Xuất khẩu thuỷ sản sang EU tăng nhẹ sau 1 tháng EVFTA có hiệu lực

(ĐTTCO) – Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep), tháng 8-2020, ổng giá trị XK thủy sản sang EU đạt gần 98 triệu USD, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm 2019. Kết quả XK thủy sản trong này đã phản ánh rõ tác động tích cực của hiệp định EVFTA trong việc thúc đấy XK các mặt hàng thủy sản được ưu đãi thuế 0% ngay từ khi hiệp định có hiệu lực. 
Xuất khẩu thuỷ sản sang EU tăng nhẹ sau 1 tháng EVFTA có hiệu lực

Sự thay đổi tích cực và rõ rệt nhất là tôm và mực, bạch tuộc, trong đó tôm tăng gần 16% so cùng kỳ 2019, tăng gần 9% so với tháng 7-2020; mực, bạch tuộc tăng 10% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng gần 24% so với tháng 7-2020.

Hiệp định EVFTA có hiệu lực, 220 mặt hàng thủy sản có thuế suất cơ sở 0- 22%, trong đó thuế cao từ 6-22% sẽ về 0% kể từ ngày 1-8. Trong đó, phải kể đến một số sản phẩm chế biến đang có mức thuế cơ bản khá cao (20%) sẽ được giảm ngay về 0% như hàu, điệp, mực, bạch tuộc, nghêu, sò, bào ngư chế biến…

Riêng cá ngừ đóng hộp và cá viên, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan lần lượt là 11.500 tấn và 500 tấn. Ngoài ra, hầu hết các sản phẩm mực, bạch tuộc đông lạnh đang có mức thuế cơ bản 6-8% sẽ được giảm ngay về 0%, các sản phẩm khác như surimi được giảm từ 14,2% về 0%, cá cờ kiếm từ 7,5% về 0%.

Các sản phẩm tôm sú, tôm chân trắng đông lạnh (mã HS 03061792) được giảm từ mức đang áp dụng là 4,2% (thuế GSP) về 0% ngay từ ngày 1-8-2020. Các sản phẩm tôm khác theo lộ trình 3-5 năm, riêng tôm chế biến, thuế sẽ giảm từ mức 7% (GSP) về 0% sau 7 năm.

Việc hưởng lợi từ EVFTA giúp các sản phẩm thuỷ sản của Việt Nam gia tăng cạnh tranh tại thị trường EU. Cụ thể, ngay trong năm nay, các sản phẩm tôm sú, tôm chân trắng đông lạnh XK sang EU được hưởng thuế 0%, đã đem lại lợi thế lớn cho ngành tôm vì sản phẩm tôm mã HS03 hiện đang chiếm khoảng 30% giá trị XK thủy sản Việt Nam, 55% giá trị XK tôm với giá trị dao động 300 – 500 triệu USD/năm. 

Lợi thế rõ rệt để nhà XK Việt Nam đàm phán với nhà NK EU khi so sánh với tôm cùng loại từ Thái Lan đang bị mức thuế cơ bản 12%, Ấn Độ chịu thuế GSP 4,2%, Indonesia bị thuế GSP4,2%. Nhờ lợi thế về thuế của tôm Việt Nam tốt hơn so với các đối thủ cạnh tranh nên nhà NK của EU cũng tìm tới nguồn cung từ Việt Nam nhiều hơn. Các mặt hàng chế biến sâu, đóng gói ăn liền, phục vụ tiêu thụ tại hộ gia đình vẫn được ưa chuộng.

Đối với sản phẩm cá ngừ, Việt Nam sẽ có cơ hội tốt hơn sau 3 – 7 năm thuế được về 0%, tăng khả năng cạnh tranh với đối thủ lớn nhất là Thái Lan, đang bị áp thuế 18-24%.

Tuy nhiên, để tận dụng được ưu đãi thuế quan, ngành thủy sản cần có nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng ATVSTP đạt tiêu chuẩn và tuân thủ quy định của thị trường EU. Điều quan trọng là DN biết tận dụng hiệu quả và linh hoạt, trung thực và hiệu quả quy tắc xuất xứ của hiệp định.

Ngoài ra, DN cần đặc biệt chú trọng thực hiện và đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về lao động và môi trường trong hiệp định, các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững. Lao động nghề cá, nhất là lao động trẻ em đang là vấn đề EU và các nước khác đặc biệt quan tâm trong thời gian gần đây.

Các tin khác