Thần mẫu Huyền Trân

(ĐTTCO) - Năm 2017 là kỷ niệm 730 năm ngày sinh của công chúa Huyền Trân, một trong những người phụ nữ nổi tiếng nhất lịch sử nước Việt. Mỗi dịp đầu xuân, con Lạc cháu Hồng từ khắp nơi cùng về viếng bà ở cố đô Huế, vùng đất thuộc 2 châu Ô, Lý vốn là sính lễ của vua Chế Mân dâng cho nhà Trần để cầu hôn Huyền Trân. Xuân năm nay du khách về đây dâng hương cho bà nhất định càng đông hơn.

(ĐTTCO) - Năm 2017 là kỷ niệm 730 năm ngày sinh của công chúa Huyền Trân, một trong những người phụ nữ nổi tiếng nhất lịch sử nước Việt. Mỗi dịp đầu xuân, con Lạc cháu Hồng từ khắp nơi cùng về viếng bà ở cố đô Huế, vùng đất thuộc 2 châu Ô, Lý vốn là sính lễ của vua Chế Mân dâng cho nhà Trần để cầu hôn Huyền Trân. Xuân năm nay du khách về đây dâng hương cho bà nhất định càng đông hơn.

Đổi sắc hương lấy cõi giang san

Ai yêu nhạc Phạm Duy cũng đều biết tới bản trường ca Con đường cái quan mà sinh thời tác giả từng cho biết: “Trường ca đưa một lữ khách đi trên con đường xuyên Việt, đi từ Ải Nam Quan cho tới mũi Cà Mau, đi từ ngày lập quốc cho tới khi đã hoàn thành xứ sở, đi trong lịch sử và lòng dân, đi tới đâu cũng có tiếng dân chúng địa phương ca hát chúc tụng lữ khách đi nối liền được lòng người và đất nước...”. Trường ca Con đường cái quan gồm 3 phần, trong đó phần thứ 2 Qua miền Trung, có đoạn rất da diết:

Năm tê trong lúc sang xuân

Tôi theo công chúa Huyền Trân tôi lên đường

Đường máu xương đã lắm oán thương

Đổi sắc hương lấy cõi giang san

Tôi đi theo bước ái tình

Đi cho trăm họ được hòa bình ấm no

Đèo núi cao nghe gió vi vu

Thổi phấn son bay tới kinh đô...

Công chúa Huyền Trân (1287-1340) mà nhạc sĩ Phạm Duy “đi theo bước ái tình” ấy chính là một mỹ nhân đời nhà Trần, con gái của vua Trần Nhân Tông và em gái vua Trần Anh Tông. Huyền Trân được gả cho vua Chế Mân (Jaya Sinhavarman III) của Chiêm Thành, mà sính lễ là 2 châu Ô, Lý gồm vùng đất từ phía Bắc tỉnh Quảng Trị đến đèo Hải Vân của Thừa Thiên - Huế ngày nay.

Sau khi nhường ngôi vua cho Trần Anh Tông, Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông lên núi Yên Tử tu hành, có vào thăm nước Chiêm Thành và được vua Chế Mân tiếp đãi nồng hậu. Lúc chia tay về lại Yên Tử, Trần Nhân Tông hứa gả con gái Huyền Trân cho Chế Mân để giữ tình hòa hiếu. Vui mừng, Chế Mân nhiều lần sai sứ ra Thăng Long cầu hôn nhưng vua Trần Anh Tông cùng triều đình nhà Trần đều không chấp nhận. Năm 1306, gần 5 năm sau lời hứa của Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông, vua Chế Mân quyết định dâng 2 châu Ô, Lý (còn gọi là Rý) để làm của hồi môn, vua Trần Anh Tông mới chấp nhận gả công chúa Huyền Trân.

Giữa âm vang tiếng chuông, ngẫm về mấy dòng lưu bút tại đây của nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, chúng tôi hiểu thêm cái lý của người xưa: “Có những vấn đề của phụ nữ phải được giải quyết từ Quốc gia, có những vấn đề của Quốc gia phải giải quyết từ người phụ nữ”.

“Tay gạt nước mắt, tay cầm nhan sắc” lên kiệu hoa về Chiêm Thành, Huyền Trân trở thành hoàng hậu Paramecvari, sinh cho vua Chế Mân được một hoàng tử là Chế Đa Đa. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân diễn ra chưa được bao lâu thì vua Chế Mân đột ngột băng hà vào tháng 5-1307, mà theo phong tục Chiêm Thành hoàng hậu phải lên giàn hỏa thiêu để tuẫn táng chết theo vua. Biết tin, vua Trần Anh Tông sai tướng Trần Khắc Chung sang viếng tang vua Chế Mân và bí mật tìm cách cứu Huyền Trân. Vốn là nhân tình cũ, khi trên thuyền vượt biển trở về Đại Việt, Trần Khắc Chung và Huyền Trân đã tư thông với nhau, làm cho cuộc hải hành kéo dài cả năm trời…

Xung quanh việc Huyền Trân có phải lên giàn hỏa theo tục Chiêm Thành và tư thông với Trần Khắc Chung hay không, đến nay giới nghiên cứu vẫn còn nhiều ý kiến tồn nghi. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, với việc “Đổi sắc hương lấy cõi giang san” mang về châu Ô và châu Lý cho đất nước mà không tốn xương máu hay vật tài vật lực của Nhân dân, Huyền Trân đã trở thành người phụ nữ có công lớn trong lịch sử dân tộc.

Đôi rồng chầu kỷ lục Việt Nam (dài 108m), cổng vào đền công chúa Huyền Trân. Ảnh: Hoàng Tuấn

Đôi rồng chầu kỷ lục Việt Nam (dài 108m),
cổng vào đền công chúa Huyền Trân. Ảnh: Hoàng Tuấn

Về núi Ngũ Phong dâng hương Huyền Trân công chúa

Theo di mệnh của phụ hoàng Trần Nhân Tông, công chúa Huyền Trân đã xuống tóc đi tu ở núi Trâu Sơn, nay thuộc tỉnh Bắc Ninh, được ban pháp danh Hương Tràng. Sau đó bà vào núi Hổ ở Nam Định lập am tu hành, rồi mất ngày mùng 9 tháng giêng năm Canh Thìn 1340. Nhân dân quanh vùng thương tiếc, tôn vinh bà là Thần Mẫu, lập đền thờ phụng. Các triều vua về sau đều sắc phong bà là Thần hộ quốc.

Tại kinh đô Huế, từ những thế kỷ trước đã có miếu thờ Đại Đế Vương ở làng Lịch Đợi, phường Đúc để ghi nhớ công ơn của các vị công thần khai quốc, trong đó có công chúa Huyền Trân. Tuy nhiên, miếu này đã bị tàn phá do chiến tranh, nên theo ý nguyện của Nhân dân, nhân kỷ niệm 700 năm hình thành Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế vào năm 2006, một đền thờ công chúa Huyền Trân đã được xây dựng bề thế và khánh thành năm 2007 trên mảnh đất rộng tới 28ha tại núi Ngũ Phong (151 đường Thiên Thai, phường An Tây, thành phố Huế), nơi được tương truyền là “danh thắng phước địa”.

Bia ký tại đền thờ đã tóm tắt khá đầy đủ vị thế của địa chỉ văn hóa này: “Kiến trúc theo lối truyền thống: trụ biểu vươn cao, nền móng kiên cố, lương đống vững chắc, điện thờ tôn nghiêm. Phía sau, thế núi Ngũ Phong trấn giữ. Phía trước, dòng tiểu khê quầy thành hồ Trường Xuân soi bóng nhật nguyệt, sơn mạch tả hữu trườn xuống như 2 bức trường thành. Nội điện đặt tượng Huyền Trân, hậu điện phối thờ các bậc công thần mở nước. Sân sau xây lầu bát giác, dựng tượng ni sư, mở vườn Bồ Đề; sau nữa là điện Trúc Lâm, nhà đọc sách, tượng Di Lặc, miếu Sơn thần, Thủy thần, gác chuông Hòa Bình… tất cả tạo thành một Trung tâm văn hóa tâm linh ở chốn Thiên Thai”.

Hàng năm, vào mùng 9 tháng giêng âm lịch, kỷ niệm ngày mất của công chúa Huyền Trân, tại đền thờ bà ở Huế đều diễn ra lễ hội trang nghiêm, hoành tráng. Trong cái lạnh của những ngày Tết Nguyên đán, chúng tôi được người bạn Phạm Tường đưa từ trung tâm thành phố Huế vượt khoảng 7 cây số về dâng hương đền thờ người phụ nữ nổi tiếng lịch sử.

Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là 4 trụ biểu lớn vươn cao, rồi sau khi đi qua sân lát gạch Bát Tràng, hồ nước, cổng tam quan là đến nội điện thờ công chúa Huyền Trân, với tượng đồng của bà ngồi trên ngai cao 2,37m. Tượng đồng Huyền Trân và tượng đồng phụ hoàng Trần Nhân Tông (cao 3m) ở điện Trúc Lâm phía sau đền, đều do các nghệ nhân phường Đúc - Huế cẩn tác.

Vượt qua hết 246 bậc tam cấp, chúng tôi đến đỉnh núi Ngũ Phong, nơi có lầu bát giác, tháp chuông ở độ cao 108m. Chuông Hòa Bình cũng rất ấn tượng, nặng tới 1,6 tấn, có khắc trên thân 8 chữ “Thế giới - Hòa bình - Nhân loại - Hạnh phúc” và hình ảnh tượng trưng cho 4 ngôi chùa danh tiếng: Giác Lâm (TPHCM), Thiên Mụ (Huế), Diên Hựu (Hà Nội) và Trúc Lâm Yên Tử (Quảng Ninh). Tiếp bước những du khách khác, chúng tôi bước lên tháp thỉnh chuông, cầu chúc an lành cho gia đình và mọi người dân nước Việt, hậu duệ của Thần Mẫu đáng kính Huyền Trân.

Các tin khác