Vào “đường cao tốc” EVFTA

(ĐTTCO) - Giữa lúc Covid-19 đang lan rộng, thách thức tính bền vững của các chuỗi giá trị toàn cầu trong đó nền kinh tế Việt Nam là một mắt xích, việc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được Nghị viện châu Âu phê chuẩn, lại mở ra một cơ hội vàng thúc đẩy sự chuyển dịch các chuỗi giá trị này. 

Tăng cường tính tự chủ, giảm lệ thuộc
EVFTA sẽ được Quốc hội phê chuẩn trong kỳ họp sắp tới, là dấu mốc mới trên hành trình cải cách và hội nhập của nền kinh tế Việt Nam. Với việc phê chuẩn hiệp định này, EU - một thị trường khó tính với những chuẩn mực cao nhất trên thế giới - đã chính thức ghi nhận những nỗ lực cải cách, xây dựng thể chế kinh tế thị trường và phát triển bền vững của Việt Nam, quyết tâm tăng cường hợp tác với Việt Nam. 
Là FTA thế hệ mới, EVFTA được ví như “con đường cao tốc hướng Tây”, kết nối Việt Nam tới không gian thị trường rộng lớn và có tiềm năng hàng đầu trên thế giới cả về tài chính, công nghệ…
Vào “đường cao tốc” EVFTA ảnh 1
Lợi ích đến từ những con số có thể cân, đong, đo, đếm được: EU dỡ bỏ 85,6% số dòng thuế, giúp tăng năng lực cạnh tranh cho 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này. Việt Nam xóa bỏ 48,5% tương đương với 64,5% kim ngạch nhập khẩu, sẽ giúp giảm chi phí đầu vào cho các ngành sản xuất, giảm giá hàng hóa, dịch vụ, khơi thông dòng chảy mới về thương mại với EU - một thị trường có sức mua lớn thứ 2 trên thế giới (chỉ sau Mỹ). EVFTA tạo điều kiện cho người dân Việt Nam và châu Âu có thể tiếp cận hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao với giá rẻ. Rượu vang Pháp, Italia sẽ quen thuộc hơn trong bữa ăn của người dân Việt, trong khi tôm Việt Nam sẽ nhiều hơn trong bữa ăn của gia đình các nước EU. 
Theo dòng chảy thương mại là dòng vốn đầu tư, chuyển giao công nghệ, góp phần nâng cấp các sản phẩm “made in Viet Nam” hay “made by Viet Nam” trong chuỗi giá trị toàn cầu Việt Nam đang nỗ lực tham gia. Với sự tham gia của các đối tác châu Âu, chúng ta kỳ vọng, giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ của những công đoạn sản xuất tại Việt Nam sẽ tăng lên. 
Bên cạnh đó, nỗ lực vươn tới những chuẩn mực quốc tế về quản trị quốc gia và quản trị doanh nghiệp, về lao động, môi trường… cũng sẽ tạo ra nguồn năng lượng mới cho chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam. “Phát triển bền vững” là từ khóa, là nền tảng tương tác giữa các nền kinh tế và doanh nghiệp theo khuôn khổ các FTA thế hệ mới trong đó có EVFTA.
Doanh nghiệp phải làm gì?
Trước hết, doanh nghiệp phải tìm, hiểu về các cam kết, thách thức, cơ hội liên quan đến ngành và lĩnh vực của mình để định vị lại mình và phải hành động ngay; tái cấu trúc các thị trường, bạn hàng, nguồn cung ứng... để tận dụng các cơ hội mà các cam kết mở ra. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải gia tốc những nỗ lực, nâng cấp nền tảng năng lực cạnh tranh của chính mình về mô hình kinh doanh, về chiến lược, quản trị, nhân lực, chất lượng hàng hóa và dịch vụ theo tiêu chuẩn châu Âu… Không có nền tảng là năng lực cạnh tranh bền vững không thể hội nhập thành công.
Muốn ra được thị trường thế giới, doanh nghiệp phải đứng vững trên mảnh đất của mình. Hướng ra EU, thị trường thế giới mênh mông nhưng đừng quên thị trường “trước nhà”, “trong ngõ” là dân Việt Nam. Thị trường trong nước với gần 100 triệu dân, trong một nền kinh tế đang cất cánh, sẽ là bệ đỡ, là điểm tựa cho doanh nghiệp Việt vươn ra thị trường thế giới.
Cơ hội lớn mở ra, nhưng cạnh tranh cũng rất gay gắt. Về lý thuyết, ở những lĩnh vực nào có đối đầu trực tiếp giữa doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp EU, cạnh tranh trong EVFTA sẽ phức tạp hơn. Tuy nhiên, về tổng thể, cơ cấu kinh tế của Việt Nam và các nước EU mang tính bổ sung, tương hỗ lẫn nhau nên ít có cạnh tranh trực tiếp. Cạnh tranh gay gắt sẽ chỉ ở một số lĩnh vực Việt Nam còn yếu trong khi EU lại rất mạnh như logistics, chăn nuôi… Dù vậy, ngay cả với những ngành này, chúng ta cũng không phải quá lo lắng, bởi các cam kết mở cửa thị trường trong EVFTA có chừng mực, với lộ trình đủ dài, vừa với sức vươn lên của các doanh nghiệp trong nước. 
Vấn đề là nỗ lực vươn lên đương đầu với cạnh tranh sòng phẳng phải là tâm thế của doanh nghiệp thời hội nhập, không phải là tiếp tục trông chờ vào bảo hộ. Thực tiễn của những ngành, những lĩnh vực có sức cạnh tranh cao của chúng ta hiện nay đều là những ngành, lĩnh vực đã nói không với bảo hộ, cam kết với cạnh tranh, dũng cảm mở cửa và hội nhập.

