Gỡ vướng xử lý tài sản đảm bảo

(ĐTTCO) - Tài sản đảm bảo (TSĐB) là yếu tố quan trọng trong quan hệ tín dụng của ngân hàng (NH) với người vay. Tuy nhiên, pháp luật liên quan đến vấn đề này có nhiều điểm chưa phù hợp khiến việc vay vốn của DN lẫn xử lý TSĐB các khoản nợ xấu của NH đang gặp nhiều khó khăn.

(ĐTTCO) - Tài sản đảm bảo (TSĐB) là yếu tố quan trọng trong quan hệ tín dụng của ngân hàng (NH) với người vay. Tuy nhiên, pháp luật liên quan đến vấn đề này có nhiều điểm chưa phù hợp khiến việc vay vốn của DN lẫn xử lý TSĐB các khoản nợ xấu của NH đang gặp nhiều khó khăn.

Có tài sản nhưng không thể thế chấp 

Chúng ta cần đổi mới triệt để quy định cho vay đối với các DNNVV. Bởi chỉ có như vậy mới có thể khơi thông nguồn tín dụng cho DN, vốn đang rất cần hỗ trợ để vực dậy, vươn lên. Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng cho DN vay dựa trên tài sản lưu động như các khoản thu của DN, hàng tồn kho… Ở các nước phát triển, hình thức này chiếm tới 80%. Đây cũng là giải pháp có thể áp dụng hiệu quả tại Việt Nam.

TS. Cao Sỹ Kiêm, chuyên gia kinh tế

Mới đây, trên hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị DN của Chính phủ, CTCP Giấy Phước Thịnh cho biết có thuê lô đất tại Khu công nghiệp (KCN) Long Hậu (tỉnh Long An) với mục đích xây dựng nhà máy sản xuất thùng giấy carton. Công ty đã hoàn tất việc thanh toán 100% tiền thuê đất trong 50 năm cho CTCP Long Hậu từ năm 2013, nhưng Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Long An chỉ cấp giấy đỏ cho diện tích thuê theo từng năm.

Vì vậy, khi tiến hành đầu tư xây dựng và mua thiết bị, công ty đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc vay vốn NH, do không thể thế chấp giá trị lô đất. Việc không nhận thế chấp cũng xảy ra đối với phần công trình xây dựng trên mặt đất. Vì vậy công ty không có tiền để thanh toán chi phí xây dựng nhà xưởng, cũng như không thanh toán được số tiền còn lại của máy móc nhập khẩu.

Trước khó khăn đó, CTCP Giấy Phước Thịnh kiến nghị Chính phủ xem xét và tháo gỡ khó khăn, nếu không công ty có thể bị phá sản vì mất tiền đặt cọc mua máy từ nước ngoài và việc xây dựng xưởng không thể hoàn thành vì không đủ vốn.

 Liên quan đến vấn đề này, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành NH năm 2017 trên địa bàn TPHCM, ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB, cũng đã có kiến nghị cần phải tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để NH cho DN vay vốn sản xuất kinh doanh.

Theo ông Toàn, khách hàng của ACB vay vốn đầu tư nhà máy, nhà xưởng trong KCN trả tiền thuê đất một lần cho đơn vị phát triển KCN, tuy nhiên đơn vị này trả tiền thuê đất cho Nhà nước từng năm, chính vì vậy dẫn đến vướng mắc trong quá trình nhận thế chấp tài sản. Vướng mắc này dẫn đến tình trạng NH muốn cho DN vay để đầu tư, phát triển hạ tầng, nhà xưởng nhưng lại không nhận tài sản thế chấp được vì không đủ điều kiện, cần phải có sự chỉ đạo cấp bộ để giải quyết.

Tài sản nằm chết vì tiến độ xử lý rùa

Một khó khăn nữa liên quan đến TSĐB đang gây khó cho NHTM là tỷ lệ nợ xấu có TSĐB chiếm trên 90%, trong khi xử lý nợ xấu chưa đạt được hiệu quả vì các tổ chức tín dụng (TCTD) đang gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý, thu giữ TSĐB. Thế nhưng, việc thực thi các quy định pháp luật chưa đúng của các cơ quan liên quan thi hành pháp luật cũng gây khó khăn và ảnh hưởng lớn đến quá trình xử lý TSĐB.

Theo chủ tịch HĐTV của một NHTM, các chi nhánh của NH này tại TPHCM, trong năm 2016 đã bán nợ cho VAMC hơn 4.000 tỷ đồng và tự xử lý được 1.650 tỷ đồng. Tuy vậy, vẫn đang có khoảng 10 vụ án hình sự, 847 vụ án dân sự và tranh chấp dân sự, tổng dư nợ liên quan đến vấn đề này 15.000 tỷ đồng, chiếm 40% tổng nợ xấu nội ngoại bảng của NH tại khu vực TPHCM.

