Vải thiều - hình mẫu tiêu thụ nông sản mùa dịch?

(ĐTTCO) – Khó khăn của đại dịch Covid-19 những tưởng sẽ đẩy trái vải vào thế phải “giải cứu” khi mùa vụ rơi trúng tâm điểm dịch bùng phát. Nhưng không, đặc sản này đang được tiêu thụ với giá tốt trên cả nước song song với xuất khẩu đến nhiều thị trường khó tính. Liệu những nông sản khác có được như vậy?

Giữa đại dịch Covid-19, vải thiều vẫn tiêu thụ tốt với giá bán không hề rẻ.
Giữa đại dịch Covid-19, vải thiều vẫn tiêu thụ tốt với giá bán không hề rẻ.

Những điều đầu tiên của trái vải

Năm 2021, lần đầu tiên trái vải thiều được cả 6 sàn thương mại điện tử (TMĐT) là Tiki, Lazada, Sendo, Voso, Postmart và Shopee mở bán từ đầu tháng 6. Trái vải thiều từ vùng trồng đã đến tận tay người tiêu dùng tại nhiều tỉnh/thành trên cả nước cùng nhiều chương trình khuyến mại giảm giá, đẩy nhanh tốc độ giao hàng.

Các chuỗi bán lẻ lớn ngoài tiêu thụ trực tiếp tại siêu thị, cửa hàng tiện ích còn bắt tay với sàn TMĐT để đẩy nhanh hơn việc tiêu thụ vải thiều. Tiêu biểu như cái bắt tay giữa Tiki và và Central Retail. Theo đó khách hàng có thể mua vải thiều Bắc Giang trên Tiki thông qua gian hàng của Big C (GO!) tại TikiNgon.

Tương tự vải thiều Bắc Giang trên Lazada cũng được bán qua gian hàng của Vinmart và FoodMap.

Trước vải thiều Bắc Giang thì vải Thanh Hà - Hải Dương cũng được bán mạnh trên kênh trực tuyến với sự tham gia của Sendo và Lazada. Nhiều người tiêu dùng tỏ ra rất hào hứng với hình thức tiêu thụ nông sản mới này, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp như hiện nay.

Chị Thu Hương (Gò Vấp, TPHCM) cho biết cả hai lần đặt hàng mua vải (một lần là vải Hải Dương, một là vải Bắc Giang) trên sàn TMĐT Sendo đều rất hài lòng, vì giá rẻ và chất lượng vải tươi ngon, đóng gói đẹp, chắc chắn.

Năm nay cũng là lần đầu tiên hơn 40 tấn vải thiều Bắc Giang được Vietnam Airline bố trí riêng máy bay Boeing đưa vào thị trường TPHCM. Đây cũng là năm đầu tiên vải thiều được bán trực tuyến qua sàn TMĐT Alibaba, từ đây, vải thiều Bắc Giang được ra thế giới trên nền tảng số.

Vải thiều - hình mẫu tiêu thụ nông sản mùa dịch? ảnh 1 Vụ vải năm 2021 đánh dấu nhiều kỷ lục đặc biệt với nông sản này. Ảnh: TTXVN
Tháng 6 này cũng là lần đầu tiên vải thiều Việt Nam đi Châu Âu theo hiệp định EVFTA. Cụ thể chiều ngày 7-6, lô vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) đã được xuất đi Châu Âu theo hiệp định EVFTA. Dự kiến sau vải Hải Dương thì vải thiều Bắc Giang cũng lên đường chinh phục cộng đồng 27 quốc gia khó tính này.
Ngày 12-6 vừa qua, lô hàng đặc sản vải thiều đầu tiên gắn tem truy suất nguồn gốc itrace247, do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) phát triển đã được nhập khẩu chính ngạch vào Pháp qua đường hàng không.

Trước đó, ngày 26-5, “lô vải thiều không Covid-19” của Bắc Giang cũng được xuất khẩu sang Nhật Bản với chất lượng vượt trội an toàn, đẹp về màu sắc và ngon về hương thơm. Vải thiều Việt Nam năm nay cũng lần đầu tiên xuất chính ngạch sang Singapore và bán trên tất cả siêu thị. Đây có lẽ cũng là năm đầu tiên thông tin về trái vải thiều ngập tràn trên các phương tiện truyền thông.

Ngoài rất nhiều những lần đầu tiên này, trái vải cũng đang được hỗ trợ mạnh tiêu thụ ở các kênh truyền thống tại thị trường trong nước và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tất cả đã giúp cho vải thiều thoát cảnh “giải cứu”, mang đến niềm vui cho bà con nông dân, đặc biệt là nông dân vùng dịch Bắc Giang.

Nông sản khác có theo được đường vải thiều?

 Câu chuyện tiêu thụ trái vải thiều thời gian qua đang khiến nhiều người đặt câu hỏi với nhiều nông sản khác đang và sẽ vào mùa vụ. Theo dự báo, từ nay đến cuối năm, cả nước sẽ có khoảng hơn 4 triệu tấn nông sản cần tìm đầu ra.

Cụ thể như khu vực phía Bắc, sau trái vải sẽ đến nhãn, xoài, chuối, cam… hay khu vực miền Nam là thanh long, bơ, chôm chôm, măng cụt, mít, sầu riêng…

Vải thiều - hình mẫu tiêu thụ nông sản mùa dịch? ảnh 2 Nhưng không phải nông sản nào cũng may mắn. Sầu riêng, bơ, dưa hấu... liên tục phải kêu gọi giải cứu từ 2 năm nay. Ảnh: Dân việt

Ngoài trái cây thì nhiều mặt hàng nông sản như khoai, bí, bắp… cũng đang rất cần được hỗ trợ đầu ra.

Đi theo con đường lên sàn như vải được không. Hoàn toàn có thể, nhưng trước hết phải có sự chung tay.

Nhìn lại trái vải, ngay đầu vụ, Cục thương mại điện tử và kinh tế số đã có sự phối hợp rất chặt chẽ cùng các địa phương và các sàn TMĐT trong hành trình đưa vải lên đồng loạt nhiều sàn TMĐT. Thế vẫn chưa đủ, phải có sự tham gia tích cực của người nông dân, các hợp tác xã và các doanh nghiệp, vì đây là phương thức kinh doanh mới đối với nông sản.

Chia sẻ cùng ĐTTC, ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, Chủ tịch CTCP Công nghệ Sendo, cho biết sự đầu tư vào việc vận hành gian hàng trên sàn TMĐT từ các doanh nghiệp địa phương về hình ảnh, đóng gói bao bì, các chương trình khuyến mại thúc đẩy nhu cầu mua sắm... còn chưa được chỉn chu, dẫn đến khó khăn trong giai đoạn đầu tiên khởi động lên sàn.

Được biết Cục thương mại điện tử sẽ tiếp tuc phối hợp với nhiều địa phương để hộ trợ tiêu thụ nông sản. Nhưng liệu sau vải, nếu đến với bất cứ địa phương nào, các sàn cũng phải cầm tay chỉ việc từ đầu, thì có hiệu quả hay không. Đó là chưa kể sản lượng tiêu thụ từ các sàn TMĐT cũng còn khá khiêm tốn. Nên có thể khẳng định TMĐT không phải cây đũa thần cho các mặt hàng nông sản tươi.

Chế biến sâu - đường duy nhất giúp nông sản thoát cảnh giải cứu

Vậy xuất khẩu thì sao. Thực tế lâu nay nhiều mặt hàng như khoai, thanh long… vẫn chủ yếu xuất khẩu qua Trung Quốc, nhưng dịch bệnh đã khiến hành trình xuất khẩu này chậm lại. Còn đường đi các thị trường khó tính khác thì không dễ.

Vải thiều - hình mẫu tiêu thụ nông sản mùa dịch? ảnh 3 Chế biến sâu mới là đường đi chắc chắn cho nông sản Việt Nam.  Ảnh: Lavifoof.
Để sang Nhật hay Singapore, các cơ quan chức năng Việt Nam đã phải đàm phán trước đó khá lâu. Ngoài ra, khi vào những thị trường khó tính đòi hỏi phải đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng khắt khe.
Ông Chung Trí Phong, Tổng Giám đốc Pacific Foods - đơn vị đưa vải thiều đi Châu Âu vừa qua, cho biết hành trình để quả vải sang được tay người tiêu dùng Châu Âu không hề đơn giản. Ngay từ đầu vụ, vùng vải phục vụ sản xuất sang EU phải được các đối tác nhập khẩu kiểm tra hệ thống quản lí sản xuất, và chấp nhận về phần mềm giám sát.

Pacific Foods cũng liên kết với nhiều đối tác trong việc đầu tư máy móc để sơ chế, bảo quản trái vải, đảm bảo từ thu hoạch cho tới khi đến người tiêu dùng.

Theo nhiều ý kiến thì cách tốt nhất là tăng tốc chế biến sâu. Chế biến sâu không chỉ giúp cho khâu tiêu thụ mà còn giữ được giá cả ổn định cho nông sản. Tất nhiên chế biến sâu cũng đòi hỏi nông sản phải đạt chất lượng nhất định, nhưng độ khó sẽ không bằng xuất hàng tươi. Chưa kể, khi chế biến sâu thời gian bảo quản lâu hơn, chi phí vận chuyển sẽ giảm nhiều.

Đây không phải câu chuyện mới, nhưng sẽ là hướng đi bền vững cho nông sản không chỉ trong mùa dịch. Để nông sản không còn vướng cảnh “giải cứu” khi được mùa.

Các tin khác