Cần tìm hiểu kỹ thị trường EU

Hôm qua 6-4, Bộ Công Thương phối hợp với Dự án EU - Việt Nam (MUTRAP III) tổ chức các buổi đối thoại trực tuyến về thị trường xuất khẩu. Hàng trăm câu hỏi đã được gửi về buổi đối thoại cho thấy sự quan tâm của doanh nghiệp đối với thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam.

Hôm qua 6-4, Bộ Công Thương phối hợp với Dự án EU - Việt Nam (MUTRAP III) tổ chức các buổi đối thoại trực tuyến về thị trường xuất khẩu. Hàng trăm câu hỏi đã được gửi về buổi đối thoại cho thấy sự quan tâm của doanh nghiệp đối với thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam.

Nông sản gặp khó

Trả lời câu hỏi của một số doanh nghiệp xuất khẩu hoa quả về cơ hội thâm nhập thị trường EU, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu Trần Ngọc Quân cho biết Việt Nam xuất khẩu rau quả vào EU (chủ yếu là Anh, Đức, Hà Lan, Italia, Pháp) còn khiêm tốn, chỉ khoảng 55 triệu USD/năm.

Tuy nhiên, thị trường rau quả tươi của EU đang có dấu hiệu bão hòa. Trong khi đó các nước Mỹ Latin và châu Phi đang là nhà cung cấp chính cho EU quả tươi và rau tươi, đặc biệt những nông sản trái mùa cung ứng vào mùa đông của châu Âu.

Xuất khẩu hoa quả vào thị trường này còn khó khăn ngoài hàng rào thuế, còn do các nước Đông Âu trở thành thành viên EU đã đẩy mạnh cung ứng rau quả. Riêng về hàng rào kỹ thuật, Luật Thực phẩm tổng hợp và các quy định của EU yêu cầu tất cả rau quả nhập khẩu phải tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng EU, phải có chứng chỉ đạt yêu cầu, cùng các quy định cao về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vệ sinh...

Bàn ghế ngoài trời là thế mạnh của sản phẩm Việt Nam xuất sang EU (Trong ảnh: Sản phẩm gỗ Trường Thành). Ảnh: THANH DUNG

Bàn ghế ngoài trời là thế mạnh của sản phẩm Việt Nam xuất sang EU
(Trong ảnh: Sản phẩm gỗ Trường Thành). Ảnh: THANH DUNG

Theo ông Trần Trung Thực, Tham tán công sứ, phụ trách thương vụ Việt Nam tại EU và Bỉ, ngoài việc tuân thủ các quy định chung về thủ tục nhập khẩu, doanh nghiệp cần chú ý các quy định về thủ tục nhập khẩu dành riêng cho nông sản của EU, chẳng hạn quy định về giấy phép nhập khẩu, hạn ngạch nhập khẩu.

Ngoài ra, tùy thuộc từng loại nông sản nhập khẩu, EU còn có các quy định riêng về thủ tục nhập khẩu. Để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu nông sản vào thị trường EU, doanh nghiệp cần tìm hiểu thật kỹ các quy định về nhập khẩu hàng hóa của EU.

Gần đây, việc phải có Giấy chứng nhận EUREPGAP cho các sản phẩm nông nghiệp vào EU đang được áp dụng rộng rãi, đặc biệt nếu lô hàng được cung ứng cho hệ thống siêu thị. EUREPGAP là tổ chức tư nhân, độc lập được thành lập năm 1997, là đối tác bình đẳng của các nhà sản xuất và buôn bán nông sản. EUREPGAP đề ra các tiêu chuẩn tự nguyện, được thị trường EU thừa nhận để được cấp giấy chứng nhận toàn cầu về thực hành nông nghiệp tốt.