NH mong muốn đẩy nhanh tiến độ xử lý nhưng lại gặp vướng mắc rất lớn trong việc xử lý TSĐB và đã kiến nghị NHNN phối hợp với Bộ Tư pháp thúc đẩy quá trình thi hành án để tháo gỡ khó khăn.

Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó Tổng giám đốc VietinBank, chia sẻ năm 2017 một trong những nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống là vấn đề xử lý nợ xấu. Các TCTD cũng hiểu mình phải chịu trách nhiệm đầu tiên và cuối cùng đối với những khoản nợ xấu đã thẩm định, đã qua quản lý, xử lý tín dụng.

Tuy nhiên, trong thời gian chờ các cấp chính quyền ban hành luật xử lý các TCTD yếu kém và xử lý nợ xấu, NH mong muốn các cấp chính quyền chỉ đạo các cơ quan có liên quan, đặc biệt là tòa án và cơ quan thi hành án hỗ trợ TCTD đẩy nhanh tiến độ xử lý. Có rất nhiều khoản nợ xấu nếu có sự hỗ trợ xử lý TSĐB, TCTD sẽ giải quyết và thu hồi nợ nhanh thay vì kéo dài như hiện nay.

Một góc KCN Long Hậu.

Một góc KCN Long Hậu.

Muốn gỡ phải qua nhiều cửa

Theo các chuyên gia, hiện nay do nhiều quy định về TSĐB không phù hợp, không đồng bộ và có nhiều mâu thuẫn, gây ảnh hưởng đến hoạt động cấp tín dụng và xử lý nợ xấu của các NHTM. Những khó khăn này rất phổ biến và cần phải được liên bộ tháo gỡ mới khơi thông dòng vốn.

Trở lại với trường hợp của CTCP Giấy Phước Thịnh, NHNN cho biết đối với việc thế chấp tài sản tại TCTD, Điểm b Khoản 1 Điều 175 Luật Đất đai năm 2013 quy định tổ chức kinh tế, tổ chức sự nghiệp công lập được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm, có quyền thế chấp tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê tại các TCTD được phép hoạt động tại Việt Nam. Do đó, CTCP Giấy Phước Thịnh làm việc cụ thể với TCTD để được xem xét, cấp tín dụng theo đúng quy định của pháp luật.

Còn vướng mắc liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, CTCP Giấy Phước Thịnh làm việc cụ thể với UBND tỉnh Long An để được xem xét giải quyết theo thẩm quyền được quy định. Song theo phó tổng giám đốc một NHTMCP, muốn vay vốn, DN cần phải có giấy chứng nhận thuê đất một lần cho nhiều năm. Vì theo quy định trong Luật Đất đai sửa đổi 2013, DN không thể thế chấp sổ đỏ để vay vốn nếu chủ đầu tư KCN chưa nộp một lần số tiền thuê đất đã thu của DN cho Nhà nước.

Nhưng nếu nộp tiền một lần nhiều năm cho Nhà nước chủ đầu tư KCN sẽ rất khó khăn. Vì vậy, DN lẫn NH vẫn đang chờ đợi sự điều chỉnh phù hợp từ cấp quản lý nhà nước đến địa phương, vì xét đến cùng DN tại KCN đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ phải được đảm bảo quyền lợi, còn việc nộp tiền từng năm hay một lần là việc giữa chủ đầu tư KCN và Nhà nước. Điều này cần sớm tháo gỡ để các DN có điều kiện tiếp cận vốn sản xuất kinh doanh.

Tương tự, trong vấn đề xử lý nợ xấu, hiện các luật chồng chéo, cản trở quá trình xử lý các TSĐB, quyền của chủ nợ đối với các TSĐB. NHNN cho biết đã làm việc chi tiết với các TCTD và trên cơ sở đó đã có báo cáo Chính phủ, có văn bản gửi Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm soát Nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị có chỉ đạo, có nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán tòa án, chỉ đạo đến tòa án các cấp và thi hành án các cấp, áp dụng thống nhất những quy định trong luật để giải quyết tình trạng cách hiểu của các cấp, các ngành khác nhau dẫn đến xử lý các vụ việc liên quan đến TSĐB của các TCTD khác nhau.

Trong khi đó, các NHTM cho biết đang rất mong có những điều chỉnh vì hiện nợ quá hạn của các NH quá lớn làm cho quá trình lưu thông tiền tệ chậm đi. Do đó, ngành NH rất cần cơ chế đặc thù để xử lý TSĐB, đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu, giúp hoạt động NH hiệu quả hơn.

Thực tế NHNN đã có văn bản yêu cầu các TCTD xây dựng hệ thống xếp hạng tín nhiệm DN để tăng cường khả năng cho vay không cần TSĐB, đơn giản hóa thủ tục cho vay, cơ cấu lại các khoản vay vốn có lãi suất cao trước đây... NHNN yêu cầu các NH cần chủ động tiếp cận với các khách hàng có nhu cầu vay vốn để tư vấn, hỗ trợ về việc hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ vay vốn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn vay.

Các tin khác