Chữ thầy

(ĐTTCO) - Tôi nhớ khi 13 tuổi, vừa lên lớp 8 (hồi đó gọi là lớp đệ ngũ, thuộc trung học đệ nhất cấp), ngay giờ cổ văn đầu tiên thầy đã cho học bài hát nói Chữ Nhàn của cụ Nguyễn Công Trứ. Mở đầu là hai câu “Thị tại môn tiền náo. Nguyệt lai môn hạ nhàn”. (1) Học trò lớp 8 như tôi không hiểu gì hết. Chưa hết: “Tri túc tiện túc đãi túc hà thời túc. Tri nhàn tiện nhàn đãi nhàn hà thời nhàn”. (2) Rồi lại thêm “Ngã kim nhật tại tọa chi địa. Cổ nhân tằng tiên ngã tọa chi”.(3) Rồi thầy cho về học thuộc trước một ngày, hôm sau sẽ phân giải. Tối hôm đó, học trò ôm vở đọc rào rào như châu chấu bay, nhưng tiệt nhiên vẫn không hiểu gì. Sáng hôm sau, sau khi khảo bài vài ba đứa, đập thước vài ba cái, đe nẹt vài ba câu, thầy bắt đầu giảng nghĩa.

(ĐTTCO) - Tôi nhớ khi 13 tuổi, vừa lên lớp 8 (hồi đó gọi là lớp đệ ngũ, thuộc trung học đệ nhất cấp), ngay giờ cổ văn đầu tiên thầy đã cho học bài hát nói Chữ Nhàn của cụ Nguyễn Công Trứ. Mở đầu là hai câu “Thị tại môn tiền náo. Nguyệt lai môn hạ nhàn”.

(1) Học trò lớp 8 như tôi không hiểu gì hết. Chưa hết: “Tri túc tiện túc đãi túc hà thời túc. Tri nhàn tiện nhàn đãi nhàn hà thời nhàn”. (2) Rồi lại thêm “Ngã kim nhật tại tọa chi địa. Cổ nhân tằng tiên ngã tọa chi”.(3) Rồi thầy cho về học thuộc trước một ngày, hôm sau sẽ phân giải. Tối hôm đó, học trò ôm vở đọc rào rào như châu chấu bay, nhưng tiệt nhiên vẫn không hiểu gì. Sáng hôm sau, sau khi khảo bài vài ba đứa, đập thước vài ba cái, đe nẹt vài ba câu, thầy bắt đầu giảng nghĩa.

Bỗng dưng có một thế giới mới đầy hình ảnh bày ra trước mắt tôi. Trên tấm bảng đen, mỗi âm nghe không hiểu kia trở nên sáng rõ bởi những đường nét vẽ vời lạ lẫm, kiểu tạo hình vui mắt, tựa như trò ráp nối logo, chứa đựng ý nghĩa tưởng xa xôi nhưng thực ra rất gần gũi, quen thuộc. Đó là người ta họp lại một chỗ, lấy cái khăn vải (cân) treo lên đầu (đầu) cái cây, gậy hay sào, để cho người khác biết mình đang bán cái gì đó, nhân cảnh đó gọi là chợ (thị).

Hình ảnh đó gợi cho tôi nhớ lại hồi còn nhỏ nữa, những ngày giáp tết, tụi nhóc hàng xóm hay rủ leo lên dốc cầu Ông Lãnh nhìn xuống bến chợ đường sông, nơi tấp nập ghe xuồng chở hàng bông từ miệt dưới lên, ghe nào cũng treo vài ba cây sào, đầu sào lủng lẳng chuối, cam, ổi, mía, rau, củ, có khi chỉ là một dải vải màu đỏ phơ phất gió xuân… mà dân gian gọi là cây bẹo.

Thầy vẽ tiếp một cái cổng hai cánh có hàng rào hai bên, mài mại hình cái cổng đó mà người ta tạo ra chữ môn. Chữ môn kết với chữ thị thành chữ náo. Dạ thưa, nghĩa là sao? Là ồn ào chớ sao. Thầy hay nói, học trò ồn ào như cái chợ.

