Cảnh báo nhập siêu trở lại

(ĐTTCO)-Nhập khẩu ô tô dưới 9 chỗ, điện thoại di động và rau củ quả 2 tháng đầu năm tăng mạnh đang tác động lớn lên cán cân thương mại.

(ĐTTCO)-Nhập khẩu ô tô dưới 9 chỗ, điện thoại di động và rau củ quả 2 tháng đầu năm tăng mạnh đang tác động lớn lên cán cân thương mại.

 

Cụ thể, VN đã chi 153 triệu USD để nhập khẩu gần 9.500 ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ, tăng 139,6% so với cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu điện thoại di động tăng 129% và nhập rau quả cũng tăng 129,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng này đang góp phần đẩy tỷ lệ nhập khẩu của cả nước trong 2 tháng đầu năm tăng đến 20% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm, chúng ta đang nhập siêu 46 triệu USD.

Chi tỉ USD mua điện thoại

Điều đáng nói là trong khi nhập điện thoại tăng mạnh thì nhóm sản phẩm này cũng là nhóm hàng xuất khẩu chủ lực và lớn nhất của VN lâu nay. Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện của VN đạt 34,5 tỉ USD, tăng 14,4% so với 2015. Trong 2 tháng đầu năm, mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao nhất này đạt khoảng 4,8 tỉ USD, tăng hơn 2,6% so cùng kỳ năm trước.

Lý giải tình trạng điện thoại sản xuất tại VN xuất đi khắp thế giới, nhưng VN cũng nhập khẩu một lượng lớn điện thoại, chuyên gia cho rằng, kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện của VN hiện chủ yếu dựa vào Samsung. Trong khi giới sử dụng điện thoại thông minh (smartphone), ngoài Samsung, còn chuộng nhiều mẫu mã khác cao cấp như iPhone hay các dòng hàng smartphone đến từ Trung Quốc.

Không chỉ tăng trưởng, thị trường smartphone VN ngày càng dịch chuyển ra xa khỏi phân khúc giá rẻ, bởi thị phần nhóm điện thoại di động giá rẻ đang giảm dần. Theo báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường GfK TEMAX VN, nếu tháng 9.2015, nhóm điện thoại di động có giá dưới 3 triệu đồng chiếm thị phần đến 41,7%, thì đến tháng 9.2016 chỉ còn 29,7%.

Trong khi cùng quãng thời gian, phân khúc có giá tiền đắt hơn (từ 4 - 8 triệu đồng) lại tăng nhanh từ mức 27,7% lên 42,8%. Sự dịch chuyển trong xu hướng tiêu dùng này là tác nhân trực tiếp mang đến thành công bùng nổ của các thương hiệu đang chiếm ưu thế ở phân khúc tầm trung như: Samsung, Oppo hay Sony…

Thực tế trên thị trường, các hệ thống bán lẻ thiết bị di động luôn thu hút khá đông khách hàng. Ngày 6.3 khi chúng tôi ghé qua cửa hàng phân phối của hệ thống bán lẻ Thế Giới Di Động trên đường Cách Mạng Tháng 8 (Q.3, TP.HCM), dù vào giờ nghỉ trưa nhưng lượt khách ra vào vẫn tấp nập.

Nhân viên cửa hàng cho biết: “Các hãng điện thoại cứ tầm 1 - 2 tháng lại ra sản phẩm mới liên tục nhưng hàng ra là “chạy vèo vèo”. Có khi khách vừa mua máy dùng chưa được 1 - 2 tháng mà hãng đã ra dòng mới, họ cũng “lên đời” luôn”.

Năm 2016, Thế Giới Di động đã trở thành nhà bán lẻ lớn nhất VN với doanh thu khoảng 2 tỉ USD. Một phép tính nhỏ thì cứ mỗi giờ, hệ thống này thu vào hơn 7 tỉ đồng. Hay Hãng điện thoại di động Oppo cũng đạt doanh thu 6.000 tỉ đồng tại hệ thống Thế Giới Di động vào năm ngoái.

