Xếp hạng CPI 2020: TPHCM đứng thứ 14

(ĐTTCO) – Ngày 15-4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2020 (PCI 2020) dựa trên khảo sát gần 12.300 doanh nghiệp (hơn 10.700 doanh nghiệp tư nhân và 1.600 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài - FDI).
Xếp hạng CPI 2020: TPHCM đứng thứ 14
Kết quả xếp hạng cho thấy, TPHCM đứng thứ 14 về xếp hạng chỉ số PCI với 65,7 điểm, thuộc nhóm các tỉnh thành ở mức khá. Như vậy, đây là năm thứ hai liên tiếp, TPHCM đã để “tuột” khỏi Top 10 – nhóm các tỉnh thành có chỉ số PCI cao (trước đó, điểm xếp hạng PCI năm 2019 của TPHCM là 67,16).
Năm 2020, Quảng Ninh là địa phương dẫn đầu bảng xếp hạng PCI năm thứ 4 liên tiếp với số điểm đánh giá 75,09, tăng 2,69 điểm so với năm 2019. Các vị trí tiếp theo thuộc về Đồng Tháp, Long An và Bình Dương nhờ những thay đổi tích cực trong các chỉ số thành phần. Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng tiếp tục giữ vị trí trong top 10 bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm nay, riêng Quảng Nam đã rời trong top 10, nhường chỗ cho Bắc Ninh.
Bảng xếp hạng PCI năm nay là năm thứ 4 liên tiếp ghi nhận điểm trung vị bình quân trên 60 trong thang điểm 100. Đánh giá về tầm qua trọng của chỉ số PCI, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhận xét, chỉ số này đã thúc đẩy những hành động thực chất của chính quyền các tỉnh, thành phố, cải thiện chất lượng điều hành và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Đó là việc xây dựng thực thi chính sách dựa trên bằng chứng từ kết quả do PCI cung cấp, là sự tìm tòi, phát triển những ý tưởng cải cách, những mô hình tốt cấp cơ sở.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, khoảng cách giữa tỉnh đứng đầu và cuối tiếp tục co hẹp, dấu hiệu thay đổi chất lượng điều hành, năng động, sáng tạo cấp tỉnh. Thực tế này được minh chứng qua các chỉ số được đánh giá như tính năng động, tiên phong của chính quyền địa phương được cải thiện, chi phí không chính thức tiếp đà giảm; cải cách hành chính có cải thiện đáng kể và môi trường kinh doanh ngày càng bình đẳng.
Tuy nhiên, kết quả điều tra cũng cho thấy chính quyền cấp tỉnh cần cải thiện mạnh mẽ tính minh bạch của môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng thực thi hệ thống chính quyền cấp cơ sở. Đồng thời, đà cải cách thủ tục hành chính, giảm gánh nặng thanh, kiểm tra... cũng cần sự vào cuộc, nỗ lực hơn nữa từ chính quyền các địa phương.

Các tin khác