Sau này tôi làm điện ảnh, quen nhìn và nghĩ về mọi thứ qua cái khung hình chữ nhật của máy quay phim, nhớ lại chuyện học chữ náo ngày xưa, tôi nghĩ đến một góc nhìn chủ quan đầy vẻ đăm chiêu, từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới. Giả dụ phối cảnh thế này, cụ Trứ ngồi trong nhà phóng chiếu cái nhìn ra cổng, qua vòm cổng thấy cái chợ họp người người tấp nập chen chúc to giọng rao hàng lớn tiếng trả giá đôi co mắc rẻ thì hệ quả nhận biết được hẳn là cái sự ồn ào, ầm ĩ, ỏm tỏi bay ngược vào nhà, làm căng thẳng cả mớ thần kinh với bao huyên náo làm rứt cả đầu.

Rất bực, rất mệt, nhưng rồi không thể làm gì, nói gì được, buộc phải chịu đựng. Chịu đựng từ đầu sớm đến cuối chiều. Để có thể kéo dài sự chịu đựng, cụ vin vào mọi lý lẽ: ờ, thì cái mà giờ mình phải chịu đựng, trước đây cũng có khối người phải chịu đựng rồi, phải gắng gượng, phải biết bằng lòng với tình thế, được thế này là đầy đủ, thong thả rồi, cứ kêu xin than vãn, thì biết đến bao giờ mới có trọn vẹn những thứ đó.

Nhưng cái anh học trò lớp 8 như tôi lúc ấy chưa nghĩ được thế đâu. Có điều tôi bắt đầu mê học chữ Hán, dĩ nhiên là nắm bắt tếu táo kiểu gặp đâu xâu đó. Vì thế, lên đại học, theo khoa Ngữ văn, tôi thấy chuyện được trau dồi bài bản Hán Nôm thực thỏa sở thích lâu nay. Tôi nhớ đến thầy Nguyễn Tri Tài nhẹ nhàng nho nhã trong tiết học đầu tiên với bài thơ Thướng sơn của Bác.

Rồi thầy Bửu Cầm dạy chữ Nôm tiếng tăm lẫy lừng từ hồi Văn khoa. Thầy Lưu Khôn nói tiếng Quan Thoại giọng dễ thương không thể tả. Thầy Trần Trọng San với nhiều bài thơ dịch trác tuyệt. Thầy Phạm Văn Diêu thâm trầm trong mọi diễn đạt. Thầy Trần Đức Rật rất hài, nhộn nhạo, thường tự bực mình về chuyện thời buổi kiếm sống khó khăn khiến thầy cứ phải sáng chiều phân thân giữa một giảng viên đại học và một ông bán phở.

Chữ Hán như một chìa khóa giúp tôi mở ra cánh cửa bước vào miền văn chương cổ bao la. Tôi nhớ một bài văn ngôn năm thứ nhất, đại khái hai người cãi nhau, một người nói: ê, ông đâu phải là con cá sao ông biết con cá nó vui, và ông kia vặt lại: còn ông, ông đâu phải là tui, ông sao biết được chuyện tui biết cái sự vui của con cá. Thôi thì ta học cho chính ta, để ta trở thành ta mà tự biết lấy niềm vui bản ngã.

Và chọn chuyên ngành Hán Nôm giữa năm thứ ba với tôi là một sự mặc nhiên. Thế nhưng vào đấy, học cho tới nơi tới chốn quả là việc quá vất vả. Tôi nhớ thầy Nguyễn Khuê, chủ nhiệm lớp, tận tụy nhưng rất nghiêm khắc. Tôi thường bị thầy nhắc hoài cái vụ hay lo ra, không tập trung vào bài vở.

Quả thời điểm ấy, tôi đang "say nắng" một bạn đồng khoa lớp dưới. Tôi thường ngồi đồng quán cà phê trước cổng trường hơn là ngồi trên lớp học, lang thang ngoài phố nhiều hơn có mặt ở giảng đường, thơ thẩn nhiều hơn sách vở, tinh thần tự kỷ và hoài nghi cứ bàng bạc trong đầu.