Ông Phạm Văn Tam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần điện tử Asanzo - doanh nghiệp đang “ủ mưu” sẽ sản xuất lắp ráp điện thoại thông minh “made in Vietnam” trong tương lai gần, cho biết: “Giới trẻ ngày nay thích thay đổi điện thoại như thay áo, cứ có kiểu gì mới ra là háo hức muốn mua ngay. Đặc biệt sản phẩm phải trông “sành điệu” chút, mẫu mã bắt mắt và quan trọng là giá mềm. Các nhà kinh doanh đánh trúng tâm lý này thì thắng lớn thôi”.

Đừng để làm 1 đồng tiêu 1,2 đồng

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, 2 tháng đầu năm, do nhu cầu sản xuất, nhiều doanh nghiệp gia tăng nhập khẩu máy móc thiết bị để mở rộng đầu tư sản xuất. Tuy nhiên, việc xuất khẩu gắn với yếu tố bền vững là cần thiết. Nếu nhập khẩu máy móc để mở rộng sản xuất là dấu hiệu tốt cho nền kinh tế, nhưng gia tăng nhập khẩu nhiều mặt hàng như ô tô, điện thoại nói một cách nào đó là thiếu yếu tố bền vững trong cán cân thương mại. Ngoài ra, nông thủy hải sản là nhóm hàng xuất khẩu chiếm kim ngạch lớn, nay có việc gia tăng nhập khẩu cũng cần xem xét lại.

“Hội nhập chấp nhận lưu thông hàng hóa hai chiều, song nếu quá phụ thuộc vào một vài nhóm hàng xuất khẩu, đến khi thị trường “xoay chiều” sẽ gặp khó khăn. Số liệu mới này có thể coi là cảnh báo mới. Nếu đà này tiếp tục, sau nỗi vui mừng xuất siêu, chúng ta sẽ đối diện lại nhập siêu”, ông Long nhận xét và đề nghị giải pháp sớm có chiến lược “tổ chức lại” sản xuất kinh doanh để cạnh tranh tốt cũng như đối phó với xu hướng của thị trường trong và ngoài nước.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, cho rằng: “Việc tăng tốc nhập khẩu ô tô trong bối cảnh hạ tầng cơ sở quá tải, rồi hàng loạt dòng điện thoại thông minh giá rẻ ngập thị trường và thay đổi nhanh chóng là cảnh báo cho môi trường và sự phát triển thiếu bền vững. Chúng ta không hạn chế nhưng cần có giải pháp để kiểm soát cân đối tốt hơn, tránh để xảy ra tình trạng kiếm được 1 đồng, tiêu hết 1,2 đồng”.

Nếu mặt hàng điện thoại xuất phát từ thói quen tiêu dùng thích thay đổi thường xuyên của người tiêu dùng trẻ Việt, thì tỷ lệ ô tô nhập khẩu tăng đột biến trong 2 tháng qua theo cảnh báo của Bộ Công thương, xuất phát từ việc thuế nhập khẩu ô tô từ các nước trong khu vực ASEAN giảm tiếp 10% từ đầu năm nay. Tương tự, với mặt hàng rau củ quả, việc gia tăng nhập khẩu xuất phát từ nhu cầu tiêu dùng.

Rau củ quả nhập cũng đang chiếm thị phần rất lớn tại các thị trường đô thị lớn, trong các siêu thị. Nhiều nhất là các loại trái cây ngoại được nhập từ Thái, Hàn, Nhật đến Pháp, Mỹ, New Zealand, Nam Phi... Tại các kênh bán lẻ hiện đại, các mặt hàng rau quả nhập khẩu này đang được tiêu thụ mạnh, được ưu tiên bảo quản kỹ lưỡng trong tủ kính hơn cả củ quả nội.

“Điều này không lạ, người Việt lâu nay luôn phập phồng trong tâm lý sợ trái cây phun thuốc độc hại của Trung Quốc, rau củ phun thuốc khiến người tiêu dùng Việt dần có xu hướng chuyển sang sử dụng các loại trái cây, rau củ nhập dù giá cao hơn nhiều lần với hy vọng là an toàn hơn”, bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh (Q.8, TP.HCM), nhà nhập khẩu trái cây ngoại, nhận xét.

Các tin khác