Gà - đặc trưng văn hóa

(ĐTTCO) -  1. Gà trống hiện diện trong nhiều nền văn hóa trên thế giới. Tại Việt Nam, theo thần thoại kể, xưa kia khi sáng tạo ra mặt đất, thấy rất lạnh lẽo và ẩm thấp, Ngọc hoàng liền cho 10 mặt trời (10 người con của Ngọc hoàng) xuống chiếu sáng để không bị tối tăm, ẩm thấp.

(ĐTTCO) -  1. Gà trống hiện diện trong nhiều nền văn hóa trên thế giới. Tại Việt Nam, theo thần thoại kể, xưa kia khi sáng tạo ra mặt đất, thấy rất lạnh lẽo và ẩm thấp, Ngọc hoàng liền cho 10 mặt trời (10 người con của Ngọc hoàng) xuống chiếu sáng để không bị tối tăm, ẩm thấp.

Nhưng rồi Người quên không thu lại khiến mặt đất khô trắng, con người và cây cỏ khốn đốn vì mất mùa, nắng hạn. Để cứu muôn loài, một chàng dũng sĩ tên Hậu Nghệ sức khỏe phi thường đã giương cung tên bắn liên tiếp rụng 9 mặt trời xuống biển. Mặt trời cuối cùng sợ hãi bay lên cao trốn biệt. Nhưng từ đó trái đất lại chìm trong lạnh lẽo, tối tăm. Con người và loài vật rủ nhau đi gọi mặt trời, nhưng không thành công.

Cuối cùng chỉ có con gà trống vạm vỡ, khỏe mạnh vươn cổ cất tiếng gáy vang dội trời đất. Nghe tiếng gáy mặt trời tò mò tìm xuống, trái đất bừng sáng trở lại. Từ đó, người Việt thường dùng gà trống để cúng đêm giao thừa với mong muốn gọi mặt trời. Theo quan niệm, giao thừa là thời điểm trời đất tối tăm nhất, mặt trời ẩn mình sâu nhất. Nhà nhà bảo nhau cúng gà trống để con gà sẽ đánh thức mặt trời, mang ánh sáng đủ đầy cả năm.

Ngoài ra, cũng theo quan niệm của người xưa, hình ảnh gà trống chứa đựng nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Theo Phong tục Việt Nam, trong 12 con giáp, gà trống biểu tượng cho sự cương trực, mạnh mẽ. Trong văn học, gà trống có 5 đức lớn: Thứ nhất, đầu có mào như đội mũ, thân có màu lông đẹp như quần áo, gọn gàng, đó là Văn. Thứ hai, chân cứng, có cựa nhọn để làm vũ khí, đó là Võ. Thứ ba, thấy đối thủ là xông vào, đó là Dũng. Thứ tư, tìm thấy thức ăn liền gọi đồng loại, đó là Nhân. Thứ năm, đúng giờ, đúng canh liền cất tiếng gáy, đó là Tín. Trong đó, gà lấy đức Tín làm đầu.

Trong tiếng Hán, đại kê (gà trống) gần âm với chữ đại cát. Đây là nội dung của một quẻ bói tốt nhất cho công việc hoặc tương lai của con người thay cho lời chúc lành gửi đến nhau trong ngày xuân. Trong văn hóa dân gian Việt Nam, hình ảnh con gà có một vị trí quan trọng. Thậm chí, trong tín ngưỡng dân gian với tục thờ Mẫu, Thánh, Tứ Phủ công đồng, ở những nơi này biểu tượng con gà được đứng ở vị trí trang trọng trước điện thờ tiên thánh.

Gà là một trong những con vật được xếp vào linh vật phong thủy, trấn giữ cửa nhà và phòng trừ tai ương. Trong phong thủy, gà trống thường được dùng làm biểu tượng cho sự giải trừ các thế sát của ngôi nhà hoặc giải trừ đào hoa sát. Những chú gà trống có thể giúp gia chủ tránh bị những kẻ tiểu nhân nói xấu sau lưng, mang đến sự may mắn và hạnh phúc. Theo quan niệm ngũ hành, gà là con vật thuộc hành Kim, phù hợp khi bài trí ở hướng Tây của căn phòng. Ngoài ra, bài trí gà trống tại văn phòng hay phòng khách (hướng Nam) để thu hút may mắn trong cuộc sống và công việc.

