Văn minh đô thị vùng đất mới

Qua những số liệu cụ thể từ đề tài nghiên cứu “Điều tra xã hội học về sự đổi thay của vùng đất phía Nam TPHCM sau 25 năm” do UBND TP đặt hàng, Khoa đô thị học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM thực hiện, đã phác họa những đổi thay ngoạn mục từ vùng đất bưng biền.

Qua những số liệu cụ thể từ đề tài nghiên cứu “Điều tra xã hội học về sự đổi thay của vùng đất phía Nam TPHCM sau 25 năm” do UBND TP đặt hàng, Khoa đô thị học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM thực hiện, đã phác họa những đổi thay ngoạn mục từ vùng đất bưng biền.

Khai phá

Ngày 24-10-1989 được xem là ngày truyền thống, khởi đầu quá trình đánh thức một vùng đất hoang hóa, nghèo nàn trở thành khu đô thị (KĐT) hấp dẫn và năng động vào bậc nhất của TPHCM. Đó là ngày Chủ tịch UBND TPHCM lúc đó, ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp, đã ký Quyết định 631 cho ra đời “Chương trình Khu công nghiệp (KCN) xuất khẩu Tân Thuận”, mở đầu cho những thành tựu nổi bật trong công cuộc mở mang phía Nam TP.

Kể từ đó đến nay đã 25 năm, một chặng đường ngắn của lịch sử nhưng là bước đi khá dài đủ để khẳng định một mô hình thành công khi vùng đất phía Nam TPHCM đã có diện mạo mới và chất lượng sống mới. Từ một vùng đất hoang vu đầy cỏ lác, nước phèn, nước lợ, đầy rắn rít muỗi mòng, dân cư thưa thớt, nay Nam Sài Gòn đã trở thành khu vực phát triển năng động của TPHCM. Nơi đây có KCN hiện đại Tân Thuận, Nhà máy điện Hiệp Phước, các khu dân cư mới và hiện đại như Tân Mỹ, Tân Quy Đông, Hiệp Phước 1, 2, Sunrise City, Him Lam… Và đặc biệt là KĐT mới Phú Mỹ Hưng được xếp hạng KĐT kiểu mẫu.

Ngoài ra còn phải kể đến sự thay đổi mạnh mẽ nơi đây kể từ khi Đại lộ Nguyễn Văn Linh ra đời. Nó không chỉ góp phần làm thay đổi cuộc sống cư dân mà còn mở ra cửa ngõ thông thương của TPHCM với miền Tây Nam bộ, Đông Nam bộ và đến các nước Đông Nam Á bằng đường bộ. Và để có được một cuộc sống văn minh, một trong những nhân tố quan trọng nhất là điều kiện đảm bảo cho hành vi văn minh xuất hiện.

Khi một cộng đồng dân cư chuyển từ một xã hội nông nghiệp truyền thống sang xã hội công nghiệp - đô thị hiện đại, cùng song song hoặc muộn hơn một chút lối sống, nếp sống văn minh đô thị sẽ xuất hiện. Ở Nam TPHCM, các điều kiện vật chất phục vụ cho xã hội văn minh đã xuất hiện khá đầy đủ (không tính KĐT Phú Mỹ Hưng): 57% hộ dân có nhà cấp 4; 89,5% hộ dân có nhà vệ sinh kiểu mới; 72,5% hộ dân được cấp nước sạch; hơn 90% hộ dân sắm sửa được ti vi, tủ lạnh, xe máy và điện thoại di động...

Kết quả đánh giá về kinh tế, việc làm và thu nhập cho thấy 56% người dân nói mức sống của họ tốt hơn; 40,5% cho rằng đời sống gia đình so với trước kia khá hơn và rất khá. Các hộ gia đình cho biết thu nhập của họ có sự thay đổi theo chiều hướng tốt hơn. Về mức thu nhập trung bình tính theo đầu người/tháng của người dân hiện nay tăng gấp đôi so với 10 năm trước, từ 1.244.300 đồng tăng lên 2.862.000 đồng. Đặc biệt, điều kiện nhà ở đã tốt lên rất nhiều, khi chỉ còn 1% nhà tạm so với nhà cấp 3 đạt 42%. Diện tích nhà ở hiện nay tính trên đầu người lên đến 34m2.

Đồng hoang chuyển mình

Đánh giá sự thay đổi của một vùng đất, các chỉ số về kinh tế như GDP, thu nhập tính theo đầu người, mức chi tiêu hàng ngày, các thiết bị sở hữu… được coi là quan trọng nhưng vẫn chưa đủ. Những năm gần đây việc đo lường chất lượng sống được bổ sung thêm một loạt thang đo khác như chỉ số về con người (HDI), chỉ số về hạnh phúc (HPI)…

Với các nước nghèo và trung bình như Việt Nam, các tiêu chí đánh giá chủ yếu về lương thực thực phẩm trong rổ lương thực, thu nhập, chi tiêu, đồ dùng sinh hoạt, phương tiện đi lại, chi phí chữa bệnh, trong khi các nước phát triển thiên về đời sống tinh thần như số lần đi du lịch, chi tiêu cho văn hóa nghệ thuật, giải trí…

Qua khảo sát, 91,8% người dân nơi đây cho rằng xã hội (hiểu theo nghĩa không gian sống và quan hệ xã hội của cộng đồng cư trú, môi trường xã hội khu vực) ngăn nắp và trật tự hơn trước; 86,4% cho rằng mọi người lịch sự hơn; 84,2% đồng ý ý thức chấp hành pháp luật tốt hơn trước; 83,4% cho rằng mọi người có ý thức bảo vệ môi trường tốt hơn… Những con số này có ý nghĩa rất lớn trong sự thay đổi về đời sống cư dân. Rõ ràng văn minh đô thị đã lan tỏa tới vùng đất Nam TP một cách mạnh mẽ và được người dân đón nhận tích cực.

Phú Mỹ Hưng - KĐT kiểu mẫu hàng đầu tại Việt Nam. Ảnh: Long Thanh

Phú Mỹ Hưng - KĐT kiểu mẫu hàng đầu tại Việt Nam. Ảnh: Long Thanh

Khu Nam TP là hình mẫu thành công về nhiều phương diện, nhiều cấp độ. Nghiên cứu xã hội học trên còn bổ sung thêm cứ liệu mang tính định lượng nhằm làm sáng tỏ hơn những nhận định trước đó. TS. Trần Văn Thịnh, Viện Nghiên cứu và Phát triển TPHCM đánh giá tiềm năng của vùng đất này còn rất lớn, trong đó có thể phát triển du lịch sinh thái, sông nước.

Tuy nhiên, ông Võ Minh Thành, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng, nêu ra những khó khăn thách thức mà khu Nam TP phải đối mặt trong thời gian tới như tình trạng ngập nước, eo hẹp quỹ đất để phát triển... Song với sự thành công và phát triển mạnh mẽ trong 25 năm qua, ông Thành tin rằng, vùng đất mới này sẽ như con rồng mạnh mẽ tiến ra biển lớn để bay cao bay xa hơn nữa.

Các tin khác