Ngành cao su vượt qua sóng gió

(ĐTTCO) -  Năm 2016, ngành cao su đã chứng kiến mức giá xuống tới đáy so với mức đỉnh cách đây vài năm, là năm khó khăn nhất của ngành. Chủ động ứng phó với diễn biến bất lợi của thị trường theo hướng tăng năng suất, giảm chi phí, đảm bảo đời sống người lao động là những giải pháp chính yếu đã giúp Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) vượt qua 1 năm sóng gió của thị trường.

(ĐTTCO) -  Năm 2016, ngành cao su đã chứng kiến mức giá xuống tới đáy so với mức đỉnh cách đây vài năm, là năm khó khăn nhất của ngành. Chủ động ứng phó với diễn biến bất lợi của thị trường theo hướng tăng năng suất, giảm chi phí, đảm bảo đời sống người lao động là những giải pháp chính yếu đã giúp Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) vượt qua 1 năm sóng gió của thị trường.

Chủ động ứng phó

Việc cây cao su bắt đầu đưa vào khai thác không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo… mà còn đặc biệt có ý nghĩa với việc củng cố an ninh quốc phòng ở vùng phên dậu của Tổ quốc.

Ông Trương Vĩnh Trọng, Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ

Ngay từ đầu năm, lãnh đạo VRG đã đưa ra 2 kịch bản của thị trường và chọn kịch bản xấu nhất với mức giá đáy thấp nhất. Để chủ động với kịch bản này, ngay từ đầu năm các công ty của VRG đã tập trung vào việc cơ cấu lại sản xuất, dừng đầu tư các dự án cơ sở vật chất chưa cần thiết, tập trung chăm lo cho vườn cây, giảm chi phí sản xuất ở mức hợp lý với giá thành bình quân 25 triệu đồng/tấn, quản lý tốt diện tích vườn cây hiện có.

Thực tế thị trường cao su giữa năm 2016 đã diễn biến đúng như dự báo với mức đáy được lập ở mức 26 triệu đồng/tấn. Nhờ chuẩn bị từ trước, VRG vẫn đảm bảo mỗi tấn cao su cho lãi 1 triệu đồng, nhờ đó giữ được thu nhập của 87.000 lao động với mức bình quân 5 triệu đồng/tháng/người.

Các phong trào thi đua tăng năng suất cạo mủ, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật vẫn được phát động và được CBCNV toàn ngành hưởng ứng, với các giải thưởng Cao su Việt Nam được trao cho 4 tập thể và 2 cá nhân vào dịp kỷ niệm ngày truyền thống của ngành 28-10.

Các tập thể được vinh danh gồm Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam, do ông Đỗ Kim Thành, Phó Viện trưởng, làm chủ nhiệm biên soạn và chủ trì nghiên cứu 7 đề tài khoa học, kỹ thuật nông nghiệp; Công ty TNHH MTV Cao su  Phú Riềng do ông Lê Thanh Tú, Tổng giám đốc, chủ trì nghiên cứu 4 đề tài khoa học kỹ thuật và quản lý, làm lợi và tiết kiệm cho doanh nghiệp trên 7,3 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh, do ông Nguyễn Đức Tín, Tổng giám đốc, chủ trì nghiên cứu 4 đề tài khoa học công nghệ, làm lợi gần 15 tỷ đồng; và Công ty TNHH MTV Cao su Chư Pãh, do ông Lê Đức Tánh, Tổng giám đốc, chủ trì nghiên cứu 3 đề tài khoa học kỹ thuật,  làm lợi được hơn 800 triệu đồng. 2 giải thưởng cá nhân được trao cho ông Phan Thành Dũng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Cao su Việt Nam; và ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Nông trường Cao su Bến Củi, CTCP Cao su Tây Ninh, với nhiều đề tài nghiên cứu ứng dụng có giá trị cho ngành.

Mới đây nhất, cuộc thi Bàn tay vàng khai thác mủ ngành cao su lần thứ X được tổ chức vào ngày 7-12-2016 tại lô 1, 2, 3 nông trường Minh Hưng (Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long) thu hút 210 thí sinh thuộc 39 đoàn tham gia (có các đoàn từ các công ty của VRG tại Lào và Campuchia), với tổng giá trị giải thưởng lên đến 1,24 tỷ đồng.

Hội thi năm 2016 chứng kiến 23 thí sinh đạt điểm tuyệt đối 100 điểm, nhiều nhất từ trước đến nay; trong đó 2 đơn vị là Công ty Cao su Phú Riềng có 5/5 thí sinh và Binh đoàn 15 có 4/5 thí sinh đạt điểm tuyệt đối.  