Gà trống sẽ ngăn cản được năng lượng xấu và những xung đột. Có thể bài trí gà trống trong phòng ăn để bảo vệ gia đình khỏi năng lượng không tốt từ ống thoát khí. Các ống thoát khí mang hình ảnh của con rắn nên được coi là điềm xấu. Tượng gà trống dùng để giải quyết các vấn đề liên quan đến tình cảm đào hoa của người vợ hoặc người chồng…

Nếu người chồng có thói trăng hoa hoặc có nhiều cô gái theo đuổi, người vợ tìm hiểu cung đào hoa của chồng và đặt tượng gà trống ở vị trí đó, sẽ hóa giải điều này và giữ chồng ở bên mình. Bên cạnh đó, có nhiều người bài trí gà trống vì nó có khả năng thúc đẩy việc kinh doanh thuận lợi và sự nghiệp phát triển. Trong kinh doanh, có thể bài trí gà trống ở khu vực đối diện với các dãy phòng để ngăn chặn sự bất đồng.

2 . Con gà, đặc biệt là gà trống hiện diện nhiều trong nhiều nền văn hóa các nước phương Đông và phương Tây. Là vật nuôi từ được thuần hóa từ lâu trong lịch sử, gà gắn bó với cuộc sống con người, nhất là trong tôn giáo và thần thoại. Từ thời cổ đại, gà đã là một loài vật linh thiêng trong một số nền văn hóa và gắn chặt với nhiều hệ thống tín ngưỡng, thờ cúng tôn giáo với tư cách là lễ vật (vật hiến tế hay vật tế thần).

Người Hy Lạp sau khi tiếp xúc với văn hóa Ba Tư, đã dùng thuật ngữ "chim Ba Tư" để chỉ gà trống "do tầm quan trọng to lớn và công năng tôn giáo của gà trống trong xã hội Ba Tư". Người Hy Lạp cổ đại không dùng gà để hiến tế vì gà trống được cho là tượng trưng của thần Ares, Heracles và Athena. Họ còn cho rằng, gà trống có mối liên kết với thần Mercury, người đưa tin của các vị thần, cũng là người chịu trách nhiệm đưa các linh hồn người chết về thế giới bên kia. Đến nay người Hy Lạp vẫn tin rằng ngay đến sư tử cũng sợ gà trống.

Trong nhiều truyện cổ tích Trung Âu, người ta tin quỷ dữ sẽ chạy trốn khi nghe tiếng gáy đầu tiên của gà trống. Ở Pháp, con gà Gô-loa là biểu tượng của nước Pháp. Gà trống Gô-loa hay còn được biết đến với cái tên "Gallus Gallus" là một trong những biểu tượng nổi tiếng nhất của thế giới nói chung và của nước Pháp nói riêng. Hàng trăm năm nay, con gà được coi là tượng trưng cho sự chân thành và tươi sáng. Ngoài ra gà trống còn là một con vật giữ vai trò thiết yếu của vùng nông thôn.

Sự cảnh giác và lòng dũng cảm của những chú gà trống đã khiến nó trở thành biểu tượng của người Pháp. Thời trung cổ, gà trống Gô-loa được người Pháp sử dụng như một biểu tượng tôn giáo, thể hiện niềm hy vọng và đức tin. Hình ảnh những con gà trống thường xuất hiện trên các tháp chuông nhà thờ, tháp canh.

Ở Nhật Bản, gà được xem là con vật linh thiêng, hình ảnh của chúng gắn liền với những câu chuyện thần thoại. Một trong số đó là câu chuyện Nữ thần Mặt trời Amaterasu vì tức giận hành động ngang ngược của người em trai là Thần bão tố Susano nên đã lánh vào hang động, lấp kín cửa hang khiến dương gian chìm trong tăm tối. Trước tình cảnh đó, các vị thần bèn tìm cách để Nữ thần Mặt Trời rời khỏi hang động, mang ánh sáng ấm áp cho trần thế. Họ dùng những con gà trống giọng thật tốt thi nhau gáy để mời gọi Nữ thần Mặt trời.

Các tin khác