Dù giấy chứng nhận EUREPGAP không phải là thủ tục pháp lý bắt buộc đối với mọi sản phẩm nông nghiệp vào EU (có những đòi cao hơn quy định chính thức của EU), nhưng nó đang là yêu cầu cơ bản, không thể thiếu nếu các nhà sản xuất nông nghiệp muốn thâm nhập hệ thống siêu thị cung ứng và các chuỗi cửa hàng bán lẻ tại thị trường EU.

Ông Thực cho biết, EU là thị trường nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp, các mặt hàng quả, rau, ngũ cốc và cà phê lớn nhất thế giới. Trong EU, Anh là thị trường tiêu thụ lớn nhất, tiếp theo là Pháp và Đức. Người dân tại các nước EU có sở thích và thói quen tiêu dùng khác nhau. Lượng rau, quả tiêu thụ có xu hướng ngày một tăng tại EU do thói quen ăn uống để bảo vệ, tăng cường sức khỏe của người dân.

Đây là yếu tố tiềm tàng có thể làm gia tăng nhu cầu hoa quả từ các nước nhiệt đới. Việc nhập khẩu nông sản vào thị trường EU chủ yếu thông qua Hà Lan - cửa ngõ để vào thị trường EU - đối với các mặt hàng rau, quả. Vì vậy, doanh nghiệp nước ta cần có kế hoạch nghiên cứu và tiếp cận các nhà nhập khẩu, các kênh phân phối và hệ thống bán lẻ ở Hà Lan, từ đó xây dựng một chiến lược xuất khẩu các mặt hàng rau, quả vào Hà Lan và qua đó vào EU.

Tiềm năng đồ gỗ

Liên quan đến câu hỏi về mặt hàng xuất khẩu tiềm năng vào thị trường EU là đồ gỗ, ông Thực cho biết EU nhập khẩu gỗ từ Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ... Hiện nay, EU là thị trường nhập khẩu gỗ lớn thứ 2 của Việt Nam, chiếm khoảng 40% lượng xuất khẩu. Năm 2010, xuất khẩu gỗ vào EU đạt 504 triệu USD.

Sản phẩm gỗ xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là bàn ghế dùng ngoài trời và trong nhà, nội thất phòng khách, phòng ăn và đang dần đẩy mạnh xuất khẩu nội thất văn phòng, phòng ngủ. Để tiếp tục tăng giá trị xuất khẩu, các doanh nghiệp có thể mở rộng xuất khẩu các mặt hàng nội thất nhà bếp, văn phòng và phòng ngủ hiện đang có kim ngạch thấp. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể tra cứu về lĩnh vực đồ gỗ, nội thất tại trang điện tử: http://www.worldfurnitureonline.com.

Về mặt hàng thủ công mỹ nghệ, theo Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu Trần Ngọc Quân, trung bình hàng năm Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU 150-200 triệu USD hàng thủ công mỹ nghệ. Những năm gần đây đang có dấu hiệu suy giảm, chủ yếu do hàng Việt Nam mẫu mã chưa phong phú, chất lượng không ổn định, những mẫu mã truyền thống chỉ thu hút được người sử dụng lần đầu.

Các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là Đức, Pháp, Anh, Italia, Hà Lan, Tây Ban Nha và Bỉ - những nước có các địa danh du lịch nổi tiếng. Triển vọng kinh doanh là Việt Nam hợp tác sản xuất, xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ liên quan đến các địa danh tại EU để bán cho khách du lịch đến EU.

Theo ông Thực, để thành công, doanh nghiệp cần có chiến lược kinh doanh và thâm nhập thị trường lâu dài, ổn định. Kinh doanh theo công thức chụp giật, đánh nhanh thắng nhanh sẽ không đem lại hiệu quả mong muốn. Cùng với đó, doanh nghiệp cần có kiến thức tiếp thị, kỹ năng vận dụng và sử lý các vấn đề vận tải, thanh toán, phân phối quốc tế; thay đổi tư duy trong chiến lược thực hiện dịch vụ sau bán hàng phù hợp với văn hóa và luật chơi của chuỗi phân phối hàng hóa tại châu Âu…

Các tin khác