Dẫn đầu trong phong trào thi đua lao động sản xuất năm 2016 vẫn là các công ty khu vực Đông Nam bộ với bề dày truyền thống, có kinh nghiệm quản lý, có tích lũy, cao su lại trồng trên đất phù hợp nên trong chủ trương điều chỉnh của tập đoàn hoàn toàn thích nghi được - chú trọng thâm canh đẩy được năng suất lên hơn 2 tấn/ha, đảm bảo có lãi, chăm lo tốt đời sống người lao động.

Tất cả 8 công ty cao su thuộc khu vực Đông Nam bộ với diện tích chiếm hơn 50% tổng diện tích cao su toàn ngành làm ăn đều có hiệu quả, trong đó dẫn đầu là các công ty Phú Riềng, Đồng Phú, Bình Long với mức thu nhập bình quân hơn 6 triệu đồng/người/tháng, cao hơn mức thu nhập bình quân chung của cả Tập đoàn. Ngoài ra, có thể kể thêm một số đơn vị đã hoàn thành xuất sắc kế hoạch như  Công ty Cao su Bà Rịa, Hòa Bình, Kon Tum,  Ea Hleo, Krông Buk, Sa Thầy, Việt - Lào…

Sản phẩm cao su được chế biến đa dạng hơn theo nhu cầu thị trường.

Sản phẩm cao su được chế biến đa dạng hơn theo nhu cầu thị trường.

Cây trồng đa mục tiêu

Trong những tháng cuối năm 2016, cùng với sự nhích lên của giá cao su trên thị trường thế giới, VRG cũng đón nhận tin vui với sự kiện “mở miệng khai thác mủ cao su” được tổ chức vào ngày 17-10 tại vườn cây nông trường Lùng Thàng, CTCP Cao su Lai Châu trước sự chứng kiến của nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng và đồng chí Nguyễn Văn Bình (UVBCT, Trưởng ban Kinh tế Trung ương).

Sau hơn 9 năm, dự án phát triển cao su ở các tỉnh phía Bắc đã trồng được 28.622ha, tổng vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng trên địa bàn 6 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Yên Bái, Sơn La, Lào Cai và đang thuộc 9 công ty của VRG quản lý, đến nay đã có 4 công ty đưa vào khai thác gồm CTCP Cao su Sơn La (150ha), CTCP Cao su Lai Châu (71ha), CTCP Cao su Điện Biên (42,5ha) và Hà Giang (1ha). Năng suất vườn cây bình quân ban đầu đạt 0,6 tấn mủ khô/ha và  sẽ tiếp tục tăng trong các năm tới, đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật và được lãnh đạo tập đoàn đánh giá “so với các cây trồng khác bước đầu vẫn có hiệu quả dù giá mủ đang xuống thấp”.

Nói về những nhiệm vụ của ngành trong thời gian tới, Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Trần Ngọc Thuận cho biết: “Theo Quyết định 750/TTg/2010 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch cao su cả nước, diện tích cao su cả nước 800.000ha là phù hợp, chúng tôi chủ trương đa dạng hóa cây trồng trên đất cao su, liên kết sản xuất theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao, thí điểm ở Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, cổ phần hóa tại các dự án ở Campuchia và sau đó sẽ trình đề án lên Chính phủ có các chính sách hỗ trợ phù hợp vì cao su là cây đa mục đích, ngoài ý nghĩa kinh tế - giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân còn có ý nghĩa về môi trường môi sinh, an ninh quốc phòng và cả ngoại giao, nhất là ở các vùng có vị trí chiến lược như biên giới phía Bắc, Tây Nam, Tây nguyên”.

Trong tình hình thị trường giá cao su xuống thấp kéo dài, rất cần có chính sách phù hợp, nhất là về tài chính, cho một loại cây đa mục tiêu như cao su và nên được hưởng chính sách như trồng rừng với thời hạn cho vay dài hơn và lãi suất thấp cho các dự án trồng mới. Và cùng với đó là các dự án phát triển cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm trên đất có diện tích cao su tập trung và cao su tiểu điền để góp phần thay đổi bộ mặt đời sống kinh tế - xã hội ở khu dân cư  vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc như Tây nguyên, Tây Bắc, Campuchia, Lào.

Đề cập đến vấn đề đa dạng hóa sản phẩm, lãnh đạo tập đoàn cho biết hiện sản phẩm của VRG có 3 dạng: Cao su sơ chế, sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo nhu cầu của thị trường; thứ hai là tiếp tục đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm công nghiệp cao su chuyên sâu găng tay, nệm mút, chỉ sợi may mặc, băng tải, dây cu-roa…, nghiên cứu hợp tác với các tập đoàn lớn để sản xuất vỏ, ruột xe; thứ ba là đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm từ gỗ cao su, đặc biệt là gỗ cao su tinh chế, ván MDF từ cây cao su thanh lý.

Các tin khác