Nâng cao kỷ luật, kỷ cương tài chính

(ĐTTCO)- Có lẽ một trong những sự kiện được ông Đinh Tiến Dũng (ảnh), Bộ trưởng Bộ Tài chính nhớ nhất là ngày 28-7-2016, khi ông được Quốc hội tín nhiệm phê chuẩn vị trí Bộ trưởng với số phiếu tín nhiệm đạt tỷ lệ 94,74% - đứng thứ 4 trong số 21 bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Tỷ lệ tín nhiệm cao của Quốc hội với người đứng đầu ngành tài chính là một trong những ghi nhận hiệu quả của ông trong việc điều hành chính sách tài chính thời gian qua và kỳ vọng thời gian tới.

(ĐTTCO)- Có lẽ một trong những sự kiện được ông Đinh Tiến Dũng (ảnh), Bộ trưởng Bộ Tài chính nhớ nhất là ngày 28-7-2016, khi ông được Quốc hội tín nhiệm phê chuẩn vị trí Bộ trưởng với số phiếu tín nhiệm đạt tỷ lệ 94,74% - đứng thứ 4 trong số 21 bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Tỷ lệ tín nhiệm cao của Quốc hội với người đứng đầu ngành tài chính là một trong những ghi nhận hiệu quả của ông trong việc điều hành chính sách tài chính thời gian qua và kỳ vọng thời gian tới.

Ngân sách hụt hơi vì mục tiêu GDP

Năm 2016, mục tiêu tăng trưởng GDP được Quốc hội đặt ra 6,7%. Các cân đối lớn của nền kinh tế, thu - chi ngân sách nhà nước (NSNN) dựa trên kịch bản tăng trưởng này. Tuy nhiên, như đánh giá của Chính phủ trước Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2016, nếu không quyết liệt ngay cả tăng trưởng GDP 6,3-6,5% muốn đạt được cũng khó khăn.

Năm 2011, Nghị quyết Đại hội Đảng XI đề ra yêu cầu về tăng trưởng kinh tế 7-7,5%, sau đó có sự điều chỉnh ở mức 6,5-7%. Thế nhưng 5 năm qua, bình quân tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ ở khoảng 5,9%.

Theo ông Đinh Tiến Dũng, nếu chi tiêu NS dựa trên tăng trưởng 5,9% khó có chuyện nợ công tăng nhanh, nhưng tất cả kịch bản chi vẫn dựa trên tăng trưởng GDP 6,5-7%. Dù điều đạt được là giữ ổn định xã hội, bộ mặt nông thôn cải thiện, nhưng điều này cũng là nguyên nhân quan trọng khiến nợ công tăng nhanh, đặc biệt trong bối cảnh năm 2016 chỉ có 13 địa phương điều tiết NS về Trung ương, trong khi 50 địa phương còn lại phải nhận trợ cấp. Chính điều này góp phần làm ngân sách hụt hơi trong việc thực hiện các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội về đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, nông thôn...

Đồng thời khiến việc đầu tư dựa vào vay trong nước và nước ngoài tăng nhanh: trên 18%/năm, gấp hơn 3 lần tăng trưởng kinh tế. “Tốc độ tăng của vay nợ như vậy làm sao nợ công chẳng tăng nhanh được. Chưa kể, trong giai đoạn 2011-2013, NS vay chỉ 1-3 năm nhưng lãi suất đến 11-13%/năm và dồn toa trả nợ vào giai đoạn 2015-2017” - ông Dũng chia sẻ.

Giai đoạn 2017-2020, nhu cầu vốn vay rất lớn nhưng sẽ rất khó khăn trong việc huy động; áp lực kéo tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi của Chính phủ (bao gồm cả đảo nợ và cho vay lại) trên tổng thu NSNN xuống dưới mức 25%; nợ công phải giữ ở mức an toàn và tỷ lệ phải giảm dần; bội chi giảm trong giai đoạn tới.

Ông Đinh Tiến Dũng

Năm 2016 có 2 chỉ tiêu rất quan trọng ảnh hưởng đến cân đối lớn của nền kinh tế là tăng trưởng GDP và xuất nhập khẩu, quyết định đến kế hoạch thu NSNN. Theo kế hoạch, tăng trưởng GDP năm 2016 là 6,7%, tương đương với giá trị GDP tuyệt đối 5,1 triệu tỷ đồng. Đi cùng với đó, các chỉ tiêu vĩ mô cũng tính toán trên con số này, như bội chi 254.000 tỷ đồng, bằng 4,95%.

Nếu tăng trưởng GDP đạt 6,5%, giá trị tuyệt đối sẽ giảm xuống còn 4,6 triệu tỷ đồng và ngay lập tức đẩy tỷ lệ bội chi có thể lên 5,5-5,6% GDP, tác động đến trần nợ công 65%. Bởi lẽ chi được xây dựng và thực hiện trên kịch bản của tăng trưởng GDP 6,7%. Tuy nhiên, chỉ tiêu này chỉ đạt 6,21% đã ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia và khả năng huy động vốn.

