Xóa điểm nghẽn đào tạo nghề

LTS: Với mục tiêu xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình và “sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á”, Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ TPHCM (nhiệm kỳ 2015-2020) đã xác định 7 chương trình đột phá. Ngoài 6 chương trình thực hiện từ nhiệm kỳ 2010-2015 (Đào tạo nguồn nhân lực; Cải cách hành chính; Chuyển dịch cơ cấu kinh tế; Giảm ô nhiễm môi trường; Giảm ngập nước; Giảm ùn tắc giao thông), nhiệm kỳ này bổ sung thêm một chương trình mới: Chỉnh trang đô thị. Qua 5 năm triển khai, 6 chương trình đột phá đã góp phần tích cực tạo sự chuyển biến toàn diện cho TPHCM. Quá trình thực hiện các chương trình đột phá, lãnh đạo các địa phương, đơn vị luôn trăn trở, đấu tranh giữa một bên là những nguyên tắc cũ chưa kịp thay đổi với một bên là mục tiêu chăm lo đời sống nhân dân một cách tốt nhất và phát triển một đô thị bền vững.

LTS: Với mục tiêu xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình và “sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á”, Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ TPHCM (nhiệm kỳ 2015-2020) đã xác định 7 chương trình đột phá. Ngoài 6 chương trình thực hiện từ nhiệm kỳ 2010-2015 (Đào tạo nguồn nhân lực; Cải cách hành chính; Chuyển dịch cơ cấu kinh tế; Giảm ô nhiễm môi trường; Giảm ngập nước; Giảm ùn tắc giao thông), nhiệm kỳ này bổ sung thêm một chương trình mới: Chỉnh trang đô thị. Qua 5 năm triển khai, 6 chương trình đột phá đã góp phần tích cực tạo sự chuyển biến toàn diện cho TPHCM. Quá trình thực hiện các chương trình đột phá, lãnh đạo các địa phương, đơn vị luôn trăn trở, đấu tranh giữa một bên là những nguyên tắc cũ chưa kịp thay đổi với một bên là mục tiêu chăm lo đời sống nhân dân một cách tốt nhất và phát triển một đô thị bền vững.

 

Một người mang vác đồ vật nặng nề, đường đi có nhiều chướng ngại vật, người đó có thể đi nhanh được không? Khi sức lực đã đến giới hạn, nếu người đó có đề ra thành tích cao để phấn đấu, cũng không thể đạt được. Nhưng nếu bỏ bớt những đồ vật không cần thiết và gạt vật cản trên đường, tốc độ chắc chắn sẽ tăng lên.

Trong chương trình Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực - một trong 7 chương trình đột phá của TPHCM giai đoạn 2015-2020, điều quan trọng là phải xác định đúng hướng đột phá: Hướng đến chỉ tiêu cao hay trực diện khai thông các điểm nghẽn?

Mục tiêu đột phá

Nhiệm vụ cụ thể của chương trình Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được TP đặt ra là: “Vừa nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chung vừa chú trọng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học - công nghệ; tập trung cho những ngành, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao, có vai trò quyết định, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội TP”.

Để có thể tạo được bước đột phá như nhiệm vụ đặt ra, trước hết TP cần làm rõ một số vấn đề. Đột phá về giáo dục đào tạo, về nâng chất nguồn nhân lực có thể đạt được kết quả trong một nhiệm kỳ 5 năm tới là gì? Nền giáo dục nước ta lại đang đứng ở trình độ phát triển còn khá thấp so với khu vực và thế giới. Bản thân chương trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo vẫn còn đang loay hoay với những thay đổi gây bức xúc xã hội, như cách thi cử, “tích hợp”… Riêng chương trình Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của TP, có 6 chương trình nhánh, đã thực hiện 5 năm qua và vẫn còn nhiều khó khăn, hiệu quả cũng chưa như mong muốn. Trong 5 năm tới, nếu so sánh thực trạng với yêu cầu nhiệm vụ và thời gian thực hiện thì dường như đây là nhiệm vụ vượt quá khả năng hoàn thành.

Lựa chọn ngành, lĩnh vực cụ thể nào “có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao” để tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng là vấn đề đáng bàn. Hiện nay, ở TP có rất nhiều ngành và lĩnh vực cần nâng cao hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng như: công nghiệp nặng, xây dựng, giao thông vận tải, tài chính ngân hàng, y tế, công nghệ thông tin… Nếu không xác định đúng ngành nghề chủ yếu thì việc đột phá có thể bị lãng phí, hoặc không đủ sức do dàn trải.

Về vấn đề xác định mục tiêu đột phá cụ thể, như trên đã nói, TP có 6 chương trình nhánh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đã được thực hiện 5 năm nhưng chưa tạo ra kết quả vượt trội và còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong 6 chương trình nhánh, không có nội dung nào trực tiếp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các ngành “có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao”. Và cho dù có đột phá cả 6 chương trình nhánh thì trong một nhiệm kỳ 5 năm cũng không đủ để tạo ra yếu tố “quyết định phát triển đột phá về kinh tế, văn hóa, xã hội của TP”, vì điều đó thuộc về chiến lược, chính sách và vốn đầu tư. 

