Xuất khẩu rau quả: Thời cơ đầu tư phát triển bền vững

(ĐTTCO) - Không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự diễn đàn “Phát triển thị trường cho ngành rau, củ, quả” đã kêu gọi các nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân cùng liên kết, Chính phủ sẽ có cơ chế tín dụng phù hợp… 
Bởi trong những năm qua tình hình xuất khẩu trái cây và rau các loại liên tục tăng trưởng vượt bậc, từ đó giúp nhiều doanh nghiệp (DN) và nông dân làm ăn khấm khá, nhiều vùng nông thôn thay đổi bộ mặt khang trang, hiện đại. Tuy nhiên, để ngành hàng trái cây phát triển bền vững, đáp ứng những đòi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường thế giới, cần nhanh chóng cải thiện trên nhiều mặt để nâng cấp chất lượng.
Những điểm sáng
Theo Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT), mặt hàng rau quả đang là điểm sáng của ngành nông nghiệp, đặc biệt là xuất khẩu. Thống kê cho thấy kim ngạch xuất khẩu rau quả nước ta liên tục tăng trưởng ấn tượng: Năm 2003 đạt 151 triệu USD, năm 2010 tăng lên 500 triệu USD, năm 2013 đạt gần 1,1 tỷ USD, năm 2015 tiếp tục tăng lên 1,8 tỷ USD, năm 2016 đạt xấp xỉ 2,5 tỷ USD và năm 2017 dự kiến đạt kỷ lục 3,4-3,5 tỷ USD. 
 Nhà nước sẽ có cơ chế tín dụng phù hợp để thu hút đầu tư phát triển rau quả. Trên tinh thần đó, các nhà khoa học, DN, người dân… cần tích cực tham gia sản xuất, thu hoạch, chế biến, xuất khẩu rau quả theo hướng nâng cao chất lượng, áp dụng đa dạng mô hình sản xuất. Đây là thời cơ để đầu tư phát triển ngành rau quả bền vững và Chính phủ luôn quan tâm đẩy mạnh lĩnh vực này.  
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Về thị trường xuất khẩu, giai đoạn 2010-2014 mặt hàng trái cây Việt Nam đã có mặt tại 86 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các loại trái cây được xuất khẩu nhiều nhất là thanh long, chuối, xoài, chôm chôm, vải, măng cụt, nhãn, sầu riêng… Đặc biệt rau quả ở ĐBSCL, miền Đông cũng được xuất sang những thị trường khó tính như Hoa Kỳ (3,4% tổng sản lượng xuất khẩu), Hàn Quốc (3,4%), Nhật Bản (3,1%), tiếp đến là Hà Lan, Australia, Singapore…
Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc luôn có tỷ trọng áp đảo, chiếm khoảng 71% thị phần xuất khẩu, đòi hỏi cần phát huy, tập trung khai thác mạnh hơn nữa nhằm đạt mục tiêu xuất khẩu bền vững, mang về giá trị kinh tế cao. 
Bên cạnh xuất khẩu tăng cao, nhập khẩu rau quả của nước ngoài vào Việt Nam cũng tăng nhanh chóng. Tính đến hết tháng 11-2017, nhập khẩu rau quả ở Việt Nam đã vượt cột mốc 1,4 tỷ USD, trong đó nhập từ Thái Lan chiếm 59%, Trung Quốc 17%, Hoa Kỳ 6%, Australia 4,4%... Đáng lưu ý, những loại trái cây Việt Nam có thế mạnh như sầu riêng, măng cụt, bòn bon, táo, quýt… lại được nhập khẩu khá nhiều. Có thể nói dù xu hướng nhập khẩu rau quả tăng, song nhờ sự tập trung đầu tư cho xuất khẩu nên ngành rau quả liên tục xuất siêu. Cụ thể, năm 2016 xuất siêu về rau quả hơn 1,5 tỷ USD, 11 tháng năm 2017 xuất siêu khoảng 1,7 tỷ USD. 
Rau quả lên ngôi đã góp phần giúp nhiều DN và nông dân làm ăn khấm khá. Ông Phan Thanh Vũ, Chủ tịch UBND xã Trà Côn, huyện Trà Ôn (Vĩnh Long), cho biết: “Toàn xã có gần 800ha vườn và phong trào trồng cam sành trên đất lúa phát triển khá mạnh, đây được xem là lợi thế kinh tế của địa phương với nhiều mô hình nông dân trồng cam sành làm giàu được điển hình nhân rộng. Định hướng trong 3 năm tới xã Trà Côn tiếp tục chuyển đổi khoảng 140ha đất lúa sang trồng cam sành. Hiện xã đang tập trung đầu tư hệ thống thủy lợi, giao thông phục vụ đi lại, vận chuyển hàng hóa; hình thành hợp tác xã để chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đăng ký thương hiệu cho trái cam sành”. 
TS. Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách (Bến Tre), cho biết năm nay chôm chôm vụ nghịch sốt giá tới 40.000- 50.000 đồng/kg, sầu riêng hạt lép có lúc lên tới 80.000-90.000 đồng/kg… nên nông dân có lãi nhiều, đã tập trung đầu tư cho cây trái tốt hơn.
Theo ông Nguyễn Thành Tài, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, thời gian qua hiệu quả của rau quả mang lại cao hơn lúa. Cụ thể, nông dân trồng xoài cát Hòa Lộc cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng/ha, nhãn Edor 500 triệu đồng/ha, quýt đường 600 triệu đồng/ha, quýt hồng 700-800 triệu đồng/ha, cam xoàn 750 triệu đồng/ha. Vì thế, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục đầu tư giúp nông dân giàu lên từ cây ăn trái. 

Nhu cầu cao, hạn chế lớn
Theo thống kê của Tổ chức Lương thực thế giới (FAO), trong 9 năm (2004-2013) giá trị nhập khẩu rau quả toàn thế giới luôn ở mức trên 100 tỷ USD/năm, bình quân tăng 12,2%/năm và nhu cầu tiêu thụ trên thế giới tiếp tục tăng. Từ dự báo này, Bộ NN-PTNT cho biết sẽ tiếp tục mở rộng và phát triển cây ăn trái. Dự kiến đến năm 2020 diện tích cây ăn trái cả nước khoảng 910.000ha, sản lượng 9,5 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu khoảng 4,5 tỷ USD; đến năm 2030 nâng diện tích trái cây lên 1,2 triệu  ha, sản lượng 12,5 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu khoảng 7 tỷ USD. 
 Xuất khẩu rau quả của Việt Nam tuy tăng theo từng năm, nhưng tính ra chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 1% so với nhu cầu tiêu thụ trên thế giới. Đây là con số còn rất khiêm tốn so với tiềm năng rau quả của Việt Nam và nhu cầu tiêu thụ rau quả thế giới ngày càng tăng cao.
Ông Nguyễn Xuân Cường,
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT
Định hướng là vậy, nhưng hạn chế lớn nhất của sản xuất trái cây nước ta hiện nay là quy mô nhỏ lẻ, manh mún nên khó cho việc đầu tư, quản lý chất lượng, tiêu thụ sản phẩm. Năng suất trái cây dù có cải thiện nhưng vẫn còn thấp hơn bình quân chung của thế giới và khu vực. Cơ sở hạ tầng các vùng sản xuất trái cây tập trung chưa được quan tâm đầu tư, chưa đáp ứng tốc độ phát triển diện tích.
Việc tổ chức liên kết trong sản xuất và tiêu thụ còn lỏng lẻo, DN chưa mặn mà xây dựng vùng nguyên liệu mà chủ yếu thu gom từ thương lái, gây khó trong truy suất nguồn gốc, chất lượng không đồng đều, rủi ro cao. Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch cao chiếm trên 30%, công nghệ bảo quản, xử lý sau thu hoạch lạc hậu, yếu kém về cơ sở hạ tầng, logistics và chính sách về phát triển ngành rau quả chưa rõ nét, đã làm giảm tính cạnh tranh của rau quả xuất khẩu.
Hệ thống thông tin thị trường còn hạn chế, chưa có những nghiên cứu sâu, toàn diện về cung cầu ngành hàng trái cây, nhất là những thị trường lớn. Bên cạnh xuất khẩu quả tươi chiếm quá lớn, khoảng 80%, nên việc cạnh tranh thương mại giữa các nước sản xuất, rào cản kỹ thuật từ các nước nhập khẩu và những yêu cầu về an toàn thực phẩm… đang là rào cản lớn cho rau quả xuất khẩu. 
