Tăng trách nhiệm người sử dụng vốn vay

(ĐTTCO) - PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá (Bộ Tài chính): Kiểm soát DNNN đi vay

(ĐTTCO) - PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá (Bộ Tài chính):

Kiểm soát DNNN đi vay

Dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) ra đời trong bối cảnh Luật Quản lý nợ công 2009 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần sửa đổi. Các lĩnh vực bất cập của luật cần sửa đổi như phạm vi nợ công, trong đó băn khoăn về việc có tính các khoản nợ phát sinh từ điều hành ngân sách, nợ của DNNN, nợ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vào nợ công hay không?

Hiện dư nợ bảo lãnh chính phủ đang ở mức 10,2% GDP, trong đó phần lớn là những khoản bảo lãnh dành cho DN (chủ yếu là DNNN). Bộ Tài chính đặt ra mục tiêu từ nay tới cuối năm 2020 sẽ duy trì dư nợ bảo lãnh không quá 10%, với mục tiêu con số này phải hạ xuống mức thấp nhất.

Tiền Chính phủ trả nợ chính là tiền thuế của dân, số tiền ấy thay vì phải trả nợ chúng ta đầu tư xây dựng trường học, bệnh viện, làm đường giao thông. Quy định phạm vi nợ công trong Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) tác động rất lớn đến nền kinh tế, vì thế cần thận trọng trước khi thông qua.

Vì thế vấn đề có mở rộng phạm vi nợ công, chuyển nợ DNNN vào nợ công cần phải nghiên cứu kỹ. Hiện nay đang có 2 quan điểm: Thứ nhất, Nhà nước sẽ bảo lãnh cho các khoản vay DNNN (có nghĩa các khoản vay DNNN sẽ chuyển vào nợ công). Thứ hai, DNNN tự vay, tự trả. Cả 2 quan điểm đưa ra về vấn đề chuyển nợ DNNN vào nợ công đều có lý lẽ riêng.

Cụ thể trong trường hợp không đưa nợ DNNN vào nợ công, đồng nghĩa Nhà nước không bảo lãnh khoản vay, khi đó DNNN khó có thể tự đi vay nước ngoài. Mặt khác kể cả khi vay được nhưng nếu DNNN đầu tư thua lỗ không trả được nợ, không chỉ uy tín DN bị ảnh hưởng mà sẽ làm giảm tín nhiệm quốc gia.

Tuy vậy, trường hợp bổ sung vào phạm vi nợ công các khoản nợ tự vay tự trả của DNNN, khi đó nếu DN không có khả năng trả nợ, Nhà nước phải có trách nhiệm trả nợ thay, tức sẽ gia tăng nợ công quốc gia.

Theo tôi, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là giải quyết và kiểm soát việc DNNN đi vay. Theo đó cần phải phân tích rõ kế hoạch tài chính công với đầu tư công cũng như cân đối thu chi ngân sách với khoản vay. Hiện nay vấn đề vay nợ nước ngoài đang mạnh ai người ấy vay, nhiều cửa đi vay, nhiều đơn vị phê duyệt và bảo lãnh.

Cụ thể, trong khi Bộ Tài chính quản lý vay nợ nước ngoài, còn vay ODA và vay ưu đãi khác là Bộ Kế hoạch - Đầu tư quản lý. Cần quy về một mối, một cơ quan phê duyệt để từ đó quy trách nhiệm đơn vị, cá nhân trong quản lý, phê duyệt các khoản vay.

Thực tế nhiệm vụ DNNN đang “2 trong 1”, vừa làm nhiệm vụ chính trị vừa kinh doanh. Chính điều này dẫn đến có nhiều chính sách ưu đãi dành riêng cho DNNN. Và khi chính sách ưu đãi càng nhiều DNNN càng dựa dẫm, ỷ lại, từ đó thụt lùi trên nhiều lĩnh vực. Điều này được thể hiện rõ ở nhiều lĩnh vực, không những thua DN nước ngoài đầu tư tại Việt Nam (FDI) mà thua cả DN tư nhân trong nước.

