ quan hữu quan quản lý tốt thị trường bằng thuế, giám sát quá trình điều chỉnh cung… sẽ hạn chế được mức độ sốt giá, hạn chế khả năng xảy ra bong bóng BĐS trong năm nay. Theo quy luật thị trường, bong bóng BĐS sẽ xuất hiện trong 2-3 năm tiếp theo, tức khoảng năm 2019 hoặc 2020 và chúng ta sẽ biết đâu là đỉnh của thị trường BĐS hiện nay. Tựu trung, thị trường BĐS 2017 sẽ tốt hơn nhiều so với năm 2016.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác