Kinh tế tài chính thế giới 2017

Nhiều biến số khó đoán định

(ĐTTCO) - Năm 2017, triển vọng giá dầu dự báo có thể chạm vùng 70-80USD/thùng sau sự kiện cắt giảm sản lượng nguồn cung  vào cuối năm 2016, sẽ tạo ra áp lực lạm phát cao. Đồng thời, đồng USD có thể mất giá trong năm 2017 và làm lung lay vị thế đồng tiền dự trữ quốc tế trong vài năm tới.

(ĐTTCO) - Năm 2017, triển vọng giá dầu dự báo có thể chạm vùng 70-80USD/thùng sau sự kiện cắt giảm sản lượng nguồn cung  vào cuối năm 2016, sẽ tạo ra áp lực lạm phát cao. Đồng thời, đồng USD có thể mất giá trong năm 2017 và làm lung lay vị thế đồng tiền dự trữ quốc tế trong vài năm tới.

Giá dầu sẽ gây lạm phát

Việc ECB hạ quy mô gói QE cũng được cho là chuẩn bị cho kịch bản lạm phát tăng trở lại. Và FED tuyên bố sẽ kích hoạt 3 lần tăng lãi suất trong 2017 cũng nhằm ngăn chặn lạm phát bị mất kiểm soát. Bên cạnh đó, đồng USD về dài hạn có thể mất giá trở lại, nhưng trong năm 2017 mức độ vẫn chưa phải quá lớn. Một kịch bản thông thường khi thiết lập đỉnh là độ biến động tăng mạnh và đồng USD có thể biến động mạnh trong năm 2017.

Giá dầu thế giới đã chạm đáy ở mức 26USD/thùng vào tháng 2-2016 và chạm đỉnh 52USD/thùng tại thời điểm cuối năm 2016. Năm 2016, thế giới chứng kiến sự trở lại mạnh mẽ của nước Nga trong hình ảnh một siêu cường. Nga xuất hiện ở mọi điểm nóng của kinh tế thế giới, liên tục gây sức ép cho khối Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), thông qua Iran để lần đầu tiên cắt giảm sản lượng dầu trong cuộc họp tháng 9 và tháng 11-2016, bất chấp nhiều bất đồng giữa các quốc gia trong khối.

Nước Nga cũng được cho đã can thiệp vào 2 sự kiện chính trị nổi bật nhất của năm 2016 là trưng cầu dân ý ở Anh về việc rút khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) và bầu cử Tổng thống của Hoa Kỳ, bằng việc cho hacker can thiệp vào kết quả.

Trong bối cảnh này, Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) buộc phải ưu tiên mục tiêu ổn định kinh tế toàn cầu bằng việc hoãn tăng lãi suất, chỉ tăng 1 lần duy nhất vào tháng 12-2016. Động thái này đã giúp đồng USD giảm giá trong nửa đầu năm 2016, yếu tố hỗ trợ cho giá dầu và vàng đi lên. Thực tế giá vàng đã tạo đáy tại mức 1.045USD/ounce vào tháng 12-2015, nhưng do sự yếu đi của đồng USD đã giúp giá vàng tạo đỉnh cao nhất 1.376USD/ounce vào tháng 7-2016.

Nhưng tại thời điểm cuối năm 2016, giá vàng chỉ còn 1.160USD/ounce do sự mạnh lên của USD trong nửa cuối năm và chỉ tăng 11% so với thời điểm cuối năm 2015. Tuy nhiên, thực tế giá vàng đã tăng cao hơn khi chuyển đổi sang các đồng tiền khác NDT, EUR… Do đó, khi giá vàng được tính theo các đồng tiền này sẽ có mức tăng giá cao hơn nhiều. Và hiệu ứng của giá vàng tăng đã tạo ra kỳ vọng lạm phát.

Dự báo giá dầu sẽ tăng trong năm 2017, kéo theo kỳ vọng lạm phát tăng.

Dự báo giá dầu sẽ tăng trong năm 2017, kéo theo kỳ vọng lạm phát tăng.

Bên cạnh đó, sự kiện Donald Trump đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ vào tháng 11-2016 và sự tăng giá mạnh hơn của dầu trong năm 2017, cũng tạo ra kỳ vọng lạm phát cao hơn cho năm tới. Ông Trump giới thiệu gói chi tiêu công mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng trị giá 500-700 tỷ USD, được cho sẽ làm tăng kỳ vọng lạm phát cho năm 2017. Kỳ vọng lạm phát còn được đo lường bằng chênh lệch giữa trái phiếu bảo vệ lạm phát (TIPS) và trái phiếu của Bộ Tài chính cùng kỳ hạn, thực ra đã tăng mạnh vào nửa sau năm 2016 sau khi chứng kiến đà tăng của giá dầu ở nửa đầu năm.

Các ngân hàng trung ương đã có phản ứng với kỳ vọng này. Tháng 9-2016, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã công bố công cụ chính sách tiền tệ mới “Kiểm soát đường cong lãi suất” với cam kết giữ cho lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm ở mức quanh 0%. Công cụ chính sách tiền tệ mới này được cho là chuẩn bị cho sự tăng mạnh của lạm phát, bởi lúc này BOJ không cần phải tiếp tục bơm thêm tiền qua các gói QE.

Họ sẵn sàng thắt chặt tiền tệ khi lạm phát bị rơi vào tình huống mất kiểm soát. Tương tự, đầu tháng 12-2016, Ngân hàng châu Âu (ECB) đã kéo dài chương trình QE đến cuối năm 2017, nhưng lại giảm sức mua trái phiếu từ 80 triệu EUR xuống còn 60 triệu EUR/tháng, bắt đầu từ tháng 4-2017. Điều này làm giảm tổng lượng mua trái phiếu từ mức dự kiến ban đầu 960 tỷ EUR xuống còn 780 tỷ EUR cho năm 2017.

USD sẽ mất giá?

Việc FED công bố 3 lần tăng lãi suất trong năm 2017 càng khiến các nhà đầu tư kỳ vọng đồng USD sẽ tăng giá mạnh hơn trong năm 2017. Tuy nhiên, có 3 lý do để đồng USD có thể mất giá trong năm 2017 và làm lung lay vị thế đồng tiền dự trữ quốc tế trong vài năm tới.

Thứ nhất, việc tăng lãi suất của FED không đồng nghĩa với sự tăng giá của đồng USD. Thực tế, Hoa Kỳ không phải là quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất từ lạm phát mà là ở các khu vực mới nổi, Trung Quốc và kể cả châu Âu. Nếu lạm phát ở các khu vực này tăng mạnh sẽ buộc các quốc gia này phải tăng lãi suất mạnh và nhanh hơn so với FED, đồng USD sẽ mất giá. Hiện tượng này không phải là hiếm khi nhìn vào lịch sử.

Giai đoạn 1978-1980 chúng ta chứng kiến lạm phát chạm 13,5% vào năm 1980, lãi suất USD tăng đến 20%/năm và giá vàng tăng đạt đỉnh 800USD/ounce. Giai đoạn 2005-2007, khi lạm phát, lãi suất và giá vàng cùng tăng mạnh nhưng đồng USD cũng mất giá mạnh trên thị trường quốc tế. Điều này còn do đồng USD chịu một ảnh hưởng khác là thực trạng nền kinh tế Hoa Kỳ bị thâm hụt ngân sách và rủi ro nợ công. 

Thứ hai, các ngân hàng trung ương đang chuẩn bị hành động mạnh tay nếu đồng USD còn tăng giá trong năm 2017. Theo đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tuyên bố sẽ can thiệp mạnh để ngăn chặn đà mất giá của đồng NDT, nếu tỷ giá về mức nhạy cảm 7NDT đổi 1USD. Tương tự, khả năng tỷ lệ 1EUR đổi 1USD cũng sẽ khiến ECB phải can thiệp mạnh để tránh nguy cơ tan vỡ của Eurozone sau Brexit.

Ngân hàng Anh Quốc cũng không muốn nhìn thấy tỷ giá GBP/USD dưới con số 1/2. Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ cũng sẽ có những hành động ngăn chặn đà giảm của đồng franc Thụy Sĩ. Và khi các ngân hàng trên thế giới đồng loạt hành động để ngăn chặn đà mất giá của nội tệ, đồng USD sẽ chịu áp lực giảm giá trở lại.

Thứ ba, những tuyên bố của Donald Trump đang gây sốc nhiều nhà kinh tế. Trump dự định sẽ cắt giảm thuế mạnh tay với giới nhà giàu và chi tiêu công mạnh hơn. Theo ước tính, kế hoạch chi tiêu và cắt giảm thuế của ông Trump sẽ khiến Hoa Kỳ tăng mức nợ công thêm 7.200 tỷ USD trong 10 năm tới (hiện tại là gần 19.000 tỷ USD).

Thậm chí, ông Trump nói cần thâm hụt ngân sách thêm 20.000 tỷ USD trong 20 năm tới để tạo nên một Hoa Kỳ vĩ đại. Chưa kể, Trump còn yêu cầu đàm phán lại nợ với các quốc gia chủ nợ. Do đó, chính sách kinh tế của Donald Trump một mặt vừa tạo ra kỳ vọng lạm phát, mặt khác đang tạo ra rủi ro lớn cho nền kinh tế Hoa Kỳ với khả năng thâm hụt ngân sách lớn hơn và vỡ nợ công.

Những tác động này có thể khiến đồng USD một lần nữa bị áp lực mất giá như đã từng diễn ra trong giai đoạn 2005-2007. Tuy nhiên, năm 2017 lạm phát mới ở giai đoạn đầu và các vấn đề chưa trở nên quá trầm trọng. Ở giai đoạn đầu của lạm phát, chúng ta thường chứng kiến cả lạm phát, lãi suất, giá vàng, giá hàng hóa, giá chứng khoán đều tăng. Thị trường chứng khoán năm 2017 có thể sẽ vẫn lạc quan nhưng độ biến động sẽ rất mạnh. Các đợt tăng giảm mạnh xen kẽ trên 2 con số như đã từng diễn ra vào năm 2007 là điều có  thể tái diễn.

Các tin khác