Điển hình như ngành thép, trong khi Công ty Gang Thép Thái Nguyên được ưu đãi của Chính phủ bảo lãnh khoản vay đầu tư dự án nhà máy thép giai đoạn 2. Tuy nhiên, sau gần 10 năm vốn đầu tư đội lên gấp đôi nhưng đến nay phần đất thực hiện dự án vẫn chỉ là cỏ dại và những khối sắt hoen gỉ. Trong khi đó có những DN tư nhân không nhận được sự ưu ái ấy lại đang phát triển rất tốt. Điều đó cho thấy quản lý và sử dụng vốn nhà nước tại nhiều DN lỏng lẻo, dễ bị lợi dụng và nhiều trường hợp đều có mẫu số chung là: lỗ lớn, lỗ triền miên.

TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia tài chính:

Tự vay phải tự trả

 Chính phủ không gánh nợ thay cho DNNN lẽ ra là điều phải làm từ lâu. Tuy nhiên, cần phải tách bạch 2 vấn đề. Thứ nhất, những khoản vay Chính phủ bảo lãnh chắc chắn Chính phủ phải trả thay nếu DN không trả được. Còn với những khoản nợ DN tự đi vay, DN phải tự trả và cần phải nêu rõ trong luật.

Theo đó, trong Luật Quản lý nợ công mới này cần làm rõ một khi cho DNNN phá sản phải kèm theo người chịu trách nhiệm và chịu trách nhiệm đến đâu, chịu như thế nào. Không có chuyện Chính phủ trao trách nhiệm quản lý tài sản vào tay cá nhân, đến khi DN làm ăn thua lỗ, thất thoát tài sản của Nhà nước lại không ai chịu trách nhiệm.

 

Ngay trong xử lý nợ DNNN cũng cần phân loại nợ ra và có chính sách cụ thể như nợ có khả năng trả, nợ nguy cơ cao và nợ chắc chắn không trả được. Tùy theo khả năng phục hồi kinh doanh của DN, Nhà nước có lộ trình để DN trả nợ cũng như quy trách nhiệm làm ăn thua lỗ cho cá nhân đứng đầu DN. Lãnh đạo của DNNN là những người được giao quyền quản lý tài sản, kinh doanh, đó là tiền của Nhân dân.

Tiền của dân mà sử dụng không hiệu quả phải truy cứu ai làm việc này, không thể bắt người dân phải gánh nợ thêm lần nữa. Chúng ta phải thật sự mạnh tay, thậm chí phải tịch biên tài sản của họ, bắt buộc tìm cách khắc phục hậu quả, chứ không thể để xảy ra tình trạng phá sản một cách “vui vẻ” như thời gian qua.

Thực tế thời gian qua, với tư cách là chủ sở hữu phần vốn và tài sản của DNNN, nên Nhà nước phải có trách nhiệm với khoản nợ của DNNN. Điều này cho thấy vai trò của chủ sở hữu, tức Nhà nước, trong hoạt động quản lý DNNN hiện nay chưa rõ ràng, kể cả quyền hạn và trách nhiệm.

Một mặt là có sự can thiệp quá sâu của cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là bộ chủ quản đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, bổ nhiệm nhân sự... của DNNN nên đương nhiên phải chịu trách nhiệm. Để Nhà nước không đứng ra gánh nợ thay cho DN, hay nói cách khác là nợ của DNNN không tính vào nợ công, điều quan trọng nhất là gắn quản lý nợ công với cải cách quản lý DNNN, đặc biệt là làm rõ quyền hạn và trách nhiệm của người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN, trong đó có vấn đề về nợ.

Nếu DNNN không trả được nợ, ai sẽ đứng ra trả? Cơ chế phải rõ ràng và quy trách nhiệm cho cá nhân là ông, bà chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc điều hành DN gây ra thua lỗ phải chịu trách nhiệm trả nợ, không thể nêu chung chung là DNNN sẽ trả. Tóm lại là phải quy trách nhiệm cá nhân. Nếu không quy trách nhiệm cho cá nhân đứng ra trả nợ, Nhà nước vẫn phải đứng ra gánh vì những người đại diện phần vốn của Nhà nước tại DNNN là công chức nhà nước.

Các tin khác