Việt Nam đang ở cấp độ “chế biến chế tạo mức hạn chế” trong chuỗi giá trị toàn cầu

(ĐTTCO) – Tiếp nối thành công của diễn đàn xuất khẩu hàng năm, sáng ngày 18-11, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) đã tổ chức diễn đàn xuất khẩu 2020 với chủ đề “Dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và phát triển bền vững vùng cung ứng nguyên liệu sau dịch Covid -19”. 
Việt Nam đang ở cấp độ “chế biến chế tạo mức hạn chế” trong chuỗi giá trị toàn cầu
Theo các chuyên gia, Việt Nam đã trở thành “hình mẫu” trong công cuộc phòng chống đại dịch và hạn chế tác động tiêu cực tới nền kinh tế. Đây là thành tích đáng khích lệ và mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam trước một viễn cảnh toàn cầu chứa đựng đầy thách thức.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, mức độ tham gia của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực vẫn còn hạn chế, mặc dù là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới. Mức độ tham gia của Việt Nam vào các chuỗi giá trị toàn cầu vẫn thấp hơn nhiều so với các nước cùng khối ASEAN (Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines). 
Số liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, năm 2018 Việt Nam chỉ tạo ra được 20,4 tỷ USD thông qua việc tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, xếp thứ 53 trên tổng số 174 quốc gia. Con số này chưa bằng 1/4 của quốc gia tiếp theo trong khối ASEAN là Philippines với 84,8 tỷ USD (xếp thứ 34). Đồng thời, mức độ tham gia vào các công đoạn tinh vi phức tạp của Việt Nam vẫn còn thấp. 
Theo Báo cáo Phát triển Thế giới (WDR) năm 2020, mức độ tham gia của Việt Nam hiện nay đang ở cấp độ “chế biến chế tạo mức hạn chế” và cần tiến lên trong chuỗi giá trị toàn cầu để nâng cao năng suất. Một số quốc gia khác trong ASEAN như Malaysia, Thái Lan và Philippines hiện đã ở trình độ “chế biến chế tạo và dịch vụ tiên tiến” (cao hơn một cấp so với Việt Nam).  
Chuỗi giá trị toàn cầu hiện chiếm tới 66% giao dịch thương mại. Nhưng, mức độ nội địa hóa của Việt Nam vẫn còn ở mức thấp, chỉ đạt 28% trong tổng kim ngạch thương mại, thấp hơn gần 2 lần so với Trung Quốc. Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm để có thể tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. 
Ngay với các sản phẩm nông sản vốn được coi là thế mạnh của Việt Nam, ông Phạm Thiết Hòa, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn – TNHH MTV, cho biết còn rất nhiều việc phải làm để thúc đẩy đưa nông sản Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Giải pháp trước mắt là cần tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Bởi các hiệp định này có rất nhiều ưu đãi về thuế quan cho sản phẩm nông sản của Việt Nam. 
Ngoài ra, ông Hòa cũng khuyến nghị với cộng đồng doanh nghiệp một số giải pháp cụ thể khác nhằm đẩy mạnh đưa hàng vào chuỗi cung ứng toàn cầu như: tập trung đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại trong sản xuất và chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, tăng cường hợp tác kết nối với đối tác trong chuỗi cung ứng; tiếp cận và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; tối ưu hóa hiệu quả của dịch vụ logistics trong xuất khẩu nông sản; xây dựng và phát triển nền nông nghiệp hữu cơ thông qua cơ chế liên kết “6 nhà” (nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, ngân hàng, nhà doanh nghiệp và nhà phân phối); xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu quốc gia, đẩy mạnh việc cấp mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc cho nông sản Việt…
Đánh giá về sự phát triển của thương mại điện tử trong chuỗi cung ứng, ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc thương mại Kantar Worldpanel nhấn mạnh tới sự lên ngôi của số hóa thời Covid-19. Theo đó, đại dịch Covid-19 đã tác động toàn diện tới hành vi của người tiêu dùng khi họ ngày càng có xu hướng mua sắm trực tuyến nhiều hơn. Đây chính là những nền tảng để giúp cho hoạt động thương mại điện tử sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng thời gian tới.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp TPHCM tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu thì không thể thiếu vai trò của các cơ quan chức năng, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch thường trực UBND TPHCM cho biết: Thành phố xác định việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin thị trường, cách thức tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu một cách hiệu quả cũng như việc gia tăng tỷ trọng nguyên liệu nội địa trong cơ cấu hàng xuất khẩu là mục tiêu quan trọng hàng đầu. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế Việt Nam và thế giới, ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động xuất khẩu, song song đó, các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết như CPTPP, EVFTA… bắt đầu có hiệu lực thì diễn đàn xuất khẩu 2020 do ITPC tổ chức thường niên là hoạt động có nhiều ý nghĩa. 
Theo ông Nguyễn Hữu Tín, Giám đốc ITPC, trung tâm đã và đang tích cực triển khai các chương trình hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp để có thể tận dụng hiệu quả lợi thế mà các FTA đem lại cũng như nâng cao trình độ tham gia của Việt Nam vào các chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư...

Các tin khác