Mảnh đất tình người

(ĐTTCO) - Tôi chưa được đi nhiều nơi như nhà báo. Nhưng hầu như địa phương nào trên đất nước mình tôi cũng đã từng đặt chân. Mỗi vùng đất đều để lại trong tôi những cảm xúc khác lạ. Thật khó quên về những miền đất đẹp lạ lùng này.

(ĐTTCO) - Tôi chưa được đi nhiều nơi như nhà báo. Nhưng hầu như địa phương nào trên đất nước mình tôi cũng đã từng đặt chân. Mỗi vùng đất đều để lại trong tôi những cảm xúc khác lạ. Thật khó quên về những miền đất đẹp lạ lùng này.

Bạc Liêu và Cà Mau là 2 tỉnh nằm ở cực Nam đất nước. Lần đầu tiên trong đời tôi được biết mảnh đất quê hương của chàng Công tử Bạc Liêu với muôn vàn lời đồn về sự giàu có. Lời đồn đi khắp trong Nam ngoài Bắc, khiến người ta ao ước đến thăm một lần. Khi đặt chân tới đây, biết bao cảm xúc xô đẩy chen lấn nhau trong tôi. Lúc dồn nén như ép nước trái ngọt, khi xới tung lên như lá mùa thu rơi.

Tôi đã cố gắng hít cái mùi sông nước, để tăng thêm vị mặn vào người. Người miền núi chúng tôi vốn thèm muối biển. Tôi cố mở to 2 mắt để nhìn, để tận hưởng gió đồng thổi đám lau xám rạp xuống trông như đàn ngựa chiến đang bay. Đi đến đâu tôi cũng thấy dừa nước, một loại cây mọc trong bùn, lớn lên trong nước, hiên ngang giữa trời xanh và như nhà thơ Trần Đăng Khoa từng ví von giống “chiếc lược chải vào mây xanh".

Đi tới đâu cũng thấy tôm cá bày ra đầy đường. Những vẩy bạc bắt nắng óng ánh chói chang. Đi tới đâu cũng thấy hoa quả mướt mát bán trong quầy, trên mẹt. Và những người đàn bà tóc vấn khăn rằn, miệng nhai trầu bỏm bẻm. Bình yên và no đủ.

Bạc Liêu là nơi sinh ra đờn ca tài tử ở Nam bộ, nay đã trở thành tài sản văn hóa độc đáo của dân tộc. Đây cũng là mảnh đất đã sản sinh, nuôi dưỡng những tâm hồn văn chương nghệ thuật. Nhắm mắt tôi vẫn hình dung những cánh chim bay trong chiều chạng vạng trong các bức ảnh nghệ thuật. Nằm xuống rồi tôi vẫn còn nghe tiếng đàn cò réo rắt trong bài ca Dạ cổ hoài lang "Đêm khuya nghe tiếng trống mà em nhớ chàng/Tiếng hát vuốt nỗi nhớ bời bời xuống dạ”.

Một góc ngôi nhà Công tử Bạc Liệu, một địa danh du lịch.

Một góc ngôi nhà Công tử Bạc Liệu, một địa danh du lịch.

Con người nơi đây hầu như ai cũng được ông trời ban cho vẻ đẹp thuần khiết, mộc mạc và chân thành, nhưng cũng rất khỏe mạnh cường tráng và đoan trang tinh khiết. Các thiếu nữ đi lại dịu dàng như nắng sớm, như trăng chiều, miệng cười như hoa mở cánh. Họ nói lời nhẹ như gió thoảng, như ong bay, như lá lúng liếng rơi. Tôi đắm đuối nhìn những tà áo mỏng nhẹ nép vào da thịt, nhuộm tím cả chiều hoang.

Còn các chàng trai to cao với hàng ria rậm rạp. Ánh mắt họ nhìn thẳng tắp đầy sự tự tin và thân thiện. Họ có thể ngồi nhậu với nhau không kể ngày đêm. Rượu Công xi, rượu Bạc Liêu công tử, hay bất cứ loại rượu ngon nào. Rượu là tình yêu, như một lời mời bạn hãy tới Bạc Liêu để thưởng thức rượu, cũng là để thưởng thức tình yêu.