Ông Cao Văn Hóa, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, cho biết: “Toàn tỉnh có hơn 72.000ha trái cây với sản lượng 1,3 triệu tấn/năm, dẫn đầu khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, việc chế biến rau quả mới đạt dưới 10% do hệ thống chế biến chưa được quan tâm đầu tư đúng mức; liên kết giữa sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu còn yếu; người tiêu dùng ít biết đến các sản phẩm của DN chế biến trong tỉnh. Hoạt động chuỗi trái cây chưa có sự hợp tác chặt chẽ giữa DN nông dân, dẫn đến lợi nhuận chia sẻ không đồng nhau và nông dân luôn bị thiệt thòi. Đây là vấn đề phải khắc phục sớm”. 
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cả nước hiện có 145 DN chế biến trái cây, tập trung ở 28 tỉnh, thành phố. Đa phần nhà máy chế biến trái cây được nhập công nghệ của các nước Đông Âu từ hàng chục năm trước, đến nay đã lạc hậu khiến giá thành sản phẩm cao. Bên cạnh đó, đa số nhà máy chế biến có quy mô nhỏ, chưa xây dựng được vùng nguyên liệu, khả năng đầu tư và đổi mới chậm, chất lượng sản phẩm chế biến chưa cao, khó đáp ứng đòi hỏi khắt khe của thị trường khó tính như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản. 
Vấn đề nữa là nông dân rất khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Ông Đàm Văn Hưng, Giám đốc DNTN kinh doanh trái cây Hương Miền Tây (Bến Tre), cho biết: “DN xuất khẩu trái cây đòi hỏi nguồn vốn khá lớn. Như cơ sở Hương Miền Tây đầu tư kho lạnh 1.400 tấn để bảo quản, dự trữ bưởi da xanh hơn 10 tỷ đồng. Vào vụ thu hoạch rộ bưởi da xanh từ tháng 7 đến Tết Nguyên đán hàng năm, mỗi ngày Hương Miền Tây thu mua hơn 100 tấn bưởi, cần khoảng 4 tỷ đồng/ngày. Nhưng khi DN đề nghị vay vốn, ngân hàng giải ngân hạn chế, từ đó gặp khó trong thu mua, chế biến, bảo quản và xuất khẩu trái cây”.
Xuất khẩu rau quả: Thời cơ đầu tư phát triển bền vững ảnh 1 Tiềm năng rất lớn cho trái cây Việt Nam xuất khẩu. Ảnh: HUỲNH LỢI 
Dồn sức tháo gỡ 
Xác định rau quả là một trong những lĩnh vực cần đột phá để phát triển, Bộ NN-PTNT kiến nghị Chính phủ ban hành một số chính sách mới nhằm thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu trái cây, như hỗ trợ chuyển đổi giống mới, cải tạo vườn tạp thành vùng tập trung, tổ chức vùng sản xuất trái cây liên kết rải vụ; hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất an toàn; chính sách khuyến nông, liên kết giữa DN với nông dân và nhà khoa học; xây dựng mã số cho vùng sản xuất trái cây tập trung phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu; hỗ trợ trong bảo quản, chế biến, sau thu hoạch; xem xét miễn giảm thuế, phí kho bãi, vận chuyển đối với trái cây tươi xuất khẩu qua đường hàng không; đẩy mạnh xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu rau quả… 
Tham dự diễn đàn “Phát triển thị trường cho ngành rau, củ, quả”, vừa diễn ra ở Đồng Tháp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Nhu cầu tiêu thụ rau quả trong nước và quốc tế còn rất lớn. Trong đó, thị trường là mục đích để sản xuất, sản xuất phải gắn với thị trường. Cùng với xuất khẩu, thị trường trong nước cũng là cơ hội, bởi người dân cần được hưởng rau quả ngon, chất lượng…
Tới đây, các bộ, ngành, địa phương cần làm tốt quy hoạch phát triển dài hạn gắn nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; đầu tư mạnh hơn cho hạ tầng, giảm chi phí vận chuyển. Hoàn thiện chính sách đầu tư về rau quả từ xây dựng vùng nguyên liệu đến xây nhà máy chế biến, bảo quản, xuất khẩu. Khuyến khích phát triển liên kết chuỗi giá trị, ưu tiên cho phát triển kinh tế hợp tác như hợp tác xã, tổ hợp tác gắn với DN. Các địa phương cần tránh tình trạng có nhà máy sản xuất mà thiếu vùng nguyên liệu.  

Các tin khác