Tôi nhớ lần thầy Khuê dạy Sở từ. Khuất Nguyên, nhà thơ thân sơ thất sở, hình dong khô cảo, lang thang đầu sông cuối bãi lảm nhảm không ngừng: Thế nhân giai trọc ngã độc thanh, chúng nhân giai túy ngã độc tỉnh(4). Những câu văn cô đọng nỗi đau thế thái mà kẻ gánh chữ phải cưu mang.

Tôi đâu ngờ sau này ra đời va vấp lảo đảo bao năm, còn tôi cũng lắm phen lầm bầm như thế đó. Khuất Nguyên trầm mình xuống sông, tôi tự trầm vào ly bia chung rượu, nhiều lần rưng rức vì uống hoài mà không thể say, không thể quên, buộc phải nhớ, bực mình đến chết vì cái tỉnh của mình.

Bằng hữu đồng môn của tôi là Đoàn Lê Giang, nay là một nhà giáo kỳ cựu và tâm huyết, giúp tôi đặt tựa bài viết này. Bạn thường hay nói, tôi viết chữ Hán cũng được, nhưng tâm quá động, không điều khiển được cảm xúc của mình, nên cái chữ lẽ ra cân phân vuông vắn, thì cứ chệch choạng day dứt, không nhấn được trọng điểm cần phải có, rốt cuộc thần lạc khí tản hết. Bạn nói đúng quá, cái sự học của tôi lỡ dở mất rồi, nhưng tạng vậy mà chiều đã xế, biết sửa sao đây.

Tôi nhớ người thầy năm xưa khai tâm chữ Hán cho học trò 13 tuổi (thầy xá cho con bởi đã lỡ quên mất tên thầy). Tôi nhớ những người thầy đại học đã dắt tôi lãng du rất sâu rất xa vào trong thế giới đầy hoa mỹ của văn chương cổ điển. Và tôi nhớ thầy Nguyễn Khuê, thuở ấy, chính thầy bằng sự kiên trì lôi tôi dần về với chữ nghĩa.

Em được biết ngày chớm xuân rồi, thầy vừa bước qua bậc cửa thượng thọ. Mong thầy luôn mạnh giỏi chân cứng đá mềm trên hành trình vượt ngưỡng bách niên. Và cũng xin thầy xá lỗi cho anh chàng sinh viên kém cỏi là em đã buông gánh chữ nửa chừng, không theo trọn sở học như thầy thường khuyên nhủ, dù bao lần em luôn trách mình như thế.

(Kỷ niệm 38 năm thành lập bộ môn Hán Nôm, khoa Ngữ văn Việt Nam, Trường Đại học Tổng hợp TPHCM)

GHI CHÚ:

(1) Thị tại môn tiền náo= Chợ nằm trước cổng thì ồn ào

Nguyệt lai môn hạ nhàn=Trăng soi dưới cửa thì thong dong.

(2) Tri túc tiện túc đãi túc hà thời túc= Biết đủ là đủ, chờ cho đủ thì bao giờ mới đủ.

Tri nhàn tiện nhàn đãi nhàn hà thời nhàn= Biết nhàn thì nhàn, chờ cho nhàn thì bao giờ mới nhàn.

(3) Ngã kim nhật tại tọa chi địa, cổ nhân tằng tiên ngã tọa chi = Chỗ ta ngồi hôm nay, người xưa đã từng ngồi rồi. Đây là hai câu ở trong bài tựa truyện Tây Sương Ký của Vương Thực Phủ đời Nguyên.

(4) Thế nhân giai trọc ngã độc thanh, chúng nhân giai túy ngã độc tỉnh = Mọi người đều say, mình ta tỉnh, khắp đời đều đục, mình ta trong. Đây là câu trích trong bài Ngư phủ, tập Sở từ của nhà thơ Khuất Nguyên thời Chiến quốc.

Các tin khác