Tôi ấn tượng mãi về các công trình kiến trúc đền đài hoài cổ của người Khmer Nam bộ. Những chi tiết chạm trổ cực kỳ tinh xảo, những hình tượng vũ công nhảy múa, vừa cụ thể vừa thâm u khêu gợi xa vời. Tôi đặc biệt thích thú cụm công trình khu nhà cổ của người Nam bộ - hình ảnh thu nhỏ nếp sinh hoạt của người dân Nam bộ xưa. Giữa ồn ào phố xá, đi đâu xa nay họ bồng bế trở về. Những áo nâu, tóc búi tó, chân đi guốc mộc. Họ đi ra đi vào trong khu nhà vườn lấp ló sống động. Thấp thoáng bóng giai nhân nhộn nhịp trong cây và trong hoa. Những người dân phú hào miệng tươi cười bưng lên món bánh xèo mời khách.

Lần đầu tiên tôi được thưởng thức món bánh xèo. Đây là thứ bánh ngon nổi tiếng người Nam bộ xưa sáng tạo. Món quà quê dân dã đã khiến tôi thích thú và kinh ngạc. Thích thú bởi màu bánh vàng rộm. Khi chiếc bánh làm xong, bày ra đĩa, trông nó như con cá chép mới chiên. Chiếc bánh tỏa ra màu khói trắng đục và mùi thơm hấp dẫn của nhân thịt xào với giá đỗ.

Kinh ngạc bởi khi đưa miếng bánh xèo vào khoang miệng, bỗng nghe trong lòng như có hơi đất thở, như có tiếng cá quẫy giữa lòng sông, như có tiếng chân người lách qua ánh sáng và như có tiếng hò sông nước mênh mang ngân vang. Tôi có cảm giác mình không chỉ được ăn bánh xèo, mà tôi đang trong vòng tay yêu thương của mẹ - người mẹ miền Nam quấn khăn rằn nhai trầu bỏm bẻm.

Những con người nơi đây, ai cũng chân thành hào phóng như cánh đồng thẳng cánh cò bay. Ai cũng giàu lòng nhân ái như phù sa sông Tiền sông Hậu. Khách một, chủ nhà mười. Cả mười người lần lượt cụng ly mời khách. Tiếng ly kêu như tiếng thiên thạch. Vũ trụ va nhau trong miên man cơn say. Và khi rượu nghiêng nghiêng đi vào, người như rừng cây khe khẽ lắc lư lắc lư, người như hoa trái đua nhau đỏ hồng vẻ mặt. Một thế giới thiên đường hiện lên trên đất.

Tôi được mời tới thăm gia đình nhà thơ trẻ Thạch Đờ Ni, được dự bữa cơm chiều ấm cúng với mắm bò hóc. Đây là món đặc sản của người Khmer làm bằng cá lóc tươi. Các công đoạn làm mắm cực kỳ công phu và phức tạp. Người ta phải phơi cá và ủ mắm đúng 12 tháng tròn năm mới đem ra dùng. Chỉ khi nào trong nhà có khách, họ mới chưng nó lên, ăn như ăn lẩu ở các nhà hàng. Rau tập tàng hái ở vườn nhà, cá đón từ dưới sông lên, gió mát từ trên trời cao rót xuống, và bữa cơm chiều chúng tôi ngồi cùng nhau, bát cơm như chan như gắp đầy ắp tiếng vui cười, sướng đến sáng bạch.

Cô chủ nhỏ mới lên 5 tuổi. Cô vừa hát vừa múa. Bài hát bằng tiếng Khmer. Người nghe tròn xoe 2 con mắt vì không hiểu được lời, nhưng lòng dập dìu theo sóng nhạc. Hình như bài hát nói về mùa trăng. Ánh trăng dát vàng lên cánh đồng, phủ khói lên dòng sông, rắc cườm lên mái tóc, sáng ngời lên khuôn mặt. Tay trăng rầm rì bò lên khuôn ngực. Trăng là của chung mọi người, sao cứ muốn lấy làm của riêng mình vậy. Thiếu nữ chéo xà rông mỉm cười, chắp 2 tay nhún mình chào khách. Còn khách thì ngơ ngác nhìn nhau. Lòng hỏi lòng có phải đây là xứ xở các nàng tiên đang đón khách?

Các tin khác