Định hướng phát triển hiệu quả, bền vững

Từ ngày 1-4, việc áp thuế chống bán phá giá đối với giày mũ da Việt Nam sẽ chính thức được bãi bỏ sau khi Hiệp hội các nhà sản xuất giày dép Liên minh châu Âu (EU) không còn đệ đơn yêu cầu áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm giày mũ da Việt Nam.

Như vậy, sau 4 năm bị áp thuế chống bán phá giá vào EU, việc dỡ bỏ mức thuế vô lý trên mở ra nhiều cơ hội cho ngành da giày Việt Nam tiếp tục phát triển và mở rộng thị phần tại châu Âu. Bộ Công Thương đã có Quyết định 6209/QD9-BCT phê duyệt chiến lược quy hoạch tổng thể phát triển ngành da giày Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Theo đó, đến năm 2015 kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày Việt Nam sẽ đạt 9,1 tỷ USD và đến năm 2020 sẽ đạt 14,5 tỷ USD.

Như vậy, chắc chắn Việt Nam sẽ trở thành nước có năng lực sản xuất ngành da giày đứng hàng thứ 3 trên thế giới (sau Trung Quốc, Ấn Độ) và duy trì vị trí nước có sản lượng xuất khẩu đứng thứ 2, chỉ sau Trung Quốc. Tuy nhiên, để thực hiện được chiến lược phát triển này ngành da giày vẫn còn nhiều việc phải làm, phát triển một cách bền vững, đặc biệt vấn đề vốn và nguồn nhân lực.

Định hướng phát triển hiệu quả, bền vững ảnh 1

Để vươn lên vị trí thứ 3 thế giới, ngành da giày
còn nhiều việc phải làm. Ảnh: LÃ ANH

Để thực hiện chiến lược trên, theo Quyết định 6209 tổng nguồn vốn đầu tư của toàn ngành là 59.570 tỷ đồng, trong đó huy động trong nước chiếm khoảng 43% và đầu tư nước ngoài 57% (tương ứng gần 1,8 tỷ USD). Theo đó, nếu chia đều cho 10 năm, mỗi năm phải huy động trên 2.500 tỷ đồng và 180 triệu USD, con số này cao hơn nhiều so với hiện trạng thu hút vốn của ngành trong thời gian qua. Bên cạnh đó, theo tính toán, để đạt được kim ngạch xuất khẩu như hiện nay, ngành da giày Việt Nam đã phải huy động một lực lượng gồm khoảng 650.000 lao động trực tiếp và gần 30% lao động gián tiếp trong các lĩnh vực cung ứng vật tư, dịch vụ.

Như vậy, để kim ngạch xuất khẩu tăng lên gần 3 lần, với giả định năng suất sẽ tăng 20%, giá trị gia tăng tăng thêm 30%, toàn ngành cần thu hút thêm gần 600.000 lao động. Điều này có vẻ mâu thuẫn với tình hình hiện tại, khi doanh nghiệp thiếu lao động trầm trọng.

Điều quan trọng hiện nay là ngành da giày phải làm gì để thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư trong những năm tới. Đó là chưa nói đến việc để phát triển ngành da giày trong bối cảnh sản xuất của ngành vẫn phụ thuộc khá nhiều vào vốn đầu tư nước ngoài. Đây là điều không chỉ những nhà quản lý mà cả nhà đầu tư trong nước, nhất là các doanh nghiệp trong ngành cần được quan tâm tháo gỡ. Theo đó các doanh nghiệp da giày cần có giải pháp nâng cao chất lượng lao động. Bởi nguồn nhân lực luôn là bài toán khó nhưng nếu giải đáp được, đây sẽ là cơ sở vững chắc để ngành da giày phát triển bền vững.

Những năm gần đây ngành da giày Trung Quốc phát triển mạnh mẽ, với số lượng sản xuất hàng năm trên 10 tỷ đôi giày dép các loại, gấp 5 lần quốc gia đứng thứ 2 là Ấn Độ và gấp 15 lần so với Việt Nam. Ngoài ra, Trung Quốc còn chủ động được gần 100% các loại nguyên liệu thông thường và đang tham gia tích cực vào lĩnh vực sản xuất thiết bị, kể cả thiết bị tự động hóa. Đặc biệt sản phẩm da giày Trung Quốc luôn có lợi thế cạnh tranh rất lớn, không chỉ đối với Việt Nam mà còn cả với thế giới. Là nước có cùng biên giới với Trung Quốc, các chiến thuật linh hoạt trong quan hệ kinh doanh cần một mặt hóa giải được sự cạnh tranh trực diện, mặt khác cần tận dụng lợi thế kinh tế vùng, đặc biệt khi các hiệp định thương mại khu vực với Trung Quốc có hiệu lực. Đây là điều các nhà hoạch định chiến lược cũng như từng doanh nghiệp da giày Việt Nam cần phải quan tâm.

Bên cạnh đó, thách thức lớn cho ngành là hiện nay các thị trường chính như EU và Hoa Kỳ đều chưa có những dấu hiệu phục hồi tích cực sau khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế 2008-2010. Điều này sẽ khiến cho sức mua tại các thị trường này sụt giảm và những sản phẩm rẻ tiền sẽ chiếm ưu thế, ảnh hưởng lớn đến định hướng chuyển dịch sang nhóm sản phẩm trung và cao cấp của ngành giày Việt Nam. Do vậy, các doanh nghiệp trong ngành cần cập nhật thường xuyên tiếp cận thông tin từ các thị trường nhập khẩu, đặc biệt phải nhanh chóng đưa ra những quyết định đúng đắn về sự phát triển của ngành. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh đầu tư lĩnh vực thiết kế sản phẩm, tự động hóa sản xuất, cải tiến quản lý, nâng cao chất lượng lao động và đặc biệt củng cố, nâng cao tinh thần đoàn kết, chung sức vì mục tiêu lớn nhằm tạo nên sự đột phá, nâng cao hiệu quả, giúp ngành da giày vượt khó phát triển căn cơ và bền vững.

Từ tháng 10-2006, Tổng vụ của Ủy ban châu Âu (EC) đã quyết định áp thuế chống bán phá giá 10% đối với giày mũ da nhập khẩu từ Việt Nam trong 2 năm. Sau đó, việc áp thuế trên tiếp tục được EC gia hạn 15 tháng nữa, kể từ ngày 31-12-2009, với mức chống bán phá giá 10%. Điều này khiến thị phần xuất khẩu da giày Việt Nam vào thị trường châu Âu sụt giảm từ 15% (năm 2005) xuống còn 10% (năm 2009). Tuy vậy với những nỗ lực của toàn ngành, năm 2010 da giày Việt Nam đã trở thành một trong 5 ngành xuất khẩu có kim ngạch xuất khẩu cao nhất nước, gồm dệt may, da giày, dầu khí, gạo và cà phê. Riêng da giày, kim ngạch xuất khẩu năm 2010 đạt 6,09 tỷ USD.

Các tin khác