Xây dựng du lịch An Giang thân thiện, hấp dẫn

(ĐTTCO)-Nhiều năm qua, du lịch An Giang thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, vui chơi, nghỉ dưỡng. Để tiếp tục phát huy tiềm năng và lợi thế, tỉnh An Giang vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030.
Rừng tràm Trà Sư - điểm du lịch hấp dẫn ở An Giang. Ảnh: Sao Mai
Rừng tràm Trà Sư - điểm du lịch hấp dẫn ở An Giang. Ảnh: Sao Mai
Ông Nguyễn Khánh Hiệp, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh An Giang, cho biết toàn tỉnh hiện có khoảng 97 cơ sở lưu trú du lịch (1 khách sạn 4 sao, 6 khách sạn 3 sao, 7 khách sạn 2 sao, 39 khách sạn 1 sao), cùng 13 công ty lữ hành (gồm 2 công ty lữ hành nội địa, 11 công ty lữ hành quốc tế).
An Giang có 15 địa điểm tham quan, du lịch phục vụ đa dạng nhu cầu vui chơi của du khách. Thống kê 8 tháng năm 2020, các điểm du lịch trong tỉnh đón hơn 4,8 triệu lượt khách, đạt 74% kế hoạch năm, doanh thu từ hoạt động du lịch hơn 3.060 tỷ đồng, đạt 77% so với kế hoạch năm.
Từ nay đến cuối năm, tỉnh tập trung khôi phục ngành du lịch, tích cực phối hợp cùng các tỉnh ĐBSCL và TPHCM triển khai nhiều chương trình kích cầu du lịch, thu hút khách; đưa ra những sản phẩm mới, chất lượng để phục vụ du khách trong nước và quốc tế. 
Theo ông Nguyễn Khánh Hiệp, một trong những nhiệm vụ quan trọng thời gian tới là triển khai thực hiện chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030, theo hướng khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tăng tỷ lệ đóng góp trong cơ cấu GRDP chung của tỉnh, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển các ngành dịch vụ, tạo công ăn việc làm cho xã hội.
Xây dựng thương hiệu và phấn đấu đưa An Giang trở thành trung tâm du lịch vùng ĐBSCL và cả nước. Mục tiêu năm 2025, ngành du lịch của An Giang đón 10 triệu lượt khách, trong đó tỷ trọng khách lưu trú chiếm 30%; đến năm 2030, đón 14,5 triệu lượt khách, tăng khách lưu trú lên 35%. Dự kiến tổng doanh thu từ du lịch năm 2025 đạt khoảng 7.000 tỷ đồng; năm 2030 khoảng 10.000 tỷ đồng.
Để đạt mục tiêu trên, An Giang tập trung xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch đặc trưng và chất lượng cao, trên cơ sở phát huy giá trị tài nguyên, thế mạnh.
Trong đó, ưu tiên phát triển du lịch văn hóa làm nền tảng, phát triển du lịch sinh thái; đồng thời phát triển các loại hình du lịch mới trên cơ sở khai thác tài nguyên và gắn kết các sản phẩm liên ngành; hình thành các sản phẩm phục vụ nhu cầu mua sắm tạo giá trị gia tăng như du lịch làng nghề, du lịch ẩm thực… 
Đối với du lịch nội địa, tỉnh sẽ phát triển mạnh thị trường khách du lịch đến từ TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Đông Nam bộ, các tỉnh miền Trung - Tây nguyên, các tỉnh ĐBSCL và các tỉnh phía Bắc.
Trong đó tỉnh chú trọng thu hút khách du lịch văn hóa - tâm linh, lễ hội, du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng, du lịch tìm hiểu đời sống sông nước, miệt vườn; từng bước mở rộng thị trường khách du lịch theo chuyên đề và du lịch vui chơi giải trí.
Đối với khách du lịch quốc tế sẽ thu hút du khách đến từ các nước như Mỹ, Pháp, Australia, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Campuchia... 
Trong tương lai An Giang sẽ thu hút nhiều hơn khách du lịch đến từ thị trường Tây Âu, Bắc Mỹ và Đông Bắc Á (nhất là các quốc gia như Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và các nước có nhu cầu nghỉ đông dài ngày như Anh, Hà Lan, Nga).
Cùng với đó, các sản phẩm du lịch đặc thù như trải nghiệm đời sống sông nước, sinh thái, tìm hiểu di sản văn hóa... sẽ được phát huy. Đặc biệt, An Giang chú trọng thu hút phân khúc thị trường du khách có khả năng chi tiêu cao, lưu trú dài ngày.
Ông Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, khẳng định tới đây tỉnh tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực và chất lượng cung ứng du lịch, kết cấu hạ tầng, xúc tiến quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch. Triển khai thực hiện chương trình quy hoạch tổng thể phát triển du lịch An Giang; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch; xúc tiến quảng bá du lịch…
Xây dựng và đẩy mạnh bộ nhận dạng thương hiệu du lịch An Giang, với mục tiêu xây dựng hình ảnh và định vị du lịch An Giang là điểm đến “an toàn, thân thiện, hấp dẫn”. 
Tỉnh cũng sẽ tăng cường đào tạo, tập huấn con người nhằm xây dựng đội ngũ nhân viên phục vụ trong lĩnh vực du lịch chuyên nghiệp, lành nghề, ấn tượng.
Hoàn thiện và ban hành các cơ chế, chính sách phát triển du lịch nhằm cải thiện điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ du lịch; các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch nhằm khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia xây dựng các cơ sở lưu trú du lịch, phát triển du lịch cộng đồng; tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách, tăng tỷ lệ đóng góp vào GRDP của tỉnh… 

Các tin khác