Nên khai thông các “điểm nghẽn”

Đột phá không có nghĩa là chỉ nhằm vào chỉ tiêu cao, mà có thể phải đổi hướng: đột phá vào những điểm nghẽn để phát triển. Vì cơ hội và thách thức không hoàn toàn độc lập với nhau nên không thể tiếp cận cơ hội mà không cần vượt qua thách thức. Không trèo lên cây cao thì khó hái được trái chín.

Theo tổng kết của UBND TPHCM, mặc dù đã nỗ lực rất lớn và 6 chương trình nhánh đã được thực hiện 5 năm nhưng kết quả còn rất hạn chế, do 4 nguyên nhân thuộc về quy hoạch, về cơ chế phối hợp, kiểm tra và kinh phí. Từ nguyên nhân thiếu kinh phí có thể suy ra một nguyên nhân khác, đó là sự dàn trải cho cả 6 chương trình nên không đủ nguồn lực. Như vậy, nếu nhiệm kỳ này chỉ nêu “quyết tâm” bằng cách nói như “đẩy mạnh, tăng cường, quyết liệt…” thì kết quả cũng không thể tăng hơn đáng kể so với giai đoạn trước. Ngay cả khi tăng kinh phí lên gấp nhiều lần cũng không nhất định đạt được kết quả cao vì còn tùy thuộc vào các khó khăn khác. Như thế, nên chăng cần ưu tiên nguồn lực cho chương trình nhánh nào có yêu cầu cấp bách nhất. Có lẽ đó là chương trình nhánh thứ 2: Nâng cao chất lượng đào tạo dạy nghề, vì yêu cầu nguồn nhân lực để hội nhập vào Cộng đồng ASEAN và thị trường lao động trong khu vực đã đến rất gần. Các chương trình khác vẫn phát triển bình thường để bảo đảm tính toàn diện.

Về việc nâng chất lượng đào tạo nghề, ngoài 3 khó khăn về công tác dự báo nhu cầu nhân lực không chính xác, chất lượng đào tạo nghề chưa đáp ứng được yêu cầu, mất cân đối cung - cầu lao động và cơ sở vật chất trang thiết bị dạy nghề còn hạn chế như UBND TPHCM đánh giá, còn có khó khăn lớn hơn. Đó là tình trạng xuống cấp chung của nền giáo dục, cả về trình độ chuyên môn, phương pháp sư phạm, trách nhiệm và văn hóa giáo dục (tình trạng thương mại hóa). Đó là khó khăn nằm ngoài khả năng tự khắc phục của ngành giáo dục đào tạo TPHCM, nhưng có thể  hạn chế mức độ tác hại. 

Và như vậy, mấu chốt của hướng đột phá vẫn sẽ là khai thông những điểm nghẽn này chứ chưa phải là lúc ta đặt ra những chỉ tiêu cao khó với. Khai thông những điểm nghẽn bằng sự chỉ đạo tập trung, chặt chẽ và có trách nhiệm cao hơn; xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ hơn giữa cơ sở đào tạo dạy nghề và doanh nghiệp, có sự ưu tiên kinh phí thích đáng hơn cho đào tạo nghề.

Thực chất, yêu cầu về chất lượng của thị trường lao động trong khu vực về kỹ năng tay nghề và giao tiếp bằng tiếng Anh không quá cao so với khả năng của lao động Việt Nam. Tuy nhiên, nếu so sánh mặt bằng năng suất lao động cấp quốc gia thì Việt Nam đang đứng ở bậc thấp nhất Đông Nam Á, kém cả nước Lào. Vậy tại sao lại có nghịch lý: Nhận thức cao, kỹ năng giỏi nhưng năng suất lao động cả nước lại thấp hơn các nước khác? Nghịch lý đó thuộc về mặt bằng trình độ phát triển của nền giáo dục thấp hơn khu vực; trình độ quản lý kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn nhiều bất cập giữa lý luận và thực tiễn; trình độ quản lý xã hội, pháp luật thiếu chặt chẽ nên tệ nạn tham ô, lãng phí, quan liêu đã kìm hãm năng suất lao động chung của cả nước.

Nghịch lý đã nêu trên có thể suy ra có cả một “hệ thống các điểm nghẽn” về đào tạo nguồn nhân lực. Với truyền thống năng động, sáng tạo, TPHCM hoàn toàn có khả năng đột phá khai thông những điểm nghẽn cụ thể của các chương trình đào tạo để tạo ra sự chuyển biến tích cực trong lĩnh vực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

  Hướng đột phá của nhiệm kỳ này nên nhằm vào việc khai thông những “điểm nghẽn” và yếu kém nhất về giáo dục đào tạo thì có lẽ sẽ thực tế hơn so với việc chỉ hướng đến những “tiêu chí cao” của giáo dục khu vực và thế giới. Những điểm nghẽn dễ nhận thấy nhất hiện nay là: Chưa xác định được một triết lý giáo dục Việt Nam; mâu thuẫn giữa thực hiện và chiến lược (tăng vọt học phí sẽ giảm dân trí); nội dung và chương trình giáo dục đã lạc hậu, không phù hợp với từng lứa tuổi; phương pháp giảng dạy áp đặt, hạn chế tính sáng tạo… Điều đáng lo ngại hơn là sự suy giảm về đạo đức nên rất khó giáo dục đạo đức cho giới trẻ.

Các tin khác