Theo Luật NSNN năm 2002, hàng năm NS đều bố trí khoảng 100.000-150.000 tỷ đồng để trả nợ, nhưng bội chi luôn cao hơn số đó, như năm 2016 là 254.000 tỷ đồng (bố trí trả nợ khoảng 150.000 tỷ đồng). Xét về bản chất, ngay trong cơ cấu chi đã có vay để đảo nợ, bởi bội chi cộng với số thu để ra tổng số chi, trong chi có bố trí chi để trả nợ.

Dù cách đó thực hiện theo thông lệ quốc tế, nhưng khi còn bội chi cũng đồng nghĩa chưa trả được nợ. Xét về địa phương, có những nơi bội chi, có nơi bội thu và một trong những nguyên tắc bội thu phải ưu tiên trả nợ, trong khi lâu nay bội thu là “chi đầu tư hết không trả nợ nên nợ vẫn còn nằm đó”, điều này càng khiến nợ công tăng nhanh.

Gác cửa thu-chi NSNN

Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm (2016-2020) được thông qua tại kỳ họp cuối năm 2016, Quốc hội đã quyết nghị nợ công hàng năm không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 54% GDP, nợ nước ngoài không quá 50% GDP. Trong khi năm 2016, dư nợ công 64,98% GDP, sát ngưỡng 65% GDP; dư nợ Chính phủ 53,2% GDP.

Ông Đinh Tiến Dũng kể: “Khi bàn về dư nợ công giai đoạn tới, Trung ương và Chính phủ cũng có ý kiến cần phải nâng trần nợ công, nhưng quan điểm của tôi từ đầu là nhất quán giữ trần vì điều này rất quan trọng. Việc nới trần chỉ nên thực hiện khi chúng ta có những chỉ tiêu tài chính tốt và vốn vay phải sử dụng hợp lý, hiệu quả”.

Lý giải cho quan điểm này, ông Dũng cho rằng không nâng trần nợ công vì thời hạn vay ngắn, còn lãi suất tuy so với giai đoạn 2011-2013 đã hạ còn 1/2, nhưng so với mặt bằng còn cao 6-7%. Điều quan trọng hơn cả là nghĩa vụ trả nợ đang rất cao, nếu tính đúng, đủ lên tới 27,4%.

“Từ khi tôi về làm Bộ trưởng Bộ Tài chính năm 2013 đều báo cáo về nợ công một cách công khai. Thực chất vừa rồi muốn vay nữa cũng không được, chưa nói hiệu quả vốn vay chưa cao. Việc kiến nghị nâng trần nợ Chính phủ, điều quan trọng là tổng nợ công không đổi là 65% (gồm nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương), trong khi thắt chặt nợ bảo lãnh Chính phủ, nợ Chính phủ sẽ phình lên” - ông Dũng chia sẻ.

Là người “gác cửa” trong chi tiêu NSNN, muốn hạn chế bội chi, nợ công tăng nhanh, theo ông Dũng cần phải đề cao kỷ luật, kỷ cương tài chính. Đây là điều phải làm quyết liệt vì thu NS đã khó trong khi nhiệm vụ chi lại không hề giảm. Vì thế, chủ trương chung là siết chặt 2 đầu thu - chi.

Đề cập đến giải pháp thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh giảm phụ thuộc vào dầu thô, xuất nhập khẩu, ông Dũng cho biết: “Những năm qua việc thu NS bị tác động không nhỏ do giá dầu giảm. Để thu sao cho hiệu quả, chúng tôi đứng giữa 2 luồng tư tưởng là cải cách, đơn giản hóa, đổi mới phương thức thu, tăng cường hậu kiểm. Cuối cùng mình chọn con đường đơn giản hóa, để doanh nghiệp tự tính, tự kê khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm và cơ quan quản lý hậu kiểm. Đó là tư duy mới, thay đổi không phải đơn giản”.

Còn về chi, năm 2017, theo người đứng đầu ngành tài chính, nguyên tắc lớn nhất là giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư; đồng thời tiếp tục siết chặt kỷ cương, tiết kiệm chi tiêu như năm 2016 đã thực hiện.

“Trong khi chưa sắp xếp được cán bộ, chưa giảm được biên chế, việc tiết kiệm chi tiêu nhằm ép giảm biên chế. Nhiều người phản ánh tôi nhiều, nhưng cũng phải nhìn lại bộ máy thế nào, lương thấp nhưng tại sao người cứ phình lên. Do vậy ngành tài chính phải đi đầu, dù tạo “tiếng ác” song không còn cách nào khác. Bởi siết chặt chi tiêu thường xuyên là vô cùng hệ trọng” - ông Dũng nhấn mạnh.

Thời kỳ ông Dũng làm Bộ trưởng Bộ Tài chính (từ năm 2013 đến nay), có lẽ đây là giai đoạn khó khăn nhất của NS, khi liên tục phải gồng gánh, cân đối thu - chi trong bối cảnh giá dầu liên tục giảm, thu xuất nhập khẩu giảm do hội nhập, chi vẫn liên tục tăng. Tuy nhiên, với sự quyết liệt trong điều hành cùng với quan điểm công khai, minh bạch mọi hoạt động, ngành tài chính cơ bản vẫn vượt qua được khó khăn, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Các tin khác