Xuất khẩu đang ấm lên

(ĐTTCO) - Thông tin mới nhất từ ngành chức năng và doanh nghiệp (DN), hoạt động xuất khẩu của Việt Nam tại nhiều thị trường đang tăng lên. Những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn vẫn là nông thủy hải sản, lương thực thực phẩm, điện, điện tử, dệt may…

Chế biến thực phẩm xuất khẩu tại Công ty Cofidec, quận 12, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Chế biến thực phẩm xuất khẩu tại Công ty Cofidec, quận 12, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 48,55 tỷ USD

Ghi nhận tại Công ty cổ phần May Sài Gòn 3 những ngày đầu tháng 3, hơn 850 công nhân vẫn đang miệt mài hoàn thiện những đơn hàng đã được ký kết từ cuối năm 2020. Ông Phạm Xuân Hồng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần May Sài Gòn 3 cho biết, tình trạng bị động trong giao thương ở giai đoạn đầu dịch Covid-19 đã được doanh nghiệp và chính phủ các nước khắc phục thông qua phát triển mạnh nền tảng kinh tế số. Tại Việt Nam, trong năm 2020, tiến độ số hóa nền tảng giao dịch thương mại điện tử giữa Việt Nam với các quốc gia được cơ quan chức năng gấp rút triển khai. Nhờ vậy mà công ty vẫn duy trì được doanh thu. Cuối năm 2020, mỗi công nhân công ty nhận thưởng tết khoảng 30 triệu đồng/người, tương ứng 2,5 tháng lương. 

Ghi nhận thêm tại Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam, Công ty TNHH Sản xuất thương mại Cát Thái, Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh… cho thấy, không khí làm việc tại các nhà xưởng và dây chuyền sản xuất khá sôi nổi. Đại diện Công ty TNHH Sản xuất thương mại Cát Thái chia sẻ, đầu năm 2021 đến nay, công ty vẫn duy trì sản xuất đều đặn, kể cả những ngày tết. Công ty cũng vừa hoàn thành và chuyển đi nhiều đơn hàng xuất khẩu cho đối tác ở các thị trường Malaysia, Singapore, Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Đại diện tham tán thương mại tại Australia cho biết, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Australia trong tháng 1 đạt gần 392 triệu USD, tăng 62,08%. Ghi nhận thực tế cho thấy, dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu là nhóm hàng chất dẻo nguyên liệu có mức tăng cao nhất đến hơn 900%. Kế đến, nhóm hàng dây điện và dây cáp điện tăng 329,68%, đồ chơi và bộ phận đồ chơi tăng 218,11%, thủy sản có mức tăng 106,09%. Còn lại nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ, dệt may, giày dép có mức tăng 62,72% - 72,47%. Riêng nhóm hàng nông sản rau quả tăng 37,16%... 

Nhiều tham tán thương mại tại khu vực thị trường châu Âu cũng cho biết, hàng hóa xuất khẩu vào thị trường chính của châu Âu như Anh, Pháp, Đức, Đan Mạch, Thụy Điển… cũng ghi nhận đã “ấm” lên sau một thời gian bị gián đoạn. Đơn cử tại Thụy Điển, chỉ riêng trong tháng 1, kim ngạch xuất khẩu đã đạt khoảng 132 triệu USD, tăng 99,94% so với cùng kỳ năm trước. Dẫn đầu là nhóm hàng thủy sản với mức tăng ấn tượng, đạt hơn 1.767%. Kế đến là sản phẩm từ sắt thép với hơn 488%; hàng điện thoại các loại và linh kiện, gốm sứ đứng vị trí thứ 3 với cùng mức tăng trên 202%. Ở những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực khác như dệt may, da giày, đồ chơi, dụng cụ thể thao, sản phẩm mây tre cói… có mức tăng rất cao từ 44% đến hơn 145%. 

