Việt kiều vẫn giữ hương vị Tết cổ truyền

(ĐTTCO)-Thời điểm này hàng năm, nhiều hoạt động đang được tất bật chuẩn bị để đón kiều bào về quê sum vầy nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Năm nay với ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhiều hoạt động phải thay đổi. Xung quanh câu chuyện đón xuân cùng kiều bào, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông VÕ THÀNH CHẤT (ảnh), Phó Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài tại TPHCM (gọi tắt là Ủy ban).
Việt kiều vẫn giữ hương vị Tết cổ truyền ảnh 1
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhiều kiều bào không thể về quê đón Tết, vậy các hoạt động của Ủy ban có thay đổi? 
Ông VÕ THÀNH CHẤT: - Hiện tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia. Nhiều nước vẫn đóng cửa, hạn chế tối đa các chuyến bay xuất và nhập cảnh, vì thế lượng kiều bào về quê đón Tết sẽ giảm mạnh, thậm chí không có.
Trước tình hình này, chúng tôi đã sớm tham mưu đề xuất với Thành ủy, UBND TPHCM về cách thức tổ chức gặp gỡ, đón kiều bào tinh gọn hơn với những hoạt động mới hơn.
Cụ thể, hội nghị dự kiến mời 300 đại biểu gồm lãnh đạo TP, sở ngành, doanh nhân, chuyên gia, trí thức, văn nghệ sĩ kiều bào tiêu biểu đang hoạt động tại TP cùng bà con kiều bào về đón Tết tại TP, thay vì 800-1.000 người như mọi năm. 
Ngoài hoạt động gặp gỡ thường niên chúng tôi cũng đề xuất tổ chức đưa kiều bào đi thăm các địa điểm nổi tiếng, giới thiệu những công trình tiêu biểu của TPHCM, như Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh; ga Nhà hát TP của tuyến metro số 1; tham quan toàn cảnh TPHCM bằng xe buýt 2 tầng qua 24 tuyến đường với 30 địa điểm tiêu biểu như Bảo tàng lịch sử Việt Nam, Thảo Cầm Viên, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, khu phố đi bộ Bùi Viện, chợ Bến Thành, tòa nhà Bitexco, buýt đường sông, Nhà hát TP, Dinh Thống Nhất, bến xe Miền Đông mới, khu tưởng niệm các vua Hùng tại Công viên lịch sử văn hóa dân tộc (quận 9)… Thời gian tổ chức ngày 4-2-2021 (tức 23 tháng chạp). 
Với kiều bào không thể về quê đón Tết, thông qua các hội đoàn người Việt Nam ở các nước, chúng tôi sẽ gửi thư chúc Tết tới bà con. Những năm trước chúng tôi thường tổ chức 2-3 chuyến văn nghệ phục vụ kiều bào không có điều kiện về quê.
Người Việt Nam ở nước ngoài dịp này tổ chức rất nhiều hoạt động để cùng nhau nhớ về Tết cổ truyền của quê hương. Đó cũng là cách bà con lưu giữ hồn quê hương cho các thế hệ sau.
Người Việt ở nước ngoài dịp này tổ chức rất nhiều hoạt động để cùng nhau nhớ về Tết cổ truyền của quê hương, phụ nữ vẫn mặc áo dài, nhiều gia đình vẫn gói bánh chưng, bánh tét, vẫn bày mâm ngũ quả… Đó cũng là cách bà con lưu giữ hồn quê hương cho các thế hệ sau.
Tôi cũng xin nói thêm, năm qua kiều bào ta ở nước ngoài, nhất là ở Mỹ, châu Âu - những nơi bị ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề - đời sống, việc làm, học tập của bà con nói chung gặp nhiều khó khăn hơn. Lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương đã rất quan tâm, trực tiếp chỉ đạo, triển khai công tác hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài về thông tin tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ lương thực, vật tư y tế cho cộng đồng tại một số địa bàn khó khăn; tổ chức các chuyến bay đưa công dân mắc kẹt, những người có hoàn cảnh khó khăn ở nước ngoài về nước tránh dịch...
Thông qua các hội đoàn và ban liên lạc cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Ủy ban luôn chủ động, nắm bắt tình hình bà con kiều bào trong và ngoài nước, chia sẻ với bà con trong cuộc sống và công việc. 
- Những năm qua, lượng kiều hối không ngừng tăng và có những đóng góp nhất định cho sự phát triển kinh tế TP cũng như cả nước. Năm 2020 trước nhiều khó khăn, lượng kiều hối về TP có bị ảnh hưởng, thưa ông? 
- Trong những năm gần đây, dòng kiều hối vào Việt Nam không ngừng gia tăng. Nếu như năm 2009 lượng kiều hối chuyển về nước khoảng 6,02 tỷ USD, đến năm 2019 con số này đã là 16,68 tỷ USD. Trong đó TPHCM luôn có lượng kiều hối chuyển về cao nhất nước.
Năm 2020 dịch bệnh Covid-19 đã tác động đến nguồn tiền kiều hối. Dịch bệnh khiến nhiều kiều bào mất việc, phải tạm nghỉ ở nhà, hoạt động kinh doanh ngưng trệ, thu nhập giảm đã hạn chế chuyển kiều hối về nước. Song theo NHNN chi nhánh TPHCM lượng kiều hối về TP cả năm 2020 vẫn đạt khoảng 5,5 tỷ USD, một con số rất đáng khích lệ trong bối cảnh chung hiện nay. 
Việt kiều vẫn giữ hương vị Tết cổ truyền ảnh 2 Ảnh minh họa.
- Thời gian gần đây lượng kiều bào trẻ về quê khởi nghiệp rất nhiều và có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp thành công. Theo ông điều gì ở Việt Nam đã níu chân những Việt kiều trẻ này? 
- Mỗi năm có khoảng 30.000 Việt kiều trẻ về thăm quê hương, tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh, bằng các dự án khởi nghiệp tại TPHCM cũng như trên cả nước. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng phát triển và có tiềm lực mạnh về kinh tế, công nghệ, năng lực quản lý và nhiều người trong số họ muốn trở về quê hương đầu tư.
Mỗi người có lý do riêng cho quyết định trở về của mình nhưng đều chung khát vọng Việt Nam. Tất nhiên, cũng phải nói đến nhiều tiềm năng Việt Nam mang đến nếu những Việt kiều trẻ này chọn quê hương để lập nghiệp. 
Hiện Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào và phong cách tiêu dùng của tầng lớp trung lưu: Với dân số hơn 90 triệu người, Việt Nam đang là thị trường lớn thứ 3 tại Đông Nam Á chỉ sau Indonesia và Philippines.
Giống như những quốc gia láng giềng, Việt Nam có rất nhiều người trẻ tuổi, gần 40% trong số họ mới hơn 25 tuổi. Họ không chỉ là nguồn nhân lực dồi dào còn là thế hệ tiêu dùng đầy tiềm năng. Tầng lớp trung lưu của Việt Nam cũng đang tăng lên nhanh chóng, tiêu dùng nhiều hơn, mạnh tay hơn, cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp, doanh nhân muốn khởi sự, phát triển kinh doanh.
Song hơn hết, các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp của Chính phủ và TPHCM đã được ban hành nhằm tạo ra những sân chơi tuyệt vời cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Đó là lý do Việt Nam đang trở thành lựa chọn khó thể bỏ qua của các Việt kiều trẻ. 
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác