Vốn đầu tư toàn xã hội tăng 3,8% trong quý I

Theo Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý I theo giá hiện hành ước đạt 214.800 tỉ đồng, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước và bằng 28,4% GDP.

Theo Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý I theo giá hiện hành ước đạt 214.800 tỉ đồng, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước và bằng 28,4% GDP.

Vốn đầu tư khu vực ngoài Nhà nước tăng mạnh

 

Theo Tổng cục Thống kê, vốn khu vực Nhà nước đạt 78.400 tỉ đồng, chiếm 36,5% tổng vốn và tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước. Vốn khu vực ngoài Nhà nước đạt 77.500 tỉ đồng, chiếm 36,1% và tăng 6,9%. Vốn khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 58.900 tỉ đồng, chiếm 27,4% và tăng 4,4%.

Trong vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn từ ngân sách Nhà nước thực hiện quý I ước đạt 34.400 tỉ đồng, bằng 19% kế hoạch năm và giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2013. Vốn Trung ương quản lý đạt 6.701 tỉ đồng, bằng 17% kế hoạch năm và giảm 3,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn đầu tư thực hiện của Bộ GTVT là 1.247 tỉ đồng, bằng 27,5% và giảm 2,3%; Bộ NNPTNT 658 tỉ đồng, bằng 18,9% và giảm 1,3%...

Vốn địa phương quản lý đạt 27.677 tỉ đồng, bằng 19,6% kế hoạch năm và giảm 2% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 19.144 tỉ đồng, bằng 18,5% và giảm 2,9%...

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau: Hà Nội đạt 3.967 tỉ đồng, bằng 16,9% kế hoạch năm và tăng 5% so với cùng kỳ năm trước; TPHCM đạt 2.049 tỉ đồng, bằng 12,1% và giảm 14,8%...

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc tăng vốn đầu tư toàn xã hội tác động một phần đến việc khôi phục tốc độ tăng trưởng GDP. Ông Bùi Hà, Vụ trưởng Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết: Có dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đã có xu hướng hồi phục với việc tăng trưởng GDP quý I/2014 ước đạt khoảng 4,96%. Đây là mức cao hơn so với mức tăng 4,76% của quý I/2013 và 4,75% của quý I/2012.

Giải ngân vốn FDI tăng 5,6%

Về tình hình đầu tư nước ngoài, tính chung trong quý I năm 2014, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 3,334 tỉ USD, bằng 50,4% so với cùng kỳ năm 2013. Tình hình hoạt động, trong quý I, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 2,850 tỉ USD, tăng 5,6% với cùng kỳ năm 2013.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), số vốn đăng ký trong quý I năm nay giảm so với cùng kỳ năm 2013 là do trong quý I năm 2013 có một số dự án “khủng” được cấp giấy chứng nhận đầu tư (như dự án Cty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên với tổng vốn đầu tư là 2 tỉ USD; dự án Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn điều chỉnh tăng vốn 2,8 tỉ USD).

Trong quý I, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 15 ngành, lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 141 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 2,332 tỉ USD, chiếm 69,9% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 288,3 triệu USD, chiếm 8,6% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ 3 là xây dựng với 20 dự án đầu tư mới, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 226,7 triệu USD.

Theo đối tác đầu tư, Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 765,6 triệu USD, chiếm 22,9% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Nhật Bản đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 414,3 triệu USD, chiếm 12,4% tổng vốn đầu tư. British Virgin Islands đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 382,3 triệu USD, chiếm 11,4% tổng vốn đầu tư.

Theo địa bàn đầu tư, Bình Dương là địa phương thu hút nhiều vốn ĐTNN nhất với tổng vốn đầu tư đăng ký là 788,8 triệu USD, chiếm 23,66% tổng vốn đầu tư đăng ký. TPHCM đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 709,8 triệu USD, chiếm 21,3%. Đồng Nai đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 427,5 triệu USD.

Các tin khác