Xuất khẩu đang ấm lên ảnh 1Sản xuất tại Công ty cổ phần gỗ Trường Thành. Ảnh: CAO THĂNG

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết thêm, từ đầu năm đến nay, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 48,55 tỷ USD, tăng gần 23% so với cùng kỳ 2020. Trước đó, trong tháng 1, kim ngạch xuất khẩu có mức tăng rất ấn tượng, đạt gần 27,7 tỷ USD, tăng 50,5% so với cùng kỳ. Những thị trường xuất khẩu chủ lực của hàng hóa Việt Nam vẫn là Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước khối ASEAN…

Kết nối số mở lối xuất khẩu cho doanh nghiệp

Trên thực tế, Bộ Công thương đã thiết lập và đưa nhanh vào ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử với các thị trường xuất khẩu. Trước mắt, bộ đã bắt tay cùng Liên minh châu Âu (EU) thành lập sàn giao dịch thương mại điện tử Việt Nam - EU. Theo ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương, EU27 là thị trường có kim ngạch nhập khẩu đứng thứ 2 thế giới, chiếm 14,9% tổng nhập khẩu toàn cầu. Dù đây là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của nước ta, nhưng ta mới chiếm thị phần khoảng 2% trong tổng nhập khẩu của EU. Do vậy, cơ hội để tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt đối với nhóm hàng nông, lâm, thủy sản vào thị trường này là rất lớn. 

Riêng với những thị trường còn lại, các cơ quan tham tán thương mại thúc đẩy thành lập trang thông tin nhằm cập nhật kịp thời những diễn biến nhu cầu tiêu dùng trên thị trường. Đồng thời, với những DN có nhu cầu, các tham tán thương mại sẽ trực tiếp hỗ trợ kết nối với đối tác. 

Ở góc độ khác, ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT chia sẻ, trong khuôn khổ chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, đã có hơn 500 DN được bộ và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hỗ trợ triển khai số hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo đó, các DN không chỉ được hỗ trợ chuyển đổi nhận thức, mà còn được hỗ trợ số hóa các hoạt động kinh doanh, quy trình quản trị, quy trình công nghệ, sản xuất và chuyển đổi số toàn diện để tạo ra sản phẩm, dịch vụ, mô hình mới. Từ nay đến năm 2025, bộ sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ tối thiểu 100.000 DN thực hiện chuyển đổi số, trong đó sẽ ưu tiên nhóm DN sản xuất, chế biến, chế tạo.

Còn xét ở phạm vi rộng hơn, theo giới chuyên gia kinh tế, những FTA mà các nước ký kết đã dành cho Việt Nam mức cam kết ưu đãi cao nhất. Có đến 99% dòng thuế hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam được xóa bỏ ngay lập tức hoặc sẽ xóa bỏ trong 7 - 10 năm. Lợi thế này cộng với sự nỗ lực số hóa nền kinh tế mà Chính phủ đang triển khai không chỉ mang đến cơ hội về tăng trưởng xuất khẩu mà còn giúp DN nước ta đẩy mạnh công tác tái cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, quy cách đóng gói... từng bước đưa hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong một nghiên cứu của Trung tâm Kinh doanh toàn cầu của Đại học Tufts (Hoa Kỳ) chỉ ra, hiện Việt Nam đang đứng ở vị trí 48/60 quốc gia có tốc độ chuyển đổi kinh tế, số hóa nhanh trên thế giới, đồng thời ở vị trí 22 về tốc độ phát triển số hóa. Những con số này đã chứng tỏ sự thay đổi lớn trong mô hình kinh doanh của các DN Việt Nam, đáp ứng diễn biến mới của kinh tế thế giới hiện nay, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 dự báo còn kéo dài.

Xuất khẩu gỗ vào Hoa Kỳ tăng mạnh

Theo Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (Hawa), năm 2021, thị trường Hoa Kỳ tăng nhập khẩu sản phẩm gỗ để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Tuy nhiên, không chỉ riêng Việt Nam, Hoa Kỳ nhập khẩu gỗ từ rất nhiều nước trong khu vực châu Á. Thị trường nước này kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc, tính hợp pháp của sản phẩm và giám sát theo chuỗi cung ứng từ nguyên liệu đến sản phẩm. Do đó, để khai thác hiệu quả thị trường Hoa Kỳ, doanh nghiệp phải thường xuyên cập nhật các quy định pháp luật liên quan, phòng tránh các rủi ro về thương mại. Cục Lâm nghiệp Hoa Kỳ đang phát triển các thiết bị thẩm định gỗ để hỗ trợ Việt Nam trong việc kiểm soát tốt hơn nguồn gốc, tính hợp pháp của sản phẩm gỗ xuất khẩu. Theo Hawa, năm 2020, kim ngạch ngành gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt trên 13 tỷ USD. Trong đó, thị trường Hoa Kỳ đạt hơn 7 tỷ USD, tăng 34% so với năm 2019.

THANH HẢI

Các tin khác