Xuyên khó khăn, tìm cơ hội

(ĐTTCO) - Kinh tế Việt Nam bước vào đầu năm 2020 với sự hứng khởi từ những thành quả đạt được của năm 2019. 
Niềm tin này càng được củng cố khi nhiều thông tin kinh tế tích cực đầu năm đang mở ra những kỳ vọng mới cho nền kinh tế 2020 - năm có vai trò quyết định việc hoàn thành Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, Kế hoạch 5 năm 2016-2020, cũng như đặt nền tảng cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
Chỉ trong 20 ngày đầu tiên của năm mới, Việt Nam đã thu hút được trên 5,33 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tăng gần 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2019. Rồi thông tin chính thức về việc Việt Nam đã đạt mức thặng dư thương mại kỷ lục trong năm 2019 với 11,1 tỷ USD, thay vì gần 10 tỷ USD so với con số ước tính trước đó. Những thông tin tích cực này được kỳ vọng sẽ mang tới luồng sinh khí mới, là cơ sở để chúng ta có niềm tin rằng nền kinh tế vẫn sẽ tiếp tục đà tăng trưởng tốt trong 2020.
Vậy nhưng, khi quý I mới đi qua 1/3 thời gian, nền kinh tế liên tiếp đón nhận những tin xấu. Đó là dịch bệnh mang tên Covid-19 bùng phát từ Trung Quốc và lan rộng ra nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Diễn biến và mức độ tác động của Covid-19 đến kinh tế - xã hội được cho là phức tạp và khó lường. Điều này khiến việc hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 rất khó khăn. Nặng nhất là du lịch được dự báo Covid-19 có thể khiến ngành thất thu 5,9-7,7 tỷ USD trong 3 tháng tới. Cùng với đó, ước tính thiệt hại ban đầu của việc dừng đường bay của các hãng hàng không Việt Nam do ảnh hưởng của Covid-19 khoảng hơn 10.000 tỷ đồng. 
Covid-19 một lần nữa mở toang yếu kém về cơ cấu. Đó là những khiếm khuyết lâu nay của nền kinh tế như sự phụ thuộc vào Trung Quốc ở cả 2 chiều xuất-nhập, đã khiến hoạt động sản xuất đứng trước nguy cơ đình đốn. Nông sản ùn ứ khi hàng trăm contaneir chở thanh long, dưa hấu ách tắc ở các cửa khẩu qua Trung Quốc, nhiều ngành hàng sản xuất cũng lâm cảnh đói nguyên liệu. Thậm chí dệt may, da giày, điện tử, nội thất... chỉ đủ nguyên liệu cơ bản sản xuất trong 1 tháng nữa và nguy cơ bị đình trệ sản xuất nếu không có nguồn thay thế. 
Chưa hết, dịch bệnh còn ảnh hưởng đến khả năng thu ngân sách nhà nước, thị trường chứng khoán, lao động, việc làm, đời sống, sinh hoạt và tâm lý của người dân. Và trong khi chưa ai có thể đoán trước dịch Covid-19 sẽ diễn tiến ra sao, khi nào lên đến đỉnh điểm và khi nào mới chấm dứt, thì tại ĐBSCL hàng chục ngàn hécta lúa chưa ngậm đòng đã chết rụi, hàng trăm ngàn hécta cây ăn trái, hoa màu đang héo rũ, ước tính có đến 180.000 hộ dân thiếu nước ngọt...  
Trong khi đó, ở tầm vĩ mô, những cải cách có tính nền tảng nhất, mang tính bứt phá gắn với Nghị quyết 01 đã không đạt được kỳ vọng. Điều này thể hiện ở việc đầu tư công chậm, 5 năm qua không triển khai được các dự án lớn về kết cấu hạ tầng, nếu không thúc đẩy được loại đầu tư này, tăng trưởng trung và dài hạn có vấn đề. 
Song giữa lúc dịch Covid-19 đang lan rộng, một sự kiện lớn diễn ra đã mang lại kỳ vọng. Đó là việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức được Nghị viện châu Âu phê chuẩn, mở ra cơ hội lớn thúc đẩy sự chuyển dịch các chuỗi giá trị. Là FTA thế hệ mới, EVFTA được ví là “con đường cao tốc hướng Tây”, kết nối Việt Nam tới không gian thị trường rộng lớn và có tiềm năng hàng đầu trên thế giới cả về tài chính, công nghệ và thị trường.
Như vậy bên cạnh những thách thức hiện hữu vẫn có những cơ hội vàng đang mở ra. Đó là buộc phải thay đổi căn bản sức cạnh tranh của nền kinh tế do ảnh hưởng của dịch Covid-19, và từ EVFTA  sẽ phải thúc đẩy những nỗ lực tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc không gian thị trường của nền kinh tế Việt Nam theo hướng tăng cường tính tự chủ, giảm lệ thuộc vào các thị trường, và nâng cấp Việt Nam trong các chuỗi giá trị toàn cầu.

Các tin khác