Nhà nước là người mở đường, dẫn dắt
Cộng đồng doanh nghiệp cần sát cánh với các cơ quan Chính phủ trong nỗ lực thực thi EVFTA. Để nâng cao năng lực thể chế chuẩn bị cho hội nhập, không chỉ có việc cải cách để “nội luật hóa” bảo đảm tuân thủ các cam kết, còn phải cải cách để tận dụng tốt nhất các cơ hội. Cải cách thể chế sâu, rộng hơn cam kết sẽ mở không gian phát triển cho nền kinh tế Việt Nam. 
Nếu ví EVFTA là con đường cao tốc, những thể chế nội địa là đường nội đô, nội thị, đường gom… Tất cả con đường này có thông thoáng, kỷ cương cỗ xe kinh tế Việt Nam mới có thể tăng tốc. Nỗ lực cải cách thể chế thời hội nhập phải tiếp tục củng cố những nền tảng cạnh tranh minh bạch và công bằng; phát triển bền vững, bảo đảm hài hòa các mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường; hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; thúc đẩy liên kết, phát triển công nghiệp hỗ trợ, tạo ra hệ sinh thái cộng sinh cùng có lợi giữa các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với trong nước. 
“Thể chế nào doanh nghiệp đó”, chìa khóa để hội nhập EVFTA nói riêng, hay hội nhập kinh tế quốc tế nói chung thành công, suy cho cùng phải bắt nguồn từ những nỗ lực cải cách thể chế của Nhà nước, song hành với những nỗ lực nâng cấp về quản trị, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Đó là đôi chân ngàn dặm để nền kinh tế Việt Nam đi tới thành công.  
Tác động kép của Covid-19 và EVFTA chắc chắn sẽ thúc đẩy những nỗ lực tái cấu trúc nền kinh tế, không gian thị trường của nền kinh tế Việt Nam theo hướng tăng cường tính tự chủ, giảm lệ thuộc vào các thị trường bên cạnh và nâng cấp Việt Nam trong các chuỗi giá trị toàn cầu.

Các tin khác