Xuất khẩu đang bị lỡ cơ hội

(ĐTTCO) - Thị trường không đứng yên để chờ DN xuất khẩu. Bởi lẽ, khi xuất khẩu bị lỡ nhịp, DN chính là đối tượng trực tiếp chịu nhiều thiệt hại và mất thị phần.

Tưởng cơ hội đã đến trong mùa dịch…
Quý I-2020 trầm lắng với tình hình sản xuất và kinh doanh ảm đạm do tác động của dịch Covid-19 làm đứt gãy nguồn cung nguyên liệu, thị trường đóng băng, thiếu hụt nhân công, thâm hụt vốn cho các chi phí sản xuất. Tuy nhiên, bước sang đầu quý II, các DN dệt may trong nước bắt đầu le lói chút hy vọng khi nhu cầu tiêu thụ khẩu trang ở các nước nóng lên trước sự bùng phát của dịch bệnh.
Theo thông tin từ Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), từ đầu tháng 4, nhiều quốc gia tại châu Âu, châu Mỹ bắt đầu gia tăng nhu cầu nhập khẩu khẩu trang, thiết bị phòng, chống dịch để phục vụ công tác phòng, chống Covid-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp. Đơn cử, thị trường Mỹ đang có nhu cầu nhập khoảng 500 triệu khẩu trang y tế N95, 200 triệu khẩu trang các loại, 1.000 máy trợ thở, 1 tỷ đôi găng tay, 100 triệu bộ áo choàng y tế, 50 triệu bộ áo bảo hộ phòng dịch... Ngoài ra, các thị trường khác như Tây Ban Nha, Kazakhstan, Canada, Nga... cũng đang cần nhập khẩu các sản phẩm khẩu trang và trang thiết bị bảo hộ y tế.
Xuất khẩu đang bị lỡ cơ hội ảnh 1
Trong bức tranh xám của tình hình xuất khẩu giữa mùa dịch, những thông tin trên ít nhiều đã trở thành động lực để DN dệt may tái cơ cấu sản xuất, chuyển hướng sang sản phẩm mới khẩu trang để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Theo đánh giá của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sản xuất và xuất khẩu khẩu trang đang được xem là giải pháp trước mắt tương đối hữu hiệu, để cứu các DN dệt may Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. 
Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), người dân châu Âu, Mỹ đang thay đổi hành vi, trở nên có nhu cầu hàng ngày hơn về đeo khẩu trang. Do đó nhu cầu đang tăng mạnh. 
Không bỏ lỡ cơ hội này, hiện đã có khoảng 15% DN dệt may thuộc top đầu đã nhập dây chuyền sản xuất khẩu trang và tự đi tìm nguồn ra xuất khẩu. Các DN nhỏ hoặc gia công cũng tranh thủ khai thác thị trường này để duy trì sản xuất, giữ chân công nhân, chủ động liên kết để tìm đầu ra cho sản phẩm. Đáng chú ý, trung tuần tháng 4, Chính phủ đã đồng ý xuất khẩu khẩu trang y tế, trang phục phòng hộ, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch theo nguyên tắc bảo đảm đủ cho nhu cầu trong nước (gồm cả dự trữ). 

Nhưng vướng rào cả quy định chồng chéo
Tuy nhiên, việc xuất khẩu khẩu trang của DN dệt may trên thực tế không “xuôi chèo mát mái”. Quy định về đảm bảo nhu cầu dự trữ trong nước (ước tính 14 triệu chiếc khẩu trang) mới được xuất khẩu đang trở thành rào chắn gây khó khăn cho DN xuất khẩu.
Hiện Bộ Y tế vẫn chưa tổ chức đấu thầu mua khẩu trang, cũng như chưa có thông báo cụ thể về việc đã mua dự trữ đủ số khẩu trang theo quy định hay chưa, trong khi lượng khẩu trang các DN sản xuất ra tồn đọng trong các kho ngày càng nhiều. Theo Bộ Công Thương, năng lực cung ứng của các DN dệt may lên tới 11 triệu khẩu trang/ngày, nhưng do đầu ra bị hạn chế khiến tồn kho tăng khoảng 20 triệu chiếc. Nghịch lý trên do sự chồng chéo về quy định giữa các bộ, khiến DN phải xếp hàng đợi, không biết đến bao giờ mới được phép xuất khẩu.
Không riêng khẩu trang, việc xuất khẩu gạo hồi đầu tháng 4 cũng chịu chung số phận. Sự nhập nhằng về quy định giữa dự trữ gạo bắt buộc với xuất khẩu đã khiến “hạt gạo làng ta” đánh mất cơ hội xuất khẩu được giá cao. Đầu tháng 5, Chính phủ đồng ý cho xuất khẩu gạo trở lại, song đây cũng là thời điểm các nước trong khu vực như Thái Lan, Ấn Độ đã vào mùa thu hoạch, giá gạo trên thị trường thế giới bắt đầu chu kỳ xuống giá khi nguồn cung bắt đầu ổn định. Các DN xuất khẩu gạo Việt Nam đã không còn lợi thế về giá trên thị trường.
Thực tế, sự “chéo chân nhau” về chính sách đối với xuất khẩu các mặt hàng DN Việt Nam có lợi thế trên thị trường thế giới không phải bây giờ mới xảy ra. Trong những năm qua, có lúc các DN xuất khẩu trong nước đã buộc phải kêu trời vì những quy định bất hợp lý giữa các cơ quan quản lý với nhau. 
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Thành, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), những bất cập trong xuất khẩu gạo hay khẩu trang vừa qua, cho thấy sự chồng chéo về chính sách cũng như sự thiếu thống nhất và điều hành tập trung của Chính phủ.
“Bản thân Cục Dự trữ quốc gia hay là bất kỳ cơ quan nào của Nhà nước, khi tham gia thị trường phải có tư duy thị trường và chấp nhận những diễn biến, nguyên tắc của thị trường, không phải cứ thích làm gì thì làm” - ông Thành nói và nhận xét hiện nay chế độ quota chúng ta đang áp dụng đối với DN xuất khẩu đã tương đối cũ, lạc hậu. Do đó, vấn đề hiện nay là cần cân đối giữa khối lượng tiêu dùng và khối lượng sản xuất ra ở mức hợp lý, khi đã đủ rồi phải cho phép xuất khẩu. 
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 4 ước tính đạt 19,7 tỷ USD, giảm tới 18,4% so với tháng 3 và giảm 3,5% so với cùng kỳ 2019. Nhìn chung, kim ngạch xuất khẩu hầu hết nhóm hàng đều sụt giảm so với tháng 3. Trong bối cảnh đó, những hàng hóa xuất khẩu đang có nhu cầu cao từ thị trường thế giới và cũng là mặt hàng DN Việt Nam đang có thế mạnh như khẩu trang, gạo không nhiều.
Đây cũng là nhóm mặt hàng được kỳ vọng là điểm sáng trong bức tranh ảm đạm về xuất khẩu trước tác động tiêu cực của Covid-19. Song, sự chồng chéo về các quy định xuất khẩu giữa các cơ quan quản lý đã làm việc xuất khẩu bị chững lại, khiến các DN bị lỡ cơ hội có lợi thế về giá cũng như thị phần. 
 Sự chồng chéo về các quy định xuất khẩu giữa các cơ quan quản lý đã làm việc xuất khẩu bị chững lại, khiến DN bị lỡ cơ hội có lợi thế về giá cũng như thị